Các chuyên gia của Climate Central khẳng định họ không dùng từ xóa sổ khi nói về tình trạng giảm độ cao của Đồng bằng sông Cửu Long.
“Bị xóa sổ”(erase, wipe out), “biến mất”(disappear) là những từ được nhiều báo chí Việt Nam cũng như thế giới sử dụng để đưa tin về nghiên cứu mới mà Climate Central công bố trên tạp chí Nature Communications. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng miền Nam Việt Nam có nguy cơ bị ngập dưới đỉnh triều vào năm 2050, thay vì một số khu vực như các dự báo trước đây.
Nhận định về cách đưa tin này, chuyên gia cho rằng cách dùng từ như vậy có thể khiến nhiều người hiểu sai bản chất của bản báo cáo.
Cẩn trọng với từ ngữ giật gân trên báo chí
Trao đổi với Zing.vn, ông Benjamin Strauss, Giám đốc điều hành Climate Central và là đồng tác giả của nghiên cứu, khẳng định: "Trong bài báo tóm tắt kết quả nghiên cứu, chúng tôi đã không nói rằng bất kỳ nơi nào sẽ bị xóa sổ (be wiped out or erased). Chúng tôi chia sẻ những phát hiện mới dựa trên so sánh độ cao của mực nước dự kiến với độ cao của đất".
Cụ thể, trong bài báo nghiên cứu đăng trên Nature cũng như toàn văn báo cáo do chính ông và đồng nghiệp TS Scott Kulp - nhà khoa học tính toán cao cấp, chấp bút đăng trên tạp chí Nature Communications hôm 29/10 hoàn toàn không sử dụng từ “bị xóa sổ” (erase, wipe out) như bản tin đăng trên The New York Times một ngày sau.
Các tác giả chỉ ra năm 2100, dữ liệu độ cao của CoastDEM cho thấy khoảng 200 triệu người đang sống trên vùng đất có khả năng vĩnh viễn nằm dưới dòng thủy triều cao. Trong đó, có khoảng 151 triệu người tại châu Á, bao gồm cả Việt Nam.
Bài đăng trên The New York Times dẫn lại kết quả nghiên cứu của Climate Central đăng trên tạp chí Nature sử dụng các từ "erase", "wipe out" không hề có trong bài đăng gốc. (Ảnh chụp màn hình ngày 3/11 lúc 13h29', giờ Việt Nam). |
Zing.vn đặt câu hỏi về Climate Central phản ứng thế nào trước thực tế báo chí dẫn chứng không đúng tinh thần báo cáo gây hiểu lầm cho người đọc, dẫn đến những lo ngại quá mức, TS Strauss khẳng định ông không đại diện cho những bài viết đăng trên The New York Times hay bất kỳ cơ quan truyền thông nào khác. Cá nhân ông và Climate Central chỉ chịu trách nhiệm với những thông tin do chính họ chấp bút.
Ông Kulp tái khẳng định nghiên cứu của Climate Central nêu rõ “một vùng rộng lớn ở miền Nam Việt Nam có độ cao thấp hơn mức đỉnh triều dự kiến vào năm 2050” và nếu Việt Nam không sớm có hệ thống bảo vệ ven biển, phần lớn vùng đất này có nguy cơ lũ lụt thường xuyên.
2 kịch bản ngập lụt cho miền Nam do Bộ TNMT cung cấp và trong nghiên cứu của Climate Central. (Ảnh: Monre.gov.vn; New York Times) |
Có quan điểm tương tự hai tác giả trên, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái với hơn 20 năm kinh nghiệm về bảo tồn đất ngập nước ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cho rằng nhiều cơ quan báo chí, bao gồm cả Việt Nam và nước ngoài, đã đưa tin không đúng với bản chất nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature.
“Bản gốc bài báo cáo khoa học không có những từ ngữ giật gân như bài trên The New York Times, chẳng hạn 'miền nam Việt Nam có thể biến mất hoàn toàn’ dưới mực nước biển. Không nên hốt hoảng vì cách đưa tin này”, ông Thiện cảnh báo.
Phương pháp mới giảm sai số cao trình mặt đất
Tác giả Kulp nhấn mạnh điểm nổi bật của nghiên cứu này là công bố phương pháp tính toán mới CoastDEM, tính cao trình tại mặt đất, cải thiện các sai số trong xây dựng kịch bản dự báo ngập so với phương pháp SRTM mà nhiều quốc gia đang sử dụng.
Phương pháp SRTM (phương pháp cũ) lấy mẫu trên bề mặt và không phải địa hình trần, dẫn đến sai số lớn khi sử dụng để biểu thị độ cao địa hình. Cụ thể, SRTM gây ra độ lệch trung bình toàn cầu là 1,9 m. Mức độ lỗi này dẫn đến sự đánh giá thấp dự báo ngập và mức tăng mực nước biển dự kiến của thế kỷ này trong hầu hết mọi kịch bản gây ra một sự an toàn giả tạo. Trong khi đó, CoastalDEM giảm các lỗi này xuống khoảng trung bình 10 cm.x
Nhiều chuyên gia cho rằng dự báo ngập theo cách tính cũ có thể đưa ra những kịch bản quá lạc quan. (Ảnh: Minh Anh) |
Chuyên gia Thiện cũng đồng ý rằng phương pháp CoastalDEM đã loại trừ lỗi của phương pháp SRTM. Cụ thể, SRTM tính cao trình mặt đất ở đọt cây hoặc nóc nhà, trong khi đó những nơi thảm thực vật hoặc nhà cửa quá dày có khả năng che khuất mặt đất trong quá trình đo. "Nếu tính sai sẽ lầm tưởng mặt đất cao và chưa bị đe dọa", ông Thiện giải thích.
Ông cho rằng ý nghĩa của nghiên cứu này chủ yếu cảnh báo cho thế giới tình hình có thể xấu hơn nếu thế giới không cùng nhau nhanh chóng cắt giảm phát thải. "Việc chìm dần của ĐBSCL rất đáng lo ngại, nhưng không nên suy luận đơn giản nơi nào dưới mức nước biển dâng thì không sinh sống được vì còn phải xét chiều sâu ngập, thời gian ngập", ông Thiện cho hay.
Chuyên gia của Climate Central cho rằng số người cần di cư trên những khu vực nước biển dâng cao có thể nhiều hơn so với dự kiến. (Ảnh: Minh Anh) |
TS Kulp cũng đưa ra cảnh báo các cộng đồng ven biển, bao gồm Việt Nam, có thể phải đối mặt với lũ lụt thường xuyên hơn trong những thập kỷ tới, từ những cơn bão cũng như thủy triều cao hơn.
"Số người cần di dời hoặc di cư khi nước biển dâng cao gây ra lũ lụt ven biển phụ thuộc vào việc các quốc gia như Việt Nam bắt đầu lên kế hoạch và ứng phó với mối đe dọa này sớm như thế nào", ông Kulp đưa ra lời khuyên.
Theo vị chuyên gia này, nếu phát thải khí nhà kính toàn cầu giảm đáng kể và sớm, tốc độ tăng mực nước biển dự kiến chậm lại, các quốc gia ven biển sẽ có thêm thời gian để lên kế hoạch phòng thủ và giảm nguy cơ di cư ồ ạt hàng loạt của người dân.
SRTM (Shuttle Radar Topography Mission) là hệ thống radar họa đồ của NASA cung cấp mô hình số độ cao của bề mặt địa hình trên toàn cầu.
CoastalDEM là mô hình độ cao kỹ thuật do Climate Central phát triển. Đây là cách tính toán độ cao đất dựa trên chỉ số vệ tinh để sửa chữa các lỗi hệ thống trong dữ liệu độ cao hiện được sử dụng để đưa ra đánh giá quốc tế về rủi ro ngập lụt ven biển (hệ thống SRTM của NASA).
Các ước tính về số dân toàn cầu gặp rủi ro dựa trên dữ liệu từ CoastDEM cao gấp 3 lần so với các giá trị được tạo ra bằng cách sử dụng dữ liệu độ cao SRTM.