“Những cô gái kim cương” của bóng đá Việt Nam

“Những cô gái kim cương và huấn luyện viên kim cương của thể thao Việt Nam, thể hiện tài năng, trí tuệ, phẩm chất, ý chí, bản lĩnh của người Việt Nam. Đó là cách mà Thủ tướng đã gọi tên những người đã giành vé đến World Cup 2023 cho bóng đá nữ Việt Nam.

Trong cuộc gặp gặp mặt, chúc mừng và khen thưởng đội tuyển nữ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, mọi người vẫn gọi các cầu thủ bóng đá nữ là "những cô gái vàng của thể thao Việt Nam" khi đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trên đấu trường quốc tế trong thời gian vừa qua. Nhưng Thủ tướng gọi đây là những "cô gái kim cương" và "huấn luyện viên kim cương" của thể thao Việt Nam, thể hiện tài năng, trí tuệ, phẩm chất, ý chí, bản lĩnh của người Việt Nam.

Theo Thủ tướng, nhiều cầu thủ có mặt ở đây hôm nay đã rất khó khăn để thuyết phục được cha mẹ, khó khăn vượt qua định kiến của xã hội về phụ nữ đá bóng.Chưa kể thời gian tập luyện, xa nhà cũng là bất tiện lớn.Nếu không có bản lĩnh, sự đam mê, ý chí cháy bỏng, chắc chắn các em đã không thể tham gia được.

Bên cạnh đó, khi chọn bóng đá là nghề nghiệp, các cầu thủ phải đối mặt với vất vả của cuộc sống khi đồng lương còn eo hẹp, thậm chí không đủ trang trải cuộc sống. Lương cơ bản các cầu thủ nhận được khoảng 5 triệu đồng/tháng, có khi còn thấp hơn. Vì vậy, nhiều vận động viên đã phải làm thêm nghề phụ để kiếm sống, để theo đuổi đam mê như bán hàng online, làm nông nghiệp…

“Những cô gái kim cương”  của bóng đá Việt Nam -0

Tuyển nữ Việt Nam ngày về nước. Ảnh: VFF

Thực tế trăn trở nữa là khi các vận động viên giải nghệ, không phải ai cũng may mắn có được cuộc sống, nghề nghiệp với thu nhập ổn định. Nhiều cầu thủ cống hiến cả tuổi trẻ cho bóng đá, sau trở về cuộc sống đời thường vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do không có việc làm, thu nhập bấp bênh như bán hàng, làm ruộng, kinh doanh nhỏ lẻ…

Nhìn lại hành trình giành vé dự World Cup 2023 của đội tuyển nữ Việt Nam, có thể thấy các cô gái đã vượt qua rất nhiều khó khăn, có những thời điểm tưởng như phải bỏ cuộc. Đặc biệt khi đội có đến 20/23 cầu thủ nhiễm COVID-19. Tiền vệ Bích Thuỳ chia sẻ: “Bản thân tôi và toàn đội cũng không may mắn khi vẫn vướng phải dịch bệnh tại Tây Ban Nha. Thực ra chúng tôi cũng gặp vấn đề về tâm lý, sắp tới giải rồi, bao sự chờ đợi, cơ hội và chuẩn bị để giành vé để World Cup có thể đổ bể.

Hơn nữa, lứa cầu thủ này cũng đã có tuổi rồi, nhưng đội tuyển nữ Việt Nam cũng đã vượt qua tất cả.Lúc ấy, có hơn nửa đội mắc COVID-19 phải ở Tây Ban Nha. Tôi là một trong 6 cầu thủ được sang Ấn Độ nhưng rồi chính tôi lại có kết quả xét nghiệm PCR dương tính. Tôi cũng hơi hoảng sợ, nhưng với sự quan tâm của lãnh đạo VFF, ban huấn luyện tuyển nữ Việt Nam khiến sự lo âu vơi đi”.

Và chính những cô gái còn phải đối mặt với cả những thực tế phũ phàng sau vinh quang khi sau những sự tung hê có thể mọi chuyện sẽ “đâu vào đó”. Như cựu tuyển thủ Ngọc Châm chia sẻ thì: “Cứ sau mỗi lần vô địch SEA Games, chơi tốt và thi đấu tốt tại một giải đấu thì lúc nào cũng có nhiều tiền thưởng, sẽ có nhiều sự quan tâm từ người hâm mộ, lãnh đạo. Nhưng quan trọng là sau khi kết thúc thì tất cả mọi thứ lại quay về quỹ đạo bình thường.

Nếu bây giờ muốn phát triển thì phải cần cả một hệ thống bắt đầu từ đào tạo trẻ lên câu lạc bộ và lên các lứa tuyển, cuối cùng là đội tuyển quốc gia.Sau đó thì cần được đi tập huấn thi đấu và cọ xát nhiều, thay vì cả năm khi nào sắp có giải mới tập trung và đi tập huấn ngắn ngày.

Bây giờ thì tuyển nữ cũng đã được quan tâm hơn nhưng để lại được dấu ấn tại World Cup thì tương đối khó vì tôi nghĩ rằng có tấm vé tham dự cho Việt Nam đã là một niềm vui rất lớn rồi. Còn để bước ngoặt với bóng đá nữ ở World Cup vào năm sau thì không kịp vì đây là cả một quá trình.Làm như nào để thay đổi là từ phía lãnh đạo chứ không từ một vài cá nhân, đây là vấn đề của cả một bộ máy, cả một quá trình chứ không thể ngày một ngày hai.Cần một quá trình dài để phát triển, chứ không phải là sau khi một giải đấu lớn kết thúc thì mọi thứ lại trở về như cũ”.

Ngày đội tuyển nữ Việt Nam về nước, có thể nhiều người không chú ý đến hình ảnh các cô gái được truyền thông vây quanh nhưng lại thiếu bóng dáng người hâm mộ.Họ không được người hâm mộ bủa vây như cách mà U23 Việt Nam nhận được sau khi làm nên kỳ tích Thường Châu 2018. Rất khó để đưa ra một sự so sánh, thế nhưng, đó là thực tại.

Sau thành công của đội tuyển nữ Việt Nam, rất nhiều người đã nói đến câu chuyện đầu tư thế nào?Thế nhưng đây vẫn là bài toán khó. Thủ tướng cũng đưa ra kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm và hỗ trợ để phát triển nền bóng đá nước nhà nói chung và đặc biệt là bóng đá nữ nói riêng. Mong rằng, điều này sẽ tạo ra cú hích cho “những cô gái kim cương”.

Tuyển nữ Việt Nam là niềm tự hào

VFF đã tổ chức lễ mừng công đội tuyển nữ Việt Nam sau kỳ tích giành vé dự World Cup 2023 vào ngày 11-2.Đây là phần thưởng xứng đáng sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung.

Phát biểu tại buổi lễ, Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ: "Thay mặt ban chấp hành, tôi rất nhiệt liệt chào mừng và biểu dương kỳ tích của đội tuyển nữ Việt Nam. Sau U17 Việt Nam, tuyển futsal Việt Nam, đây là lần thứ 3 bóng đá Việt Nam góp mặt tại sân chơi World Cup.

Đã có những thời điểm chúng ta đối mặt với rất nhiều khó khăn khi đội tuyển nữ có nhiều cầu thủ mắc COVID-19.Đội tập huấn ở Tây Ban Nha nhưng thi đấu ở Ấn Độ, điều kiện hàng không di chuyển cũng gặp khó khăn. Ban huấn luyện đội, ban chấp hành VFF đã tập trung chỉ đạo để kịp thời đưa ra những quyết định đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức giải.

Cho đến bây giờ, khi nhắc lại, chúng tôi cảm thấy khâm phục, xúc động với tinh thần quyết tâm, kiên cường của toàn đội.Các cô gái vàng thể hiện sự đoàn kết, quật cường, đặc biệt tinh thần không từ bỏ của người phụ nữ Việt Nam.Với những thành tích này, đội tuyển nữ Việt Nam cũng chính là niềm tự hào của bóng đá Đông Nam Á".

"Cách đây vài năm, ngay sau khi có những thông tin FIFA tăng số lượng dự World Cup lên 32 đội, Ban Chấp hành VFF đã hoạch định chiến lược, kế hoạch mục tiêu cụ thể. VFF đặt vấn đề với huấn luyện viên Mai Đức Chung trong thời gian dài để hiện thực hoá nhiệm vụ.

Trong quá trình triển khai, VFF nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, nhà tài trợ. Trong hoàn cảnh khó khăn khi nhiều giải đấu tạm dừng, hoãn hoặc huỷ, được sự tạo điều kiện của UBND thành phố Hà Nội, VFF quyết tâm tổ chức 3 giải đấu lớn, tạo sân chơi giúp cầu thủ duy trì phong độ, rèn luyện kỹ năng,...”, ông Trần Quốc Tuấn cho biết. (H.H)

/ cand.com.vn