Những bệnh nhân bị lãng quên ở Vũ Hán

Trong khi các bệnh viện Vũ Hán chật kín bệnh nhân nhiễm virus corona, những người mắc các bệnh khác đang kêu cứu.

Wan Ruyi, sinh viên đại học 21 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp hồi tháng 5/2019. Cô đã điều trị tại Bệnh viện Hiệp Hòa - Vũ Hán trong 10 tháng qua. Bệnh tình hiện chuyển biến xấu, cô rất cần được ghép tủy.

"Wan đã trải qua ba đợt hóa trị, nhưng lần cuối cùng vào tháng 10/2019 không thành công lắm. Xét nghiệm trích mô tủy xương hôm 9/2 cho thấy việc điều trị không có kết quả như mong đợi", mẹ của cô, Wu Qiong, nói.

nhung benh nhan bi lang quen o vu han
Nhân viên y tế đưa người nghi nhiễm virus corona lên xe cứu thương tại Vũ Hán ngày 30/1. Ảnh: AFP.

Bệnh viện Hiệp Hòa - Vũ Hán là một trong những cơ sở đầu tiên được chỉ định điều trị cho bệnh nhân dịch viêm phổi corona (Covid-19) từ ngày 21/1. Bệnh viện nói với gia đình Wan rằng, họ không thể phẫu thuật cấy ghép tủy vì không có đủ bác sĩ và lượng máu cần thiết. Gia đình đã liên lạc với một bệnh viện ở tỉnh Hà Bắc, nhưng họ được yêu cầu ở lại Vũ Hán.

Ngày 9/2, Wan rất đau đớn và khó chịu, cô nói rằng cô muốn "chết đi cho xong". "Ngày nào còn ở Hồ Bắc, ngày ấy tôi còn thấy bất lực và tuyệt vọng khi con gái tiếp tục phải chịu đau đớn", bà Wu nói. "Tình trạng con tôi ngày càng không ổn định".

Wan là một trong số hàng nghìn bệnh nhân cần điều trị khẩn cấp ở Vũ Hán nhưng đang bị quên lãng vì các nguồn lực y tế của thành phố đang được tập trung để chống dịch Covid-19. Họ bao gồm những người bị ung thư hay các bệnh như hen phế quản và động kinh. Một số bệnh nhân tuyệt vọng đã đăng bài trên Weibo để tìm kiếm sự giúp đỡ từ những nơi khác trong nước.

Chính quyền Trung Quốc áp đặt các biện pháp chưa từng có để ngăn chặn dịch, bao gồm phong tỏa Vũ Hán và ít nhất 15 thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc trong nhiều tuần, ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người.

Tại Vũ Hán, hai bệnh viện dã chiến được xây dựng trong chưa đầy hai tuần, sân vận động, trung tâm triển lãm cũng được biến thành các cơ sở cách ly và điều trị cho những người nhiễm virus corona dạng nhẹ. Tuy nhiên, số ca nhiễm tăng lên hàng nghìn người mỗi ngày và hơn 1.115 người đã thiệt mạng. Riêng tại Hồ Bắc có 1.068 ca tử vong, hơn 33.000 ca nhiễm.

Đối với Fu Daoshun, 81 tuổi, dịch Covid-19 khiến ông không còn được tiêm thuốc hàng ngày để điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân. Ông vốn được điều trị tại Bệnh viện Phổ Ái, nhưng nơi này đã biến thành trung tâm điều trị virus corona từ ngày 23/1 và không còn nguồn lực để điều trị cho những bệnh nhân như Fu.

Cháu gái ông, Fu Yufen, cho biết tất cả những gì ông có thể làm bây giờ là nằm trên giường. "Ông không thể đi nổi vì chân quá đau do nhiều ngày không được tiêm thuốc. Giờ việc đến bệnh viện cũng quá nguy hiểm vì nguy cơ lây nhiễm chéo".

"Giờ thành phố bị phong tỏa, chúng tôi không thể đến thăm ông được. Bà tôi, người cũng già yếu, phải tự chăm sóc ông. Tôi lo họ sẽ ngã bệnh", Yufen nói.

Yufen cho biết ông bà được tổ dân phố mua giúp nhu yếu phẩm, nhưng cô lo không biết họ còn hỗ trợ được bao lâu. Ông Fu đã viết di chúc vào tuần trước.

Các chuyên gia y tế cho biết mặc dù bệnh nhân nhiễm virus corona đáng được ưu tiên, những người mắc các bệnh mạn tính và cấp tính khác cũng cần được hỗ trợ. Tang Shenlan, giáo sư trường y của Đại học Duke, cho rằng thật sai lầm khi dồn tất cả nguồn lực vào Covid-19 mà bỏ bê bệnh nhân mắc bệnh nghiêm trọng khác.

"Các bệnh viện ở Vũ Hán nên tìm ra cách sáng tạo để cung cấp dịch vụ thiết yếu cho những bệnh nhân này, chẳng hạn như điều trị và chẩn đoán từ xa, hay kê đơn thuốc", ông nói.

Yao Zelin, giáo sư Đại học Sư phạm Đông Hoa ở Thượng Hải, cho biết hệ thống y tế cần phải được cải thiện ở cấp cơ sở. "Trung Quốc đã chú trọng xây dựng các bệnh viện lớn nhưng chưa quan tâm đến thiết lập mạng lưới trạm xá. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp khẩn cấp như dịch Covid-19, chỉ bệnh viện lớn mới có khả năng chống dịch. Lượng lớn bệnh nhân đổ về đây sẽ làm các bệnh viện nhanh chóng cạn kiệt nguồn lực", Yao nói.

Gregory Gray, giáo sư chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Duke cho biết, Trung Quốc cần lường trước các mối đe dọa từ virus để có thể phản ứng sớm hơn.

Một cách để làm vậy là khuyến khích các nghiên cứu y tế tại những nơi con người tiếp xúc nhiều với động vật, như chợ buôn bán động vật sống hay các trang trại. "Chúng ta cần tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn với nhau hơn, về cả y tế, thú y, môi trường và nông nghiệp", Gray nói.

Phương Vũ (Theo SCMP)

/ vnexpress.net