Ép buộc người khác uống rượu bị phạt 3 triệu đồng; tăng mức thưởng cho học sinh đạt giải quốc tế... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 11.
Học sinh có thể được dùng điện thoại trong lớp
Có hiệu lực từ 1/11, thông tư 32 của Bộ Giáo Dục và đào tạo quy định học hinh trung học cơ sở, trung học phổ thông nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập, có thể được dùng điện thoại di động và các thiết bị khác trong giờ học.
Quy định hiện hành có hiệu lực từ năm 2011 quy định học sinh bị cấm dùng điện thoại di động, máy nghe nhạc trong giờ học dưới mọi hình thức.
Tương tự với giáo viên, thay vì cấm như hiện nay thì trong giờ học cũng sẽ được phép "sử dụng điện thoại di động".
Học sinh cấp 2 ở Thanh Hóa trong lớp học hồi tháng 4. Ảnh:Lê Hoàng |
Tăng mức thưởng cho học sinh, sinh viên đoạt giải quốc tế
Theo Nghị định 110 hiệu lực từ ngày 1/11, mức thưởng cho học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế, thi kỹ năng nghề thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với quy định hiện hành.
Cụ thể với trường hợp được Huy chương Vàng hoặc giải nhất sẽ được thưởng 55 triệu đồng thay vì 15 triệu đồng như hiện nay; huy chương Bạc hoặc giải nhì 35 triệu đồng (hiện hành 10 triệu đồng); huy chương Đồng hoặc giải ba 25 triệu đồng (hiện hành 7 triệu đồng); khuyến khích: 10 triệu đồng (hiện hành 3 triệu đồng).
Ngoài ra, học sinh, sinh viên đoạt giải còn được tặng thêm Huân chương lao động hoặc Bằng khen tùy theo thành tích đạt được
Thêm trường hợp trẻ em mẫu giáo được hỗ trợ tiền ăn trưa
Cũng có hiệu lực từ 1/11, nghị định 105 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non bổ sung thêm nhiều trường hợp trẻ mầm non được hưởng hỗ trợ tiền ăn trưa. Trong đó bổ sung thêm trẻ em là con liệt sĩ, con Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh...
Theo quy định hiện hành, 3 trường hợp trẻ em được hỗ trợ gồm: Trẻ nơi đặc biệt khó khăn ở vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; trẻ không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Mức hỗ trợ tiền ăn trưa với trẻ em trong quy định này cũng tăng lên 160.000 đồng một tháng với mỗi trẻ, thay vì mức 130.000 đồng như hiện nay.
Ép buộc người khác uống rượu bia bị phạt đến 3 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 15/11, nghị định 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế lần đầu đưa ra các mức phạt mới như như phạt tiền từ 500.000 đến một triệu đồng với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia; phạt từ một đến 3 triệu đồng nếu ép buộc người khác uống rượu bia...
Ngoài ra, nghị định cũng quy định xử phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu, bia.
Đặc biệt phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi mở mới điểm bán rượu, bia gần cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, cơ sở giáo dục phổ thông.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10
Chỉ được gọi điện quảng cáo trong giờ hành chính; làm hỏng bia chủ quyền bị phạt 100 triệu... là những chính sách nổi bật ... |