Những chiếc phong bì hối lộ và trách nhiệm công vụ

Nói về những chiếc phong bì hối lộ trong vụ án này, nhà báo Hoàng Linh viết trên Facebook cá nhân những lời thật đáng để bạn đọc suy ngẫm. Anh viết: “23 người là lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành, bị truy tố tội "Đưa hối lộ" cho rằng, buộc phải chi tiền do bị gây khó khăn, ngâm hồ sơ, xếp lịch bay sát ngày; hoặc bị yêu cầu đến "nói chuyện".

Cho dù lời khai khác nhau, nhưng ai cũng biết, doanh nghiệp cũng nhận thức rất rõ đó là tiền "bôi trơn". Không ít ý kiến cho rằng, tại sao doanh nghiệp biết đưa hối lộ là vi phạm pháp luật mà vẫn làm. Doanh nghiệp có quyền tự do lựa chọn, nếu cán bộ đòi hối lộ thì kiên quyết không làm. Thà bỏ một thương vụ kinh doanh, còn hơn là làm một việc vi phạm pháp luật. Nhưng, rõ ràng là, các doanh nghiệp đó thấy được lợi nhuận từ các phi vụ, cho dù phải chung chi vẫn cứ lời lãi to, nên mới sẵn sàng hối lộ để được việc.

Tính cho cùng, quan chức đòi hối lộ, doanh nghiệp đưa hối lộ, rồi lấy giá cắt cổ khách hàng, cuối cùng, người dân có nhu cầu về nước tránh dịch lại trở thành nạn nhân của một trận dịch khác: Dịch đưa và nhận hối lộ núp bóng những “Chuyến bay giải cứu".

Còn trách nhiệm công vụ của các cán bộ nhà nước và cơ quan công quyền trong vụ án này thì ra sao?

Những chiếc phong bì hối lộ và trách nhiệm công vụ -0
Bị cáo Nguyễn Thị Mai Xa, Giám đốc Xông ty Masterlife bức xúc khai trước tòa việc bị các cán bộ ép đưa tiền mới được tổ chức bay giải cứu.

Giải cứu người từ nước ngoài về đương nhiên phải thông qua Bộ Ngoại giao, trong đó có Cục Lãnh sự. Lẽ ra, trong lúc dầu sôi lửa bỏng, cán bộ cơ quan này phải xắn tay áo đồng hành với đồng bào của mình thì họ lại như kền kền chờ ăn xác chết. Đến nỗi trước tòa, bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun đã nhiều lần khẳng định nếu không đưa tiền "bôi trơn" thì sẽ bị gây khó khăn trong xin phép chuyến bay giải cứu, chẳng hạn như ngày mai bay, hôm nay mới được thông báo, doanh nghiệp trở tay không kịp. Bị cáo trần tình "Cục Lãnh sự không bảo hộ công dân mà là hành dân". Một số cán bộ ngành Ngoại giao là phần nào đại diện cho bộ mặt quốc gia, là sứ giả hòa bình và thiện chí đã thoái hóa đến cùng cực như vậy thì thật cũng cạn lời!

Tội phạm ăn hối lộ trắng trợn và có hệ thống với số tiền nhiều triệu USD, tính ra hàng chục tỷ đồng nhưng khi ra tòa lại nói tỉnh bơ. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nói rằng khi nhận 21,5 tỷ đồng từ các doanh nghiệp thì “bị cáo không nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật". Một cán bộ cao cấp của một ngành lại phủi tay mà nói một câu như vậy thì hoặc là người mất trí (không thể xảy ra vì sức khỏe tâm thần ổn định) hoặc là coi đó cũng chuyện thường tình, giống như món quà nhỏ. Hoặc là chuyện này vốn dĩ thường xảy ra nên thấy cũng bình thường? Dư luận có quyền đặt những câu hỏi như vậy và việc người dân hoài nghi không phải là vô căn cứ.

Còn nhiều chuyện đáng nói, đáng bàn nhưng chỉ ngần ấy cũng có thể phác thảo những nét đại thể của bức tranh đại án. Vụ án này chắc có lẽ rồi sẽ đi vào lịch sử tư pháp hiện đại không chỉ vì nhiều cán bộ, kể cả cấp cao "nhúng chàm", hay vì số tiền đưa, môi giới và nhận hối lộ quá lớn, mà vì nó kinh thiên động địa, thất nhân tâm, trời không dung, đất không tha, người người đều căm giận.

Mặt khác, chuyện thất thoát lòng tin mới là điều cần phải đặt ra làm then chốt vấn đề quanh vụ án này. Xử án nghiêm minh sẽ giúp lấy lại lòng tin của mọi người. Nhưng, có một điều cũng không thể không nói ra đây, là liệu những người dân mất tiền oan có đòi lại được không? Nếu không thì dù đại án xử xong và kết thúc thì chuyện này vẫn còn bỏ ngỏ.

Trở lại với chuyện cán bộ sai phạm trong khi thi hành công vụ. Vì sao nhiều người trong số các bị cáo đều được ăn học đến nơi đến chốn, được đào tạo bài bản... mà vẫn biến chất như thế, sẵn sàng chìa tay cho ma quỷ lôi kéo hay chính họ cũng chủ động kéo ma quỷ vào lòng? Câu trả lời không chỉ là lòng tham vô đáy của những cá nhân các bị cáo đó, mà còn là một vấn đề liên quan đến đại sự quốc gia. Các bị cáo cựu quan chức đó trong thực tiễn công tác và đời sống hằng ngày có thực sự xứng đáng là những người được đặt vào những vị trí nơi họ đã phạm tội hay không? Đó chính là công tác tuyển chọn nhân sự và bầu chọn những gương mặt xứng đáng “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư” vào những vị trí lãnh đạo tại các cơ quan đó. Câu hỏi cũng chạm đến một vấn đề lớn nữa là cơ chế quản lý cán bộ và nhân viên công vụ hiện nay đã đủ chặt chẽ, chi tiết và minh bạch để thực sự là một “cái lồng nhốt quyền lực” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đề cập hay chưa?

150 năm trước, Karl Marx đã viết: “Chỉ có loài vật mới quay lưng trước nỗi đau của đồng loại và chăm sóc bộ lông của mình”. Nhìn vào đại án này, mới thấy đây bài học đau đớn cho tất cả những bàn tay đã nhúng chàm, cho những chân dung đã méo mó, cho những phẩm chất đã hoen ố của những quan chức, nhân viên công vụ và các doanh nghiệp, những kẻ đang là bị cáo trong vụ đại án chưa từng có trong nền tư pháp quốc gia này.

https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/nhung-chiec-phong-bi-hoi-lo-va-trach-nhiem-cong-vu-i701558/

Hùng Vũ / antg.cand.com.vn