Cuộc sống “bình thường mới” đã và đang được thiết lập sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tại Việt Nam. Tâm lý e ngại của người dân dần nhường chỗ cho nhịp sống nhộn nhịp quay trở lại, thể hiện rõ qua 2 cảng hàng không lớn nhất Việt Nam: Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Các cảng hàng không bận rộn trở lại
Trong gần một tháng dịch COVID-19 diễn ra tại Việt Nam với các diễn biến phức tạp, các hãng hàng không phải cắt giảm gần như toàn bộ các đường bay thường lệ nội địa và quốc tế, khiến cho lượng hàng khách đi qua 2 cảng hàng không lớn nhất Việt Nam suy giảm mạnh.
Điển hình, trong thời điểm các biện pháp giãn cách xã hội được triển khai chặt chẽ, sản lượng hành khách tại Nội Bài chỉ còn hơn 1.000 khách vào ngày thấp nhất, số chuyến bay “chạm đáy” chỉ còn 37 chuyến. Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian giãn cách xã hội cũng chứng kiến sự vắng vẻ chưa từng có. Nếu như đợt cao điểm Tết Canh Tý, Tân Sơn Nhất đón gần 900.000 lượt hành khách, thì từ 1 – 6.4, cảng hàng không này chỉ còn phục vụ khoảng 1.800 hành khách/ngày.
Vậy nhưng ngay sau khi các lệnh giãn cách được dỡ bỏ, các hãng hàng không nhanh chóng khai thác nhiều đường bay cũng như tăng tần suất bay. Các cảng hàng không cũng vì thế chứng kiến khung cảnh đông đúc trở lại.
Cụ thể, chỉ sau 2 ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội 23 – 24.4, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đã đón gần 200 chuyến bay chở hàng và khách. Đến những ngày cận kề dịp lễ 30.4 và 1.5, trung bình tần suất chuyến bay tại cảng hàng không này đạt tới 185 lượt cùng sản lượng hơn 15.000 lượt khách.
Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất cũng chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của sản lượng khách với tần suất 108 chuyến bay/ngày ngay khi hết giãn cách. Đến dịp nghỉ lễ 30.4-1.5, đã có khoảng 110 chuyến bay trong tổng 238 chuyến khai thác trên toàn mạng bay tại Việt Nam xuất phát từ Tân Sơn Nhất. Tại khu vực check-in, kiểm tra an ninh tại ga quốc nội, nhiều thời điểm lượng khách đông và trở nên quá tải. Hành khách phải xếp hàng dài đợi làm thủ tục. Các hàng ghế bên trong khu vực chờ bay không còn chỗ trống như hình ảnh thường thấy vào các dịp cao điểm trước dịch.
Đáng chú ý, một số chuyến bay TP.HCM về các tỉnh thành, giá cũng khá cao nhưng nhiều chặng cung đã không đủ với cầu.
Chị Thanh Tâm (TP.HCM) cho biết: “Dịp lễ 30.4 vừa rồi được nghỉ dài ngày, tôi muốn đưa con về Hải Phòng thăm ông bà ngoại. Chủ quan rằng mới hết giãn cách, mọi người vẫn chưa đi lại nhiều nên tôi không mua vé sớm. Sau đó mới biết giá vé tăng cao gần bằng đợt Tết mà vẫn bán hết trước ngày 29.4 một ngày. Vậy nên tôi đã không mua được vé và đành thay đổi kế hoạch nghỉ dưỡng của cả nhà”.
Hàng không tăng tốc khôi phục
Từ tháng 5.2020, giới hạn về tần suất bay và số khách trên máy bay được Cục Hàng không Việt Nam nới lỏng và bắt đầu từ 1/6, các hãng hàng được phép khai thác bình thường trở lại trên toàn mạng bay nội địa. Đây là tin vui không chỉ cho các hãng còn là toàn thị trường hàng không và các hành khách hiện nay, khi nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng.
Lấy một ví dụ là hãng hàng không Bamboo Airways, nằm trong lộ trình tăng mạnh tần suất các đường bay nội địa để phục vụ nhu cầu thị trường giai đoạn hậu Covid-19 cũng như để phục vụ cao điểm du lịch hè, hãng hàng không Bamboo Airways đã nhanh chóng tăng số lượng chuyến bay trên chặng Hà Nội - TP.HCM lên 16 chuyến/ngày bằng dòng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, bắt đầu từ 1/6/2020. Như vậy trung bình 2 tiếng có một chuyến bay đường trục của hãng hàng không này vào tất cả các ngày trong tuần, bắt đầu từ 0:05 đến 23:50
Cùng với đó, Bamboo Airways cũng mở lại 90% các đường bay và tập trung tăng cường tần suất các đường bay kết nối Hà Nội với Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku…; và các đường bay kết nối TP.HCM với Phú Quốc, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Vinh… Dự kiến trong tháng 6, Bamboo Airways sẽ khai thác khoảng 140 chuyến bay/ngày, phủ kín mạng bay nội địa.
Các hãng hàng không đã nhanh chóng khôi phục gần như toàn bộ các đường bay nội địa phục vụ nhu cầu của hành khách sau khi dịch được kiểm soát |
Việc hàng không khai thác trở lại nhiều đường bay nội địa tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại sau thời gian giãn cách xã hội. Và với tình hình hiện nay khi Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, hi vọng hình ảnh đông đúc thường thấy ở 2 cảng hàng không lớn nhất Việt Nam sẽ nhanh chóng quay lại, trở thành minh chứng rõ ràng nhất cho khái niệm “cuộc sống bình thường mới” đến với từng người dân Việt Nam.
Thanh Thanh
2 dự án sửa đường băng sân bay trị giá 4.210 tỉ: Tiêu chí nào để gửi vàng?
Theo Cục Hàng không Việt Nam, 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài và ... |
Đầu tư xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, công suất đón 20 triệu khách/năm
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không ... |