Nhiều trường đại học đang “sốc”, hoang mang vì không biết 110.000 thí sinh được xác định là trúng tuyển trong đợt 1 đã đi đâu? Vì sao không nhập học? Câu trả lời là, khi nhìn vào con số 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trong năm qua – có thể sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo – rất nhiều bạn trẻ dù đỗ đại học, nhưng quyết định không theo đuổi mục tiêu “vào đại học bằng mọi giá”, mà chuyển sang nghề học nghề, để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm.
Nhiều trường đại học đang “sốc”, hoang mang vì không biết 110.000 thí sinh được xác định là trúng tuyển trong đợt 1 đã đi đâu? Vì sao không nhập học? Câu trả lời là, khi nhìn vào con số 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trong năm qua – có thể sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo – rất nhiều bạn trẻ dù đỗ đại học, nhưng quyết định không theo đuổi mục tiêu “vào đại học bằng mọi giá”, mà chuyển sang nghề học nghề, để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm.
“Ra trường thất nghiệp thì vào đại học làm gì”
Việc quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ GDĐT cho phép “thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển và được điều chỉnh nguyện vọng khi có nhu cầu” được đánh giá là nhân văn, vì tăng cơ hội đỗ đại học (ĐH) cho thí sinh. Có điều, khi Bộ và các trường ĐH “dọn đường”, rộng cửa để đón thí sinh, thì mùa tuyển sinh năm nay xảy ra một hiện tượng: Thí sinh trúng tuyển nhưng kiên quyết không nhập học.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính đến ngày 8.8 đã có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 352.000. Còn 110.000 thí sinh được xác định là trúng tuyển nhưng chưa thấy xác nhận nhập học.
Vì không lường trước điều này, nhiều trường đang đau đầu lên phương án tuyển sinh bổ sung. Vì sao đã đăng ký xét tuyển, đã có giấy báo trúng tuyển, lại không đi học? Khi làm một khảo sát trên diễn đàn dành cho gần 100.000 thí sinh sinh năm 1999 ôn thi đại học, phóng viên nhận được câu trả lời, gần như đồng loạt: “Ra trường thất nghiệp thì vào đại học làm gì”.
Đàm Xuân Hiếu (Thái Bình) đỗ ĐH Công Nghiệp nhưng không xác nhận nhập học. Khi hỏi lý do, Hiếu cho biết: “Ở xã nhà em, phần lớn các anh chị học ĐH ra trường đều chưa xin được việc làm. Hầu như đang phải đi bán quần áo thuê. Trong họ nhà em cũng vậy, duy nhất có một chú sau khi tốt nghiệp ĐH Y Thái Bình xin lên miền núi làm việc và được một suất vào biên chế. Còn lại đều không có công việc ổn định, dù họ có học lực khá giỏi”.
Vì lo mất thời gian đi học, lại tốn kém tiền bạc, ra trường không xin được việc làm, Hiếu quyết định ở nhà đi làm công ty và tìm một trường nghề nào đó liên quan đến môn tiếng Anh để giúp mình phát huy lợi thế này.
Nhiều học sinh xác định đại học không phải là con đường duy nhất để thành công. Ảnh minh họa: Cường Ngô.
Tương tự, Phương Thảo (Trường THPT Hùng Vương, Phú Thọ) cũng trúng tuyển vào khoa Quản trị kinh doanh - Học viện Phụ nữ Việt Nam, tuy nhiên em không lựa chọn vào ĐH mà nộp hồ sơ vào Cao đẳng Thực hành FPT. “Em muốn đi học nghề, sau này chỉ cần giỏi nghề là sống được” – Phương Thảo nói.
Còn Lê Thị Bích Phương (Phú Thọ), dù đã đỗ khoa Văn học - Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhưng đang lưỡng lự vì muốn xét tuyển sang trường ĐH Nội vụ, khi thấy trường này thông báo tuyển bổ sung. Lý do vì: “Người nhà em bảo học Nội vụ ít ra còn xác định nghề nghiệp hơn, chứ học Văn học, muốn trở thành nhà thơ, nhà văn phải có năng khiếu, vào các viện nghiên cứu thì đâu đến lượt mình. Nhiều bạn học của em, trừ phi đỗ vào các trường công an, quân đội hay y-dược sẽ đi học, còn nếu đỗ trường top giữa, hay top dưới đều lựa chọn đi học nghề, học tiếng để đi du học, hoặc xuất khẩu lao động” – Phương cho biết.
Không vào đại học vì học phí cao
Với Nguyễn Thành Tâm (TPHCM) lý do không xác nhận nhập học trong đợt xét tuyển đầu tiên là vì mức học phí cao của trường ĐH: “Em rất thích ngành Ngôn ngữ Anh của ĐH Sài Gòn và đăng ký nguyện vọng 1 vào trường nhưng không đâu. Trong đợt xét tuyển đầu tiên, em trúng tuyển nguyện vọng 3 vào ngành Tài chính ngân hàng của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Lúc đăng ký, em không biết đây là ngành chất lượng cao, học phí là 36 triệu/năm. Nhiều trường khác học phí cũng khá cao, sau này lại chưa biết ra trường có xin được việc hay không, nên em không mạo hiểm đầu tư như vậy”.
Rất nhiều bạn trẻ khác cũng chung suy nghĩ như Tâm. Chỉ những trường hợp đã đỗ vào những ngành mình ưng ý, đăng ký nguyện vọng 1, hoặc gia đình đã có định hướng sẵn sau này học xong sẽ làm gì thì đăng ký nhập học, còn lại đều đang băn khoăn và có hướng chuyển sang học nghề, vì mất ít thời gian học và học phí rẻ hơn.
Nhìn nhận về xu hướng này của thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay, TS Nguyễn Lê Minh -nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban chương trình quốc gia về vấn đề việc làm – cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng, vì chứng tỏ học sinh đã có sự định hướng nghề nghiệp chứ không “vào đại học bằng mọi giá” như trước. Ông cho rằng, điều quan trọng nhất lúc này là gia đình nên định hướng giúp con em mình lựa những nghề thích hợp nhất, phù hợp với sở trường, để kích thích niềm đam mê, sáng tạo ở những bạn trẻ.