“Chưa có khi nào các vụ xâm hại tình dục trẻ em lại gây phức tạp trong thời gian như vừa qua” – Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy – Đoàn Bắc Kạn nêu vấn đề.
Nhiều vụ xâm hại có tính chất loạn luân
Theo số liệu thống kê mỗi năm cả nước có trên 1.300 trẻ em bị xâm hại tình dục với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, như số trẻ bị xâm hại ở độ tuổi mẫu giáo ngày càng có xu hướng gia tăng, xảy ra nhiều vụ xâm hại rồi sau đó giết trẻ hoặc dẫn tới trẻ tự sát. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy |
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – cho biết: Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em có tính chất loạn luân như: cha dượng xâm hại con riêng của vợ, hay cả cha đẻ và ông nội cùng xâm hại trẻ trong một thời gian dài như ở Vĩnh Long.
Sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng sau khi xảy ra thì lại có dấu hiệu bị bỏ qua, bị bỏ lọt hoặc rất khó khăn trong quá trình chứng minh tội phạm.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cần làm rõ 4 vấn đề: Thứ nhất, gia đình phải là hàng rào đầu tiên bảo vệ các em. Nhưng thực tiễn các vụ việc cho thấy, chúng ta vẫn chủ yếu quan tâm tới con cái theo một cách truyền thống mà chưa quan tâm nhiều tới việc trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình trước các nguy cơ xâm hại, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn.
Có những vụ việc sau khi xảy ra thì gia đình lại không muốn báo với các cơ quan có thẩm quyền, cam chịu bỏ qua, chấp nhập đau đớn về tinh thần. Có những vụ xâm hại tình dục trẻ em , gia đình quyết tâm đưa vụ việc, nhưng vì thiếu hiểu biết hoặc mất bình tĩnh nên dẫn đến việc thiếu chứng cứ hoặc mất đi những chứng cứ ban đầu rất quan trọng đối với quá trình chứng minh tội phạm, và không đưa được kẻ phạm tội ra trước pháp luật.
Nhiều gia đình đã phải chọn giải pháp chuyển nhà, chuyển trường để hạn chế bớt tác động với trẻ, còn kẻ phạm tội vẫn bình thản tiếp tục sống ngoài xã hội và tiếp tục là mối nguy cơ với các trẻ em khác.
Thứ hai, qua các vụ việc cũng cho thấy, công tác giáo dục giới tính trong nhà trường còn nhiều hạn chế và chưa cập nhật với tình hình. Sách giáo khoa có rất ít các nội dung này.
Đồng thời, trên thực tế có không ít các giáo viên vẫn có tâm lý e ngại nên chỉ truyền đạt vấn đề một cách chung nhất. Trong khi đó, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới xung quanh chúng ta như: Nhật Bản, Hàn Quốc đã đưa môn giáo dục sức khỏe vào trong chương trình học bắt buộc với nhiều bài về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Mỗi bài học đều có những tình huống và những hình ảnh minh họa, giúp các em nhận biết các nguy cơ và ứng phó trước những nguy cơ. Đặc biệt, sau mỗi bài học đều có phần thực hành, khuyến khích các em nói ra những nhận xét của riêng mình, hoặc ghi ra giấy những tình huống nguy hiểm mà mình đã từng trải qua.
“Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành giáo dục nước ta cần quan tâm hơn nữa cho nội dung này. Giáo dục giới tính, phòng ngừa xâm hại phải trở thành những bài học bổ ích và có tính bắt buộc ở quy mô quốc gia, chứ không phải mạnh trường nào trường nấy làm.
Các trường ở thành phố có điều kiện thì đầu tư nhiều, trong khi đó các trường ở những vùng khó khăn lại ít quan tâm như thời gian vừa qua” - Đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy: Công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề trẻ em nói chung và trẻ em bị xâm hại nói riêng trong thời gian vừa qua vẫn còn những hạn chế. Ảnh: quochoi.vn
Vướng mắc ở khâu chứng minh các vụ án
Đối với các vụ án xâm hại trẻ em, càng kéo dài sẽ càng tổn thương cho trẻ nhỏ, càng kéo dài thì khả năng chứng minh, khả năng phá án sẽ càng giảm bớt và tiếp tục đặt ra những khó khăn mới. Do đó, chúng tôi xin kiến nghị với Quốc hội, trong thời gian tới cho sửa Luật Giám định tư pháp theo hướng: cho phép gia đình nạn nhân được tự trưng cầu giám định ngay sau khi sự việc xâm hại xảy ra. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy |
Thứ ba,quá trình chứng minh các vụ án này gặp rất nhiều khó khăn. Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, nguyên tắc của tố tụng hình sự là trọng chứng hơn trọng cung. Do đó, nếu không có chứng cứ hoặc chứng cứ yếu thì các cơ quan tố tụng cũng không thể khởi tố, truy tố, kết tội.
Trong khi đó, các vụ xâm hại tình dục trẻ em thường xảy ra ở những nơi vắng vẻ, ít khi có nhân chứng. Trẻ bị hại tuổi còn quá nhỏ, chưa nhận thức được đầy đủ sự việc, hoặc có những cháu quá hoảng sợ nên khai báo không thống nhất.
Một khó khăn nữa là vấn đề giám định. Luật Giám định tư pháp không có các quy định đặc biệt dành riêng cho loại án này mà áp dụng chung cho tất cả các vụ án khác như: các vụ án tài chính, ngân hàng, xây dựng v.v... Gia đình người hại chỉ có quyền tự trưng cầu giám định nếu sau 7 ngày mà cơ quan tố tụng từ chối trưng cầu giám định. Sau đó sẽ rất khó mà còn có thể lưu giữ được chứng cứ tới thời điểm này.
Vấn đề thứ tư, công tác quản lý nhà nước. Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề trẻ em nói chung và trẻ em bị xâm hại nói riêng trong thời gian vừa qua vẫn còn những hạn chế.
Theo quy định của luật có tới 15 cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em, trong đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối nhưng cho tới nay chưa có cơ quan nào có được số liệu chính xác về tình hình trẻ em nước ta thực tế bị xâm hại.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, tất cả các số liệu đều đang lấy theo số liệu vụ án đã bị khởi tố. Nếu lấy theo số liệu này thì không phản ánh đúng tình hình bởi có những trường hợp nạn nhân và gia đình họ sẽ giữ im lặng suốt đời và không đánh giá đúng tình hình thì sẽ không có những biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề đặt ra.
Bên cạnh đó, Điều 87 của Luật Trẻ em quy định là Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm bảo vệ trẻ trên môi trường mạng. Thực tế trên mạng internet hầu như không có bất cứ một sự cảnh báo hay một sự ngăn cản nào, trong khi đó khả năng ứng phó của các em cũng như khả năng phản kháng của các em trước các nguy cơ xấu độc rất hạn chế.
“Sự việc xảy ra trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em và khiến người lớn chúng ta đau lòng. Trong thời gian tới nhất thiết phải có thêm những hành động cụ thể từ các cơ quan để cải thiện tình hình, trước hết là những cơ quan được luật giao trách nhiệm và yêu cầu đặt ra là phải tạo ra được môi trường an toàn để trẻ không trở thành nạn nhân của những vụ việc này” - Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đặt vấn đề.
Nếu vụ việc xâm hại xảy ra thì phải có những biện pháp để kịp thời bảo vệ trẻ và nhanh chóng tìm ra tội phạm. Do đó, chúng tôi kiến nghị với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để đánh giá đúng tình hình xâm hại tội phạm trẻ em xảy ra trên thực tế. Kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông có những giải pháp công nghệ để bảo vệ các em trên môi trường mạng. Cuối cùng, chúng tôi xin kiến nghị với các cơ quan tố tụng Trung ương sớm ban hành quy trình tố tụng đặc biệt giải quyết đối với loại án này, hướng dẫn các cách thức thu thập chứng cứ và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết. |
93% trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân, người quen
Theo thống kê của Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, có đến 93 trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người ... |
Thủy Tiên: ‘Công Vinh khóc khi tôi kể bị xâm hại tình dục nhiều lần’
Thủy Tiên cho biết khi cô quyết định công khai câu chuyện bị xâm hại tình dục năm 10 tuổi, mẹ ruột đã giận và ... |
Đừng để có thêm một bé Nô…
Vẫn biết mỗi vụ việc xảy ra là một tình huống khác nhau nhưng các bậc cha mẹ hãy nêu cao cảnh giác, có biện ... |
http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nhuc-nhoi-nan-xam-hai-tinh-duc-tre-em-3905622-v.html