Những bài học lớn từ vụ Công ty Alibaba lừa đảo

Vụ án liên quan đến Nguyễn Thái Luyện và Công ty Alibaba được dư luận đặc biệt quan tâm bởi quy mô cũng như mức độ gây thiệt hại. Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm đã phải trả giá, nhưng hậu quả, hệ lụy của vụ việc để lại là một bài học đắt giá về vai trò trách nhiệm của không chỉ chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc mà còn đối với nhiều địa phương khác về công tác quản lý đất đai.

Cũng chỉ vì tham…

Trong vụ án Alibaba, số bị hại được thống kê, xác minh là 4.548, số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ nhiều và rất nhiều trong số bị hại tan cửa nát nhà, và cũng không ít con số bị hại chính là những bị cáo của vụ án. Đó là theo cáo trạng, nhưng thực tế con số bị hại có thể còn cao hơn, vì nhiều bị hại không đến, không kịp đến tòa khai báo, hoặc không làm đơn tố cáo (chỉ có khoảng 3.900 bị hại đến kê khai tại tòa), hoặc số tiền bị chiếm đoạt không nhiều nên họ không kê khai với cơ quan điều tra.

Những bài học lớn từ vụ Công ty Alibaba lừa đảo -0
Dự án “ma” khu dân cư Alibaba Tân Thành (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Nhiều ý kiến cho rằng bị hại cũng có lỗi trong vụ án này. Hầu hết do tham mà ra. Điều này, nhiều bị hại không phủ nhận. Anh Lâm, ngụ Bình Thạnh, người từng dồn hết tiền tiết kiệm, lương hưu của hai vợ chồng, hơn 2 tỷ đồng đầu tư vào các dự án của Alibaba thừa nhận, nếu biết dừng lại vợ chồng ông đã có thêm một khoản tiền, nhưng chỉ vì những lời tư vấn “ngọt như đường” của nhân viên Alibaba nên đã dốc hết lời lãi, mua lại những lô đất trong dự án mình đã đầu tư để rồi phải ôm cả đống hợp đồng ra tòa đòi lại tiền của mình.

Bà H, một khách hàng khác của Alibaba, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, ban đầu bà có đứng tên cho một người thân đầu tư vào một lô của Alibaba, và bà cũng đã nhận được một số lợi nhuận theo đúng cam kết đã ký trong hợp đồng. Sau lần đầu tư đó, bà trở thành khách “VIP” của Alibaba. Hợp đồng của bà với Alibaba đã kết thúc, nhưng bà vẫn được nhân viên bán hàng của Alibaba “quan tâm, chăm sóc” rất chu đáo.

Không cưỡng lại được “lực hấp dẫn” của lãi suất như cam kết của Alibaba, bà T.H đã vay ngân hàng 3 tỉ đồng để đầu tư 36 lô đất thuộc các dự án của Alibaba và bắt đầu mơ đến ngày “đếm tiền”. Nhưng khi chỉ còn 2 ngày nữa bà sẽ được nhận lợi nhuận từ số tiền mình đã đầu tư thì Nguyễn Thái Luyện bị bắt giữ.  Vậy là hơn 3 năm qua bà phải từng ngày lo tiền trả lãi suất ngân hàng số tiền 1,6 tỉ đồng. Giờ bà chỉ mong nhận lại được số tiền đã đầu tư để thanh toán cho ngân hàng chứ cứ còng lưng trả nợ thế này “đến chết cũng chẳng xong”. “Đúng là tham thì thâm!”, bà T.H kết luận.

Hay như một bị hại khác cũng ngụ tại Biên Hòa, Đồng Nai, chia sẻ: “Nói thật, cũng chỉ vì tham, đang làm nhà, có chút tiền, tôi định lướt sóng kiếm chút đỉnh để trang trí cho ngôi nhà… Hơn 800 triệu đầu tư vào Alibaba, nhà thì dang dở, tiền chỉ là mớ hợp đồng này…”, bị hại đưa ra một sấp hồ sơ và lắc đầu ngao ngán. Nhà chưa xây xong, lãi cũng chẳng thấy, nợ nần chồng chất, giờ anh chỉ mong lấy lại được số tiền đã đầu tư để có tiền trả nợ và hoàn thiện ngôi nhà đang xây dở.

Việc làm của Luyện và đồng phạm đã đẩy hàng ngàn gia đình, trong đó có chính gia đình Luyện rơi vào bi kịch. Gia đình lớn của Luyện có 3 anh em trai thì cả ba đều lãnh án. Còn với gia đình nhỏ, Luyện và vợ là Võ Thị Thanh Mai, em ruột Mai cùng đứng chung hàng ghế bị cáo, và là những người có mức án cao nhất. Khi bị bắt, vợ Luyện đang mang thai.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương

Vụ án Alibaba xảy ra, không ít người đặt câu hỏi, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương? Con số 58 dự án không không phải là “cái kim” mà chính quyền, cơ quan chức năng không nhìn thấy? Và cũng có không ít nghi vấn liệu có tiêu cực trong khi chính quyền để Ailibaba “qua mặt” …?

Công ty Alibaba sẽ không thể “vẽ” ra tới 58 dự án nếu không có sự làm ngơ, thiếu trách nhiệm giám sát địa bàn cũng như không loại trừ có sự tiếp tay của một số cán bộ chính quyền cơ sở. Bởi lẽ, không chỉ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông mà Công ty Alibaba còn tổ chức cho khách hàng đi tham quan thực tế tại nhiều khu đất được giới thiệu là dự án. Việc “khua chiêng đánh trống” tổ chức sự kiện mở bán dự án ai ai cũng biết không lẽ ngoại trừ chính quyền địa phương, nên dư luận không thể nghi ngờ? Rõ ràng, sự buông bỏng quản lý ở nhiều nơi đã góp phần để Công ty Alibaba, mà không chỉ có Alibaba, ngang nhiên hoành hành.

Trong phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cũng đã nói về vai trò trách nhiệm của các địa phương, nơi Alibaba thực hiện dự án. Một số luật sư yêu cầu xử lý trách nhiệm của các địa phương nơi đã buông lỏng quản lý dẫn đến hành vi sai phạm….

Theo đại diện VKS, cơ quan chức năng đã ra nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hành vi chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, hành vi làm đường trái phép trên đất nông nghiệp. Quyết định của chính quyền địa phương cũng buộc người vi phạm khôi phục tình trạng ban đầu của thửa đất.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra vụ án, để làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã có công văn gửi cơ quan điều tra của ba tỉnh này để xem xét điều tra. Liên quan vấn đề này, trong phần tuyên án, HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Gia Lai tiếp tục làm rõ sai phạm của các cá nhân có liên quan đến việc người dân địa phương bán đất trồng lúa cho các bị cáo từng làm việc tại Công ty Alibaba.

Vụ án này là bài học lớn cho chính quyền các địa phương. Cần phải tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn, loại ra khỏi cơ quan những cán bộ thiếu trách nhiệm và xử lý nghiêm những ai tiếp tay cho những kẻ như Nguyễn Thái Luyện.

https://antg.cand.com.vn/Vu-an-noi-tieng/nhung-bai-hoc-lon-tu-vu-cong-ty-alibaba-lua-dao-i680079/

Đức Hà / antg.cand.com.vn