Bỏ hết việc nhà, bàn giao nhiệm vụ dở dang cho đồng nghiệp, ba nữ bác sĩ và điều dưỡng từ TP HCM ra Quảng Nam sát cánh cùng đồng nghiệp chiến đấu với Covid-19.
22h ngày 31/7, điện thoại của Thúy reo. Đầu dây bên kia là giọng sếp: "5h sáng mai bay Quảng Nam em nhé. Em cứ đi trước, ngày về sẽ báo sau".
Vậy là điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Thúy, 24 tuổi, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy, choàng dậy. Cô sắp xếp nhanh gọn đồ dùng cá nhân, máy tính xách tay vào vali, chuẩn bị lên đường. Là thành viên đội phản ứng nhanh Covid-19, biết trước sẽ được điều động bất cứ lúc nào, nhưng đêm ấy Thúy thao thức không ngủ.
Trên chuyến bay sớm nhất từ TP HCM đi Chu Lai hôm đó, có hai đồng nghiệp của Thúy từ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cùng nhận lệnh điều động chiều qua. Đó là bác sĩ Bùi Thị Hạnh Duyên, 44 tuổi, Trưởng khoa hồi sức tích cực và bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Đào, 27 tuổi, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Họ lên đường với tâm niệm, hoàn thành nhiệm vụ mới trở về.
Đoàn chuyên gia y tế TP HCM chi viện Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
Ba nữ bác sĩ, điều dưỡng thuộc đoàn 8 chuyên gia TP HCM do Bộ Y tế điều động tới Quảng Nam hỗ trợ chống dịch. Bác sĩ Đào cho biết, công việc nhiều và căng thẳng nhất trong hai tuần đầu tiên. Cả đoàn thường chỉ rời bệnh viện sau 19 giờ. Nhiều hôm bệnh nhân trở nặng, họ phải vội vã quay lại bệnh viện khi vừa đặt chân về phòng nghỉ, cơm tối chưa kịp ăn.
Ngày đầu tiên, vừa đặt chân đến bệnh viện, còn nguyên ba lô trên vai, ba người phụ nữ vội vàng nhập đoàn khảo sát, thực hiện nhiệm vụ đầu tiên: hỗ trợ chuyển đổi Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam thành bệnh viện chuyên khoa đặc biệt điều trị Covid-19.
Họ cùng nhau đi khắp bệnh viện, ghi chép thông tin, tìm phương án tối ưu, phân luồng bệnh, phân khu vực điều trị cho bệnh nhân và khu vực làm việc cho nhân viên y tế để giảm tối đa nguy cơ nhiễm chéo. Chỉ riêng hai ngày đầu tiên, bác sĩ Đào đã đi được 80.000 bước chân, bằng tổng quãng đường chị đi trong cả tháng 7.
Bác sĩ Đào trong một lần thăm bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
Các chuyên gia còn tham vấn cho bệnh viện tổ chức nhân sự, phân công nhiệm vụ hợp lý nhằm đảm bảo đủ lực lượng thường trực và dự trù thay thế cho những tuần kế tiếp, giúp nhân viên y tế không kiệt sức trong quá trình chống dịch.
Sau ba ngày tập trung làm việc với cường độ cao, bệnh viện đã sẵn sàng đón nhận bệnh nhân Covid-19 ở khu vực mới chuyển đổi. Những ngày sau đó, số ca dương tính ở Quảng Nam liên tục tăng. Có ngày, bệnh viện điều trị trên 60 ca nhiễm nCoV. Các bác sĩ lại tất bật lên phương án mở rộng khu điều trị lên 100-200 giường, cho tình huống dịch bùng phát mạnh.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chia thành hai khu hồi sức, một cho bệnh nhân F1 và một cho các bệnh Covid-19 nặng. Trong khi đó, 8 bệnh nhân F1 có nhiều bệnh lý nền như tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận phải lọc máu, thở máy chuyển về từ Đà Nẵng cần chăm sóc đặc biệt.
Bệnh nhân nặng đông, bệnh viện phải điều chuyển nhân viên y tế từ các khoa khác sang hỗ trợ khoa Hồi sức tích cực. Các chuyên gia vừa thăm khám bệnh nhân, tham gia hội chẩn, vừa hướng dẫn đồng nghiệp về lâm sàng, cách sử dụng trang thiết bị chuyên dụng. May mắn, các khó khăn ban đầu cũng dần qua.
Điều dưỡng Thúy (ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp vận chuyển bệnh nhân. Ảnh: Minh Thúy. |
Trong đó, bác sĩ Duyên phụ trách đào tạo các bác sĩ về hồi sức tích cực người lớn. Bác sĩ Đào được phân công giám sát khâu kiểm soát nhiễm khuẩn, làm sạch bệnh viện. Điều dưỡng Thúy hướng dẫn các điều dưỡng khác quy trình chuẩn về chăm sóc người bệnh cần hồi sức tích cực.
Ngoài ra, họ còn làm công tác tư tưởng động viên tinh thần mọi người. Bệnh viện chuyển đổi mô hình điều trị gấp rút, công việc thường ngày gần như đảo lộn, nhân viên bệnh viện không tránh khỏi bối rối, bất an.
"Dịch bệnh như một cuộc chiến bất ngờ, đâu ai được báo trước là khi nào máy bay sẽ đến ném bom mà chuẩn bị. Việc của chúng ta bây giờ là cùng nhau làm việc", bác sĩ Duyên cho hay.
Còn với điều dưỡng Thúy, hàng ngày đều tiếp xúc rất gần, nhiều lần với bệnh nhân để xoay trở, tắm rửa hay chăm sóc vết loét. Cô chia sẻ, mình không ngại chăm sóc bệnh nhân nặng hay sợ phơi nhiễm nCoV. Chỉ có điều thời tiết Quảng Nam nóng bức quá. Vốn quen với Sài Gòn mát mẻ, nay làm việc trong môi trường mà nhiệt độ phòng luôn trên 30 độ C, không điều hòa, không quạt khiến cô bị sốc nhiệt.
"Lần đầu mặc độ bảo hộ vào phòng bệnh, mới 20 phút tôi đã choáng váng, đứng không vững", Thúy tâm sự. Sau vài ngày, bệnh viện được trang bị thêm quạt, điều kiện làm việc tốt hơn, Thúy quen dần.
Bác sĩ Duyên (ngồi giữa) hướng dẫn đồng nghiệp đặt nội khí quản. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
Bác sĩ Duyên có gần 20 năm kinh nghiệm làm hồi sức, nhưng khi bọc mình trong đồ bảo hộ, dưới nắng miền Trung, chị thấy suy nghĩ và phản xạ của mình như "chậm đi mấy nhịp". Thấy không ổn, chị chủ động uống nhiều nước. Đồng thời nghiên cứu kỹ hồ sơ bệnh án, nắm chắc diễn tiến bệnh mỗi ngày trước khi vào khu hồi sức để có chẩn đoán và y lệnh chính xác.
Nhớ lại gần một tháng làm việc tại Quảng Nam, các chị luôn xúc động vì sự quan tâm, chăm sóc của đồng nghiệp nơi đây. Họ cũng phải làm việc vất vả nhưng luôn chu đáo từ bữa cơm, ngụm nước.
Các chị bày tỏ, bản thân đi chống dịch nhưng được "chống lưng" bởi một đội quân hùng hậu. Đó là đồng nghiệp và các mạnh thường quân trên khắp cả nước. Mỗi khi thiếu thuốc thang, phương tiện điều trị, chỉ qua một cuộc điện thoại, người bệnh có dùng ngay.
"Chúng tôi luôn được động viên, hỗ trợ từ lãnh đạo bệnh viện của mình và bạn bè, người thân. Chúng tôi rất xúc động trước tấm lòng của mọi người và có thêm động lực để làm việc" bác sĩ Duyên nói.
Chiều 24/8, nhận thấy tình hình dịch bệnh tại miền Trung đã lui, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hoạt động trơn tru, năng lực điều trị ổn định, Bộ Y tế quyết định rút đoàn về lại TP HCM.
Ngày về, ai cũng nhớ nhà, mong sớm gặp lại người thân, nhưng nghĩ đến phải chia tay bệnh viện, tạm biệt những đồng nghiệp đã sát cánh gần một tháng trời, mọi người trong đoàn bịn rịn, lưu luyến. Bác sĩ Duyên đặc biệt mang về theo chiếc nón lá, người bạn che nắng và những trái chanh thơm xứ Quảng được đồng nghiệp hái từ vườn nhà đem tặng.
Bác sĩ Đào và điều dưỡng Thúy, hai cô gái chưa lập gia đình, trẻ trung nhất đoàn, cùng khẳng định chuyến công tác này "đẹp nhất trong đời". Với họ, những ngày ở Quảng Nam là một cơ may, được đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho đồng bào trong cơn hoạn nạn. Các chị có thêm người thân, thêm cơ hội trải nghiệm và trau dồi nghề nghiệp tuyệt vời.
"Tôi rất khâm phục các đồng nghiệp ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Có người vẫn xin tiếp tục làm việc, dù được lệnh nghỉ ngơi. Có người đã vài tháng chưa về nhà. Họ vất vả hơn chúng tôi rất nhiều", bác sĩ Duyên nhấn mạnh.
Thư Anh
Nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch cởi bộ đồ bảo hộ ngập mồ hôi khiến ai nhìn thấy cũng phải xót xa
Đoạn video ghi lại cảnh nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch cởi bỏ bộ đồ bảo hộ ngập mồ hôi khiến cộng đồng ... |
Những chiến sĩ áo trắng tuyến đầu chống dịch: Can đảm và thầm lặng
Tự hào là các chiến sĩ áo trắng, mỗi y, bác sĩ Bình Thuận nhận thức được trách nhiệm, vai trò tiên phong của mình ... |