Sau nhiều tuần bưng bít thông tin của một số cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình liên quan dự án mở rộng 50ha khu công nghiệp (KCN) Gián Khẩu, cuối cùng, bằng nhiều nỗ lực của PV Báo Lao Động, những bê bối của dự án này cũng dần dần lộ rõ. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề nóng đang bị bưng bít, chưa được làm rõ.
Hàng trăm tấn đá hộc đang đổ xuống đầm tôm, ruộng lúa. Ảnh: XUÂN HÙNG
Chưa có quyết định bàn giao đất đã ồ ạt san lấp
Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu 50ha mở rộng KCN Gián Khẩu (DA) được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt tại Quyết định số 799 ngày 14.6.2017. Theo đó, DA được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích 50ha tại xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, Ninh Bình với quy mô DA nhóm B, chủ đầu tư là Cty Phát triển hạ tầng KCN (thuộc Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình). Tổng mức đầu tư là trên 539,6 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện từ 2016 - 2020. Mục tiêu DA nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng mở rộng KCN Gián Khẩu để tạo quỹ đất sạch, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô và công nghiệp hỗ trợ; góp phần tăng thu ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, chủ đầu tư đã cho nhà thầu thi công san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng khi chưa có quyết định giao đất; vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, nhiều hộ dân tại xã Gia Tân có đất bị thu hồi để giao cho DA vẫn chưa nhận được đền bù nhưng nhà thầu đã tiến hành san lấp từ nhiều tháng nay. Cả ngày lẫn đêm, hàng trăm xe “hổ vồ” quá tải quá khổ ùn ùn chở đất đá, chủ yếu là đá hộc về lấp ruộng lúa, đầm tôm.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TNMT tỉnh Ninh Bình) - cho biết: “Việc chủ đầu tư thực hiện san lấp mặt bằng khi chưa có quyết định bàn giao đất của UBND tỉnh là sai quy định. Việc thu hồi đất và đền bù giải phóng mặt bằng tại DA là do UBND huyện Gia Viễn thực hiện, sau khi đền bù thu hồi xong thì chúng tôi hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh ban hành quyết định giao đất cho chủ đầu tư. Đến thời điểm này (9.5.2018), chúng tôi vẫn chưa hoàn chỉnh hồ sơ và UBND tỉnh Ninh Bình vẫn chưa có quyết định giao đất cho chủ đầu tư”.
Chủ đầu tư không nhớ tên đơn vị san lấp
Liên quan DA này, ngày 8.5, Báo Lao Động đăng bài “Ai cố tình bưng bít thông tin liên quan DA?”. Ngay sau khi báo ra, sáng 9.5, Cty Phát triển hạ tầng KCN tỉnh Ninh Bình - đơn vị đại diện chủ đầu tư đã cử ông Phạm Đại Dương - PGĐ Cty - làm việc với Báo Lao Động. Những tưởng sẽ kết thúc hơn 1 tháng gian nan đi tìm sự thật về DA bị nhiều tai tiếng này. Vậy nhưng, trong suốt buổi làm việc, thông tin nhận được rất hạn chế, vẫn là sự né tránh, lấp liếm và cố tình bưng bít.
Tại buổi làm việc này, ông Dương cho biết, DA đã được hoàn thiện các hồ sơ về môi trường theo quy định từ năm 2017. Đến nay, việc đền bù, giải phóng mặt bằng để phục vụ DA đã được UBND huyện Gia Viễn triển khai đạt 97%. “Sở dĩ nhà thầu tiến hành việc san lấp mặt bằng DA là để tránh trường hợp người dân lại ra cấy lúa hoặc trồng hoa màu lên khu vực đất đã thu hồi”. Tuy nhiên, điều lạ là khi PV hỏi nhà thầu thi công là đơn vị nào mà giám coi thường các quy định pháp luật, coi thường tính mạng người đang sống, xúc phạm mồ mả người đã chết như thế thì ông Dương ấp úng, nói: “Cty nào san lấp thì tôi cũng không nhớ” (?!).
Cũng tại buổi làm việc trên, PV đã yêu cầu chủ đầu tư cung cấp quyết định phê duyệt DA đầu tư của UBND tỉnh Ninh Bình; hồ sơ kỹ thuật của DA - những hồ sơ công khai - nhưng ông Dương không cung cấp, ông Dương chỉ đọc cho PV một số thông tin cơ bản của Quyết định 799 nói trên. Ông Dương lại tiếp tục yêu cầu PV ghi lại nội dung đề xuất được tiếp cận hồ sơ rồi nói sẽ báo cáo cấp trên. Điều rất lạ là PV không thể tiếp cận được Quyết định 799 nói trên từ các sở, ngành liên quan khác và đặc biệt không thể khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật (?!).
Với việc cố tình gây khó khăn, hạn chế cung cấp thông tin cho báo chí, nhiều khuất tất của DA vẫn chưa được làm rõ. Theo đó, hàng loạt vấn đề đặt ra tiếp theo: Việc tổ chức đấu thầu thi công có đảm bảo đúng luật? Nhà thầu thi công có triển khai đúng với quyết định phê duyệt DA và hồ sơ kỹ thuật? Việc thi công dồn dập, bất chấp như vậy có đảm bảo kỹ thuật để các nhà đầu tư yên tâm thuê mặt bằng? Bao nhiêu mồ mả có chủ và vô chủ bị vùi lấp? Trách nhiệm của cơ quan quản lý, của nhà thầu thi công trong việc để DA chưa bàn giao mặt bằng đã ồ ạt thi công? Và hơn hết là trách nhiệm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Ninh Bình trong việc chỉ đạo triển khai DA lớn có nhiều ý nghĩa như vậy. Lao Động sẽ tiếp tục thông tin.
Kết thúc buổi làm việc, ông Phạm Đại Dương - PGĐ Cty Phát triển hạ tầng KCN tỉnh Ninh Bình - đưa ra yêu cầu vô lý, trái với các quy định của pháp luật hiện hành: Đề nghị PV trước khi đăng phải gửi bài cho ông xem trước.
Bị cách chức, cựu chủ tịch xã được \'biệt phái\' lên huyện công tác
Do để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, ông Nguyễn Tiến Dũng ở Thanh Hóa đã bị kỷ luật cách chức ... |
Cử tri TP HCM nói thẳng cán bộ chưa có "văn hóa từ chức"
Các án kỷ luật chủ yếu là khiển trách, cảnh cáo thì không thể đủ sức răn đe cán bộ trước sự cám dỗ quá ... |
Ai cố tình bưng bít thông tin liên quan dự án?
Dự án 50ha mở rộng Khu công nghiệp (KCN) Gián Khẩu là dự án lớn, quan trọng của Ninh Bình. Tuy nhiên, quá trình thực ... |