Cùng với Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang là một trong những nơi được chọn làm cơ sở y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19 ở Đà Nẵng trong hơn 1 tháng qua. Từ một bệnh viện huyện với nhiều thiếu thốn, đội ngũ y bác đã vượt khó, tự học hỏi kinh nghiệm để cùng với TP. Đà Nẵng đẩy lùi dịch bệnh, cứu chữa người dân...
Vượt qua khó khăn
Khi dịch COVID-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng, những ngày cuối tháng 7 mới chỉ ghi nhận lác đác các ca mắc bệnh, nhưng phố xá như bị “đóng băng”. Cả 3 bệnh viện lớn ở trung tâm là Bệnh viện C Đà Nẵng (Bộ y tế), Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện chỉnh hình - phục hồi chức năng đã bị phong tỏa vì xác định là “ổ dịch”. Vì vậy, Trung tâm y tế huyện Hòa Vang đã được chọn chỉ định xây dựng thành 1 bệnh viện dã chiến để gánh vác chính các bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong thời gian làm sạch 3 BV kia. Trên các tuyến phố thì yên ắng, còn trung tâm y tế ngoại ô này căng mình chạy nước rút đưa bệnh viện dã chiến với sức chứa 200 giường bệnh sớm đi vào hoạt động.
Cũng trong thời gian này, hàng trăm y bác sĩ từ Hà Nội, Hải Phòng… được chi viện đến thành phố, phần lớn chi viện vào Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Thạc sĩ Hoàng Minh Hoàn, là một trong những điều dưỡng giỏi trong đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tăng cường cho Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang từ những ngày đầu. Chị Hoàn và đoàn công tác nhanh chóng làm quen và bắt tay ngay vào công việc.
“Đầu tiên vào khoa cấp cứu, chúng tôi “Set up” một phòng hồi sức dã chiến. Chúng tôi yêu cầu nhân viên bệnh viện mang tất cả dụng cụ có sẵn bày ra trên giường để lựa chọn những thứ có thể sử dụng. Mọi thứ đều thực hiện theo đúng hai từ “gấp rút” để chuẩn bị đón các bệnh nhân nặng” – điều dưỡng Hoàn nhớ lại.
Cứ nhứ thế, từ những bỡ ngỡ ban đầu rồi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, những con người nơi tuyến đầu chống dịch dần quen tay và vận hành trơn tru công việc chống dịch. Mỗi ngày, tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, các bác sĩ chia nhau 4 ê kíp (2-3 bác sĩ, 4-5 điều dưỡng và hộ lý cho một ê kíp). Công việc của họ làm 8 tiếng/ca để đảm bảo duy trì chăm sóc bệnh nhân 24/24 và phân phối sức khỏe các y bác sĩ một cách hợp lý.
Chị Lê Thị Phương (30 tuổi) hộ lý được tăng cường từ Bệnh viện Đà Nẵng nhớ lại, từ những ngày đầu lên Hòa Vang, chị nhận nhiệm vụ thay tã, vải trải giường cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Theo lời chị Phương, mọi người ban đầu có một chút bỡ ngỡ, nhưng khi đã vào việc, cùng ăn cùng sinh hoạt trong thời gian dài nên ai nấy đều yêu thương, hỗ trợ nhau trong công việc.
“Trong công việc, chị em hộ lý chúng tôi đều chia sẻ khó khăn cho nhau. Ai mệt hoặc ngột ngạt thì được nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe. Ai còn khỏe mạnh thì “giành” phần việc của người ốm yếu. Công việc cứ như thế luân phiên” – chị Phương tâm sự.
Trong những ngày chống dịch, y bác sĩ tại Đà Nẵng phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi sự lây nhiễm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thế nhưng khi đã bắt tay vào công việc, nhiều y bác sĩ vẫn luôn giữ vững một tinh thần lạc quan, yêu đời.
Điều dưỡng viên Trần Thị Như Nhân - Khoa hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng nói rằng, chị và mọi người ở Hòa Vang chưa bao giờ nghĩ sẽ xông pha chiến đầu mà chỉ đơn giản xem những ngày ở Hòa Vang là một công việc hằng ngày. Dĩ nhiên, có những khó khăn, rủi ro nhưng mọi người đều xác định đảm bảo các quy định về phòng chống dịch.
Hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc
Hơn 1 tháng Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang đi vào hoạt động, đến nay đã có gần 200 bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi bệnh và cho về nhà… Những khó khăn, nỗi niềm của đội ngũ y bác sĩ nhiều lắm, nhưng ai cũng đều gác lại vì một mục tiêu chiến thắng dịch bệnh.
Chị Đặng Thị Công – Điều dưỡng Trưởng Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang nói rằng, cũng như nhiều người, chị nhớ gia đình. Thế nhưng nhìn xung quanh mình, ai cũng bận rộn nên bản thân phải cố gắng gác lại nỗi niềm riêng. “Để được về nhà sớm thì không có cách nào khác mà chúng tôi cần phải hoàn thành tốt công việc đế sớm được trở về nhà” – chị Công tâm sự.
Thoáng nhìn lại, bao khó khăn rồi cũng đã trôi qua được hơn 1 tháng. Tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang những ngày này chúng ta lại thấy rộn rã những nụ cười của các bệnh nhân được ra viện và cả nụ cười của đội ngũ y bác sĩ khi được tiễn bệnh nhân khỏe mạnh về nhà.
Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh – Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang tâm sự, thời suốt mấy tháng qua, phía bệnh viện nhận được sự hỗ trợ các các chuyên gia; đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai nên công tác điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 gặp nhiều thuận lợi. Quá trình điều trị, các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai vừa làm công tác chuyên môn, vừa hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật theo hướng “cầm tay chỉ việc”.
“Đối với những người mắc COVID-19 nhưng có bệnh nên, điều quan trọng là được sự chăm sóc của các thầy thuốc giỏi về điều trị các bệnh nền. Có thể khẳng định rằng, Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang chính là nơi hội đủ các đầy đủ nguồn nhân lực và vật lực để phòng chống dịch COVID-19” – bác sĩ Vĩnh chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Vĩnh, dịch bệnh COVID-19 đang được khống chế nên bệnh viện cũng đang có kế hoạch dỡ bỏ từng phần đến tiến tới dỡ bỏ phong tỏa hoàn toàn. “2 khu hồi sức thì chúng tôi cũng đã gộp lại làm một. Chúng tôi cũng sẽ học hỏi Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C về việc “làm sạch” bệnh viện sau khi hết dịch. Trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, chúng tôi sẽ tính tới phương án điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 song song với việc phân luồng tổ chức khám bệnh bình thường” - bác sĩ Vĩnh thông tin thêm.
Bên trong bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19
Mỗi ngày các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở bệnh viện dã chiến Hoà Vang phải chăm sóc cho bệnh nhân 24/24, từ điều ... |
Đà Nẵng lập thêm Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang
Cùng với bệnh viện dã chiến ở Cung Thể thao Tiên Sơn, việc xây dựng thêm Bệnh viện dã chiến ở Trung tâm Y tế ... |