Nhiều người sử dụng mạng xã hội như 'công cụ sát nhân'

Đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh mặt tích cực, nhiều người sử dụng mạng xã hội như công cụ sát nhân thông qua lan truyền tin bịa đặt, biêu riếu tổ chức, cá nhân.

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cho rằng, mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Hiện nay, ngày càng nhiều thông tin xấu độc, tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

“Công cụ giết người thời 4.0”

Theo bà Hồ Thị Minh, hiện nay, không ít nhiều người lạm dụng hình thức livestream mạng xã hội để bôi nhọ, bêu riếu người trên không gian mạng. Dù vô tình hay cố ý thì đây cũng như “công cụ giết người thời 4.0”.

Người bị “bóc phốt” sẽ chịu đả kích, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khoẻ, tinh thần, dù sự việc chưa được xác minh thực hư. Họ sẽ bị dư luận trên mạng xã hội đẩy vào đường cùng, không có cơ hội để ngẩng đầu ra ngoài xã hội.

Không chỉ những người trong giới văn nghệ sĩ hay những quan chức cấp cao mà người bình thường, ở xóm làng khi bị bêu riếu, đưa thông tin xấu lên mạng xã hội cũng chịu tổn thương rất lớn.  Cho dù đến khi mọi người hiểu ra vấn đề, được minh oan thì thì danh dự của người kia đã mất đi rất nhiều và khó lấy lại.

Nhiều người sử dụng mạng xã hội như 'công cụ sát nhân' - 1

Đại biểu Hồ Thị Minh.

Đặc biệt, thời gian trước và sau dịch COVID-19, lượng thông tin giả, tin xấu độc xuất hiện với cường độ tràn lan hơn. “Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, vấn đề tin giả, tin xấu trên mạng xã hội hiện nay chưa được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. Quy định ở lĩnh vực này còn nhiều kẽ hở”, bà Minh nói.

Theo đại biểu tỉnh Quảng Trị, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người dùng mạng xã hội, đăng tải, lan truyền thông tin xấu độc nằm phá hoại, gây thiệt hại cho cá nhân tổ chức. Ngoài ra, trách nhiệm quản lý các thông tin xấu độc không để tràn lan mạng xã hội thuộc còn thuộc về hai bộ: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đại biểu Hồ Thị Minh phân tích, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông dù ban hành nhiều quy định, văn bản xử lý nhằm ngăn chặn thông tin giả, xấu độc… nhưng dường như các văn bản luôn luôn chậm, ban hành sau khi những việc đã xảy ra. Vì vậy, nữ đại biểu đoàn Quảng Trị cho rằng chính sách cần có sự dự báo và “đi trước đón đầu”.

Tin đồn “cuốn bay” hàng tỷ USD

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh cũng trăn trở khi thời gian gần đây mạng xã hội lan truyền nhiều tin đồn về bắt lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp lớn gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nữ đại biểu đoàn Quảng Trị cho rằng đây là vấn đề rất nguy hiểm. Những người đăng tải, lan truyền thông tin này cần phải xử lý hình sự, không chỉ nên dừng lại ở vấn đề dân sự phạt hành chính.

“Nhiều khi chỉ phạt họ vài triệu đồng, khiển trách rồi cho về nhà sẽ không đủ mức răn đe. Mức phạt chưa đủ mạnh thì họ còn coi thường và tái phạm”, bà Minh chia sẻ.

Phân tích rõ hơn xung quanh vấn đề này, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (đoàn Tiền Giang) cho rằng, chỉ vài dòng tin nhỏ cũng có thể khiến một doanh nghiệp, tập đoàn bị thổi bay hàng nghìn tỷ đồng.

Điển hình như ngày 11/7, thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo trước tin đồn liên quan đến Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất nhập cảnh. Việc lan truyền tin giả đã khiến toàn bộ 3 mã cổ phiếu gồm: VRE của CTCP Vincom Retail, VHM của CTCP Vinhomes và VIC của Vingroup lập tức lao dốc; thị giá của các cổ phiếu này mất 3 - 5% so với phiên trước.

Đà giảm của các cổ phiếu trên chỉ được hãm lại sau khi Bộ Công an phát đi thông tin bác bỏ tin đồn thất thiệt. Mặc dù vậy, với tâm lý hoang mang, lo sợ bao trùm, VIC cũng chỉ đủ sức bật lại ở mức tham chiếu, còn VRE và VHM chìm trong sắc đỏ.

Chỉ trong một phiên giao dịch, theo thống kê của Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã giảm mất gần 300 triệu USD, còn cá nhân tung tin đồn chỉ bị phạt 7,5 triệu đồng.

“Đây là một sự vô lý đến bất ngờ. Đăng tải thông tin gây thiệt hại tài sản gần 300 triệu USD mà chỉ bị phạt số tiền rất nhỏ, rõ ràng quy định xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Nếu ở Đức, Hà Lan, Pháp, một người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị phạt tù từ 5 – 10 năm và phải đền bù toàn bộ thiệt hại cho doanh nghiệp. Chúng ta cũng nên học theo, nâng mức phạt mới ngăn chặn được thông tin xấu này”, đại biểu Nguyễn Tuyến nói.

Đại biểu Tuyến cũng đặt câu hỏi, nền kinh tế sẽ ra sao, phục hồi thế nào khi hàng ngày hàng giờ bị những “kẻ đeo mặt” đăng tải tin đồn thất thiệt, kiến doanh nghiệp lao đao?

Nhiều người sử dụng mạng xã hội như 'công cụ sát nhân' - 2

Tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Xử lý hình sự hành động truyền tin giả

Để ngăn chặn tình trạng tin giả lan truyền trên mạng ngày càng nhiều, đại biểu tỉnh Quảng Trị - Hồ Thị Minh đưa ra 4 giải pháp.

Thứ nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông cần siết chặt thông tin đăng ký cá nhân hơn nữa. Bộ Công an cần vào cuộc kiểm soát chặt hơn nữa các thông tin đăng tải trên mạng xã hội. Hai Bộ cần phối hợp mạnh tay và quyết liệt hơn nữa để giảm đi, kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường các mạng xã hội của Việt Nam; Tạo môi trường mạng xã hội lành mạnh, thực sự thu hút được giới trẻ, người dân tham gia sử dụng.

Đại biểu Hồ Thị Minh cũng cho rằng cần đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền đến người dân, thường xuyên thông tin về những trang mạng xấu, để người dân nhận biết và tẩy chay.

Bên cạnh đó, đại biểu Minh khẳng định cần mạnh tay hơn trong việc xử phạt người vi phạm.

“Xem xét mức độ vi phạm, mức độ gây tổn thất cho cá nhân và doan nghiệp để quy vào từng khung về hình sự hoá và dân sự hoá”, đại biểu Hồ Thị Minh nêu.

Nữ đại biểu đoàn Quảng Trị cũng lấy ví dụ thời gian gần đây nhiều tài khoản facebook tổ chức liketreams với mấy triệu lượt người xem/lần gây “bão mạng”. Thế nhưng công an chưa kịp thời vào cuộc ngay, phải đợi đến 3 - 4 tháng sau, khi đã trở thành hiện tượng mạng xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tâm lý của người dân thì công an mới vào cuộc ngăn lại.

“Cũng phần nào thông cảm cho đơn vị chức năng, bởi hiện chưa có chế tài ngăn chặn nên công an phải đợi có đủ bằng chứng cụ thể mới được bắt giam. Tôi cho rằng cần quy định điều này rõ hơn trong Luật An ninh mạng, khi phát hiện những thông tin lan truyền gây xôn xao dư luận, có tính gây hấn, gây chia rẽ cộng đồng, công an có thể triệu tập làm việc để tìm hiểu nguyên nhân và mục đích của người lan truyền tin, kịp thời ngăn chặn, tránh để xảy ra tình trạng lôi kéo, ảnh hưởng xấu đến dư luận”, bà Minh nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng cần nâng cao nhận thức của người dân.

https://vtc.vn/nhieu-nguoi-su-dung-mang-xa-hoi-nhu-cong-cu-sat-nhan-ar711670.html

Hà Cường - Ngọc Anh / VTC News