Nhìn lại 5 năm sử dụng sách giáo khoa mới

Năm học 2024 - 2025, sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã phủ kín 12 khối lớp, cho thấy nhiều ưu điểm nhưng cũng phát sinh một số hạn chế.

Nhiều lợi ích của sách giáo khoa mới

Luật Giáo dục 2019 ra đời đánh dấu mốc quan trọng cho giáo dục Việt Nam khi quy định 1 chương trình nhiều sách giáo khoa.

Chị Nguyễn Nhật Hà, có con đang học lớp 3 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết: "Tôi thấy khá ưng ý với sách giáo khoa mới. So với thời tôi học, sách bây giờ đẹp hơn, nội dung đầy đủ hơn, hình ảnh minh họa sinh động, có chú thích chi tiết, rõ rang, giúp các con yêu thích hơn với bài học."

Chị Lê Thu Huyền, có 2 con đang học lớp 9 và 5 ở quận Hà Đông, Hà Nội, bày tỏ: "Theo tôi, sách chỉ là tài liệu tham khảo. Học sinh cần phải đọc nhiều hơn, học nhiều kiến thức bên ngoài hơn, thay vì chỉ đọc duy nhất trong sách giáo khoa".

Nhìn lại 5 năm sử dụng sách giáo khoa mới - 1

Là một trong những trường có sử dụng sách giáo khoa Cánh diều để giảng dạy, thầy Phạm Quốc Toản, Tổ trưởng tổ KHTN Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội nhận xét: "Nhìn chung bộ sách lớp 12 năm nay rõ ràng, bố cục khá mạch lạc, logic và có sự tương đồng giữa các bộ sách. Bộ mới giúp giáo viên thiết kế bài giảng theo hướng phát triển năng lực học sinh học sinh thuận lợi hơn".

Ths Hà Văn Vụ, giáo viên dạy Văn tại Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TP.HCM, cho biết: "Khi có nhiều bộ sách giáo viên và học sinh có quyền chọn lựa sách giáo khoa phù hợp để dạy và học. Do có tính cạnh tranh nên chất lượng ngữ liệu, chất lượng sách nói chung phải thật sự tốt không là bị đào thải ngay”.

Còn hạn chế trong quá trình triển khai 

Theo Bộ GD&ĐT, đây là lần đầu tiên sách giáo khoa được biên soạn theo hình thức xã hội hóa. Công tác biên soạn thu hút 2.656 tác giả, gồm chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, của các viện nghiên cứu và lần đầu có đội ngũ giáo viên phổ thông. Thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lên tới hơn 1.400 người.

Việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, tạo điều kiện cho giáo viên chủ động lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy tại địa phương. Quá trình lựa chọn sách giáo khoa giúp các địa phương, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục năng động hơn, trách nhiệm hơn đối với hoạt động dạy và học tại địa phương, cơ sở giáo dục của mình.

Sử dụng nhiều sách giáo khoa tạo nên sự cạnh tranh, thúc đẩy các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, qua đó làm cho chất lượng sách giáo khoa ngày càng tốt hơn, giúp hạ giá thành sách giáo khoa. Các nhà xuất bản cũng có các chương trình tặng sách giáo khoa, tặng tủ sách dùng chung giúp giảm bớt khó khăn đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn Chương trình GDPT 2018, Chủ biên và Tổng chủ biên sách Ngữ văn THCS và THPT, bộ Cánh Diều, cho hay: "Tôi là người đã tham gia trực tiếp xây dựng Chương trình và viết sách giáo khoa của 3 lần đổi mới giáo dục. Tôi hiểu rất rõ công việc biên soạn 1 bộ sách giáo khoa vất vả và tốn kém như thế nào".

Mặc dù vậy, một chương trình nhiều bộ sách và nội dung trong sách giáo khoa mới cũng đặt ra một số vấn đề. Như mới đây, gửi kiến nghị đến trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Hưng Yên đề nghị không nên thường xuyên thay đổi sách giáo khoa, bởi điều này gây lãng phí, do sách không thể tái sử dụng.

Cử tri cũng phản ánh tình trạng, khi xảy ra bão lụt, các cơ quan, đơn vị, Nhân dân ủng hộ sách nhưng lại không đúng bộ sách các học sinh đang học nên không sử dụng được, gây lãng phí, bất cập.

Một cử tri ở TP.HCM cũng kiến nghị: "Hiện hai bộ sách được các trường sử dụng để dạy là Cánh diều và Chân trời sáng tạo, dù vậy khi tổ chức thi thì chỉ có một đề thi, có thể gây khó khăn trong tiếp thu cho học sinh. Trong gia đình có hai chị em, người chị lên lớp cũng không thể cho người em sử dụng lại sách cũ nếu như học khác trường”.

Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận sau 5 năm triển khai xã hội hóa sách giáo khoa vẫn còn những tồn tại, hạn chế như một số ngữ liệu ở một số môn học còn xuất hiện những quan điểm khác nhau, gây băn khoăn trong dư luận khi đưa vào sử dụng. Việc lựa chọn sách ở một số nơi, ở một số thời điểm còn có khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Việc tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa đối với một số môn học được thực hiện bằng hình thức trực tuyến nên việc trao đổi, tương tác hai chiều giữa giáo viên và học viên có hạn chế…

 https://vtcnews.vn/nhin-lai-5-nam-su-dung-sach-giao-khoa-moi-ar935695.html

Hà An / VTC News