Nhịn hay tránh người chồng vũ phu?

Sự im lặng của những người phụ nữ đang là nạn nhân của cuộc hôn nhân nhiều tiếng khóc hơn tiếng cười đang dần hủy hoại chính cuộc đời của họ

Hồi trước, ngày còn ở nhà, tôi thường xuyên chứng kiến cảnh bất hòa của nhà hàng xóm. Trong ký ức của tuổi thơ tôi ngày ấy, lâu lâu vẫn hiện lên hình ảnh anh chồng túm tóc vợ, kéo lê ra đầu hè, hoặc lôi xềnh xệch xuống dưới bếp, rồi dúi chị vào tường của chuồng lợn, đánh túi bụi.

nhin hay tranh nguoi chong vu phu

Cảnh sát Hàn Quốc áp giải người đàn ông đánh vợ Việt đến tòa án quận Gwangju hôm 8-7.Ảnh: YONHAP

Hàng xóm lúc đầu sang can. Nhưng càng can thiệp vào, càng như ngọn lửa dội thêm dầu vào, khiến chị vợ kia ăn đòn nhiều hơn. Có lần mẹ tôi thương quá chạy vào can, bị anh hất cho cái, ngã lăn. Dần dà, chẳng ai can nữa.

Sau này, anh hàng xóm bị ung thư và mất. Cái chết của anh lại như một sự trút đi gánh nặng đau thương mà chị vợ không còn phải gánh nữa.

Chị gái một người bạn thân của tôi lấy một người chồng giàu có tận Nha Trang. Họ lấy nhau sau một năm tìm hiểu, quen biết. Ngay đêm đầu tiên sau đám cưới, anh chồng không hài lòng cái gì đó, thẳng tay tát vào mặt cô dâu. Chị gọi về nhà, người phản đối đầu tiên chính là anh bạn tôi, không chấp nhận việc mới cưới một ngày mà chị gái mình đã bị anh rể cho ăn bạt tai. Một cuộc họp gia đình tức tốc, cả nhà đồng ý cho con gái mình chấm dứt cuộc hôn nhân còn tươi mùi chăn gối.

Sau này cô gái kia qua Mỹ, lấy một anh chàng Việt kiều, suốt mười năm qua, cô ấy chưa bao giờ bị một lời sỉ mắng hay bạo lực từ chồng. Cô từng nói: Nếu như ngày ấy mình cứ nhịn, không bỏ ngay anh chồng vũ phu kia thì giờ đời mình chắc ra bã rồi!

Cũng lại một người phụ nữ khác là bạn của chồng tôi. Hiện chị vẫn sống cùng chồng và đứa con gái xinh xắn. Chồng chị chưa bao giờ đánh chị nhưng có lúc chị từng muốn bỏ nhà chồng mà đi.

Chị về đó làm dâu khi nhà chồng nghèo xơ xác. Căn nhà cấp bốn lụp xụp chui ra chui vào gần chục con người. Công việc may vá thêu thùa của chị, tằn tiện nhiều năm mới có tiền để dành. Tin lời chồng, chị dốc hết vào việc sửa sang lại căn nhà ấy cho khang trang. Dù là nhà người ta nhưng mình cũng ở. Chị nghĩ đơn giản vậy. Biết bao tiền là bấy nhiêu ngày may vá đổ vào xây nhà. Khi căn nhà khang trang cất lên là lúc gia đình chồng tìm cách đẩy chị ra ngoài vì sợ "nó chiếm nhà mình".

Ngậm ngùi, cay đắng, chị ra đi thuê nhà ở. Chồng chị không đứng ra bảo vệ vợ. Mặc kệ gia đình anh ta muốn gây sóng gió sao cũng được. Lúc này, chị muốn bỏ chồng ghê gớm. Nghĩ tới suốt bao năm, cặm cụi làm việc, đi chợ, nấu ăn, hầu cả nhà chồng, giờ lại tay trắng chẳng còn gì, bị người ta hất ra đường, chị muốn ôm con ra đi. Nhưng chị gái của chị lại khuyên:

- Cho dù em có bỏ chồng đi chăng nữa, rồi em lấy người khác thì cũng không ai chăm con em tốt được như bố nó. Thôi cứ coi như cần có một ông xe ôm chở nó đi học mỗi ngày mà mình không phải trả tiền.

Nhớ câu nói của chị gái, đêm nằm suy nghĩ, thôi thì cũng đúng. Thế là chị lại tiếp tục cặm cụi may vá, kiếm tiền hầu hạ phục vụ người chồng suốt ngày chỉ ăn nhậu và cờ bạc. Cố nghĩ chồng như một ông xe ôm chở con đi học không mất tiền như liều thuốc an thần giúp chị sống tiếp cuộc sống quá cực nhọc.

Người mẹ nào khi có con gái, lúc con mình lớn lên, mười tám đôi mươi, đã có ý định tìm cho con một người chồng. Khi con ba mươi mà chưa lấy chồng, mẹ nào cũng phấp phỏng lo âu vì sợ con mình ế. Ý nghĩ con nhất định phải lấy chồng, đôi khi lại là một sự thúc ép khiến nhiều cô gái trở thành nạn nhân của một cuộc hôn nhân chọn nhầm người và lấy nhầm chồng, kéo theo những đau đớn về thể xác và tinh thần suốt nhiều năm tháng.

Nhiều bà mẹ Việt Nam dạy con phải biết nhịn cho cơm lành canh ngọt, cho con cái có đủ cha và mẹ. Họ đưa chính cuộc đời của họ là minh chứng hùng hồn cho con gái phải nhịn những thói vũ phu, thói hư tật xấu của anh chồng hiện tại mà vun đắp cho tròn đầy.

Sự im lặng trong cuộc sống không may mắn của những người phụ nữ đang là nạn nhân của cuộc hôn nhân nhiều tiếng khóc hơn tiếng cười đang dần hủy hoại chính cuộc đời của họ. Đây cũng là mầm mống hủy hoại tuổi thơ của nhiều đứa trẻ. Những đứa trẻ con sẽ lớn lên như thế nào, thành một công dân như thế nào, nếu mỗi ngày nó nhìn thấy cảnh bố quát mẹ, đánh mẹ và một người mẹ tàn tạ theo năm tháng chỉ để cố gắng giữ gìn bốn chữ vàng: Công dung ngôn hạnh.

Gần đây, gây rúng động ở Hàn Quốc là vụ chồng Hàn Quốc bạo hành cô dâu Việt Nam suốt 3 giờ ngay trước mặt con trai 2 tuổi. Anh này ngay sau đó đã bị cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ. Vụ việc đó gây lên sự sôi sục trong lòng bao nhiêu người và đánh thức nhiều phụ nữ hãy khôn ngoan hơn trong việc lựa chọn cho mình một cuộc sống thực sự: Hãy rời xa người chồng vũ phu hay là tiếp tục đóng tròn vai một người vợ cam chịu?

Sợ tai tiếng, sợ xóm làng, họ tộc chê bai, xì xầm, các bà mẹ và các cô gái cứ âm thầm khóc trong bóng tối mỗi khi bị bạo hành. Thanh xuân chỉ mười năm, hai mươi năm trôi vèo như gió qua thềm khi bị vùi lấp trong những cơn say, những trận đòn của chồng.

Chờ chồng đổi tính, chuyện hy hữu

Qua rồi cái thời chúng ta nhịn bất chấp, cho dù thế nào, đúng sai không cần biết, miễn sao con phải có cha, vợ phải có chồng, để rồi những nỗi đau cứ vậy lớn dần lên, không chịu tan đi.

Nhiều phụ nữ sợ hãi việc mình nuôi con một mình, việc mình mang danh là đàn bà bị chồng bỏ, hoặc đàn bà bỏ chồng, cố gắng giữ gìn cái ký ức về một cuộc sống gia đình và bảo vệ nó đến cùng, để rồi cứ gắng bao biện cho mình mỗi ngày, chờ mong tới một lúc nào đó chồng sẽ đổi tính. Đó là một phép mầu rất khó xảy ra, nếu có, nó có tỉ lệ rất thấp.

HẢI HẬU

nhin hay tranh nguoi chong vu phu Hàn Quốc: Nghi phạm vụ đánh vợ Việt gãy xương ra tòa

Nghi phạm đánh đập tàn nhẫn người vợ Việt trong vụ việc đang khiến dư luận Hàn Quốc phẫn nộ đã ra tòa ở TP ...

nhin hay tranh nguoi chong vu phu Ngày gia đình Việt Nam: Cảm ơn em, nhờ một gậy của vợ mà… anh nên người!

Không thể chịu đựng được những trận đòn của chồng mỗi lần có hơi men, người đàn bà 'đau khổ' đã quyết định 'vùng lên' ...

/ https://nld.com.vn