Những chỉ đạo đặc biệt đón năm học mới đầy khó khăn và thách thức

Địa phương tự quyết định phương án học, đảm bảo học sinh khó khăn đủ phương tiện học online và miễn giảm học phí là những chỉ đạo mới trong năm học 2021 - 2022.

Để năm học 2021 - 2022 an toàn và đảm bảo chất lượng trong bối cảnh dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng các địa phương đưa ra các chỉ đạo, giải pháp mới.

Đảm bảo đủ phương tiện học online

Ngày 4/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 24 về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.

Trong Chỉ thị, Thủ tướng nhấn mạnh, dịch COVID-19 tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục, đặc biệt là việc học trực tuyến trong thời gian dài, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp và đến sự phát triển của trẻ em, học sinh.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, địa phương chủ động thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa hoàn thành chương trình. Những nơi an toàn trong phòng, chống dịch thì vẫn khai giảng bình thường như mọi năm.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương thức dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa; phát triển nguồn học liệu điện tử, đưa ra giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ việc dạy, học đối với học sinh lớp 1, lớp 2.

Để phục vụ hiệu quả việc học trực tuyến, Thủ tướng cũng đề nghị trường hướng dẫn gia đình có biện pháp đảm bảo an toàn, hiệu quả; các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa, gồm cả bản điện tử đầy đủ thuận lợi.

Bộ GD&ĐT cần đưa ra các phương pháp đánh giá, kiểm tra trực tuyến và phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phù hợp với tình hình chống dịch, từng bước chuyển đổi số để chuyển đổi việc tuyển sinh, đào tạo, kiểm tra đánh giá và bảo vệ tốt nghiệp sang hình thức trực tuyến.

Thủ tướng nhấn mạnh với địa phương đang có dịch và thực hiện chỉ thị 15 và chỉ thị 16, trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng, đổi mới phương thức dạy học giúp trẻ em, học sinh vừa học vừa chơi, hứng thú học tập.

Những chỉ đạo đặc biệt đón năm học mới đầy khó khăn và thách thức - 1
Học sinh khai giảng năm học mới.

Địa phương tự quyết lịch học

Ngày 31/8, trong công điện gửi các tỉnh Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương tổ chức khai giảng năm học mới 2021 - 2022 linh hoạt theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc truyền hình trực tiếp tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương. Lễ khai giảng bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực.

Với địa phương dịch COVID-19 phức tạp, người đứng đầu ngành giáo dục đồng ý để Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc lùi thời điểm bắt đầu năm học mới cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Địa phương cũng cần quan tâm chỉ đạo các trường tăng cường phối hợp với phụ huynh tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp đảm bảo việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình với học sinh lớp 1 và lớp 2 đạt chất lượng.

Ông cũng đề nghị các tỉnh tiếp tục chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp sách giáo khoa kịp thời đến học sinh, tiếp nhận học sinh đang về cư trú tại địa phương để phòng, chống dịch COVID-19.

Miễn giảm học phí

Về miễn, giảm học phí năm học 2021 - 2022, trong Chỉ thị 24, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương thực hiện miễn giảm học phí, bảo đảm không học sinh nào không được đến trường sau dịch COVID-19 vì khó khăn, giảm bớt khó khăn cho giáo viên bị ảnh hưởng do trường học bị đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục mầm non.

Trước đó, trong công điện, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị địa phương kịp thời xem xét và thực hiện miễn giảm cho các học sinh theo quy định. Địa phương cần đặc biệt quan tâm với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên thuộc khu vực có ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19.

Liên quan đến việc này, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 81 đưa ra các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên. Theo đó, Chính phủ quy định khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định.

Nghị định 81 hiệu lực từ ngày 15/10 tới. Như vậy sau ngày này, học sinh, sinh viên ở vùng ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh có thể được xem xét miễn giảm học phí một học kỳ hoặc cả năm học 2021 - 2022.

Tính đến ngày 5/9, 4 địa phương quyết định miễn giảm học phí cho toàn bộ học sinh. Trong đó, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng miễn 100% học phí năm học 2021 - 2022, Hà Nội miễn 50% học phí và TP.HCM miễn 100% học phí học kỳ I. Các địa phương khác như Bạc Liêu, Tây Ninh, Đồng Nai... đang có phương án đề xuất HĐND cấp tỉnh xem xét miễn học phí.

HÀ CƯỜNG

Xúc động hình ảnh cô hiệu phó đọc diễn văn ở lễ khai giảng không bóng học sinh Xúc động hình ảnh cô hiệu phó đọc diễn văn ở lễ khai giảng không bóng học sinh
Học sinh cả nước tham dự lễ khai giảng đặc biệt năm học mới 2021 - 2022 Học sinh cả nước tham dự lễ khai giảng đặc biệt năm học mới 2021 - 2022
“Gỡ khó” về thiết bị, đồ dùng học tập đầu năm học mới “Gỡ khó” về thiết bị, đồ dùng học tập đầu năm học mới

/ vtc.vn