Triển vọng lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2025:

Những “điểm sáng” tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ

Năm 2024, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm hàng đầu thế giới khi bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa.

Năm 2025 được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với những “điểm sáng” tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

cong-nhan.jpg
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Những dấu ấn tích cực trong năm 2024

Năm 2024, mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nền kinh tế nước ta vẫn khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít nước đạt tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt con số kỷ lục 783 tỷ USD (vượt hơn 100 tỷ USD so với mức 681 tỷ USD của năm 2023). Trong đó, xuất khẩu đạt 403 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2023, đạt thành tích xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD.

Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến hết tháng 11-2024, thu hút vốn FDI tăng khá với tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có nhiều dự án tăng vốn quy mô lớn trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.

“Việc dự án tăng vốn cũng như vốn thực hiện tăng mạnh cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng vào môi trường, chính sách đầu tư của Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn thì đây là tín hiệu tốt cho thấy khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn duy trì tốt hoạt động đầu tư kinh doanh. Đến hết tháng 11-2024, các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân được khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là con số giải ngân cao kỷ lục giai đoạn 2019-2024. Đáng lưu ý, Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu.

Những tín hiệu lạc quan trên là căn cứ để truyền thông quốc tế đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng. Cuộc khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp thời trang Mỹ (USFIA) cho thấy, Việt Nam ghi điểm cao hơn một số nước châu Á về sản xuất các sản phẩm có giá trị cao. Trong khi đó, trang financemiddleeast.com (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) đánh giá Việt Nam tiếp tục là một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bức tranh phát triển cả nước đầy lạc quan và tươi sáng, Hà Nội đã nỗ lực phục hồi để lấy lại phong độ, thúc đẩy tăng trưởng với kết quả đáng ghi nhận. Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của Thủ đô. Ước tính, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 6,52% (năm trước tăng 6,27%), với quy mô khoảng 58 tỷ USD. Thu ngân sách trên địa bàn cũng đạt 492 nghìn tỷ đồng, bằng 120,5% dự toán. Bên cạnh đó, hoạt động công nghiệp, thương mại, thị trường nội địa diễn ra khá sôi động và đồng đều, góp phần kích đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2024.

Đáng ghi nhận, năm 2024, Hà Nội đạt kim ngạch xuất khẩu 19,43 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2023 (cao gấp hơn 3 lần so với kế hoạch). Đây là kết quả ấn tượng, cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, thể hiện sức vươn ấn tượng trong lĩnh vực xuất khẩu vốn cạnh tranh rất căng thẳng trên thị trường quốc tế.

Xác định mục tiêu đột phá

Năm 2025 được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với khí thế mới và động lực mới đang bao trùm để bước vào kỷ nguyên mới.

Để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, hướng đến tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên cao nhất thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 ở mức hai con số.

Đây không chỉ là thách thức mà còn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu đã đề ra tại các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.

Trong đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm vững tiềm năng, thế mạnh để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kịch bản tăng trưởng năm 2025 ở mức hai con số với tinh thần phấn đấu cao nhất, nỗ lực lớn nhất, bảo đảm phù hợp với đặc thù của địa phương nhưng phải thống nhất trong mục tiêu chung là đóng góp cho phát triển kinh tế quốc gia. Các thành phố lớn, các địa phương là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng cao hơn để đóng góp vào tăng trưởng chung.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm, mục tiêu tăng trưởng hai con số thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội dù đây là thách thức khá lớn. Quốc hội cũng đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2025, trong đó có việc quyết liệt tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn. Khi các giải pháp đề ra được thực hiện quyết liệt và hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam có thể tạo sự đột phá, tăng tốc để về đích trong năm 2025.

Chỉ ra một số động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025, Tiến sĩ Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phân tích cụ thể về cả ba khu vực kinh tế vẫn đang tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng tốt hơn. Mức sống dân cư có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng để giúp thúc đẩy thị trường trong nước. Tình hình xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực.

Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết. Hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp và hệ thống chính trị cũng sẽ diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ là cơ sở giúp đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.

Định hướng phát triển cho năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, một trong những vấn đề có tính then chốt là tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Đảng về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Trong đó, từ nay đến năm 2030 là thời kỳ chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của Việt Nam để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra. Do đó, từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương cần chủ động, linh hoạt hóa giải khó khăn, thách thức, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội. Các vùng động lực quan trọng như đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, hiện chiếm hơn 60% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước và hai cực tăng trưởng là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hiện chiếm 28% GDP cả nước, cũng phải tăng trưởng hai con số để khẳng định vai trò đầu tàu dẫn dắt.

https://hanoimoi.vn/trien-vong-lac-quan-ve-kinh-te-viet-nam-nam-2025-nhung-diem-sang-tao-dong-luc-tang-truong-manh-me-689201.html

Sơn Hoa / HNM