Nhiều giải pháp để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái

Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, an toàn xã hội.

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, thời gian qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được Đảng, Chính phủ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo trực tiếp và xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết, gắn liền với bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền lợi người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong tình hình mới.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 50.419 vụ (giảm 21,45% so với cùng kỳ). Đặc biệt, có tháng cao điểm lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 10.437 vụ. Trong đó, 1.936 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 6.870 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 1.631 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.278 tỷ đồng; khởi tố hình sự 204 vụ, 382 đối tượng bị khởi tố.

Hiện nay, thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi, khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp khó phân biệt thật – giả bằng cảm quan thông thường. Để giảm thiểu vấn nạn này, việc ứng dụng công nghệ vào công tác này trở nên cấp thiết, giúp cơ quan chức năng xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát lưu thông sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp. Đồng thời, góp phần minh bạch thị trường, giảm thiệt hại kinh tế và nâng cao hiệu quả phòng, chống hàng giả một cách bền vững.

Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái tồn tại trên thị trường
Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái tồn tại trên thị trường

Ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hàng giả hiện nay chia thành 3 nhóm chính: giả thương hiệu, giả chất lượng và giả xuất xứ. Do đó, giải pháp căn cơ là mã hóa định danh toàn bộ chuỗi sản xuất - phân phối. Mã vạch là một phần trong hộ chiếu số của sản phẩm. Một số các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, châu Âu đã thực hiện truy xuất xuyên suốt từ gốc tới khi xuất khẩu. Việt Nam cần sớm hoàn thiện cơ chế kiểm soát tương tự, với sự giám sát rộng rãi của người tiêu dùng.

Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia (NDA) vừa ra mắt nền tảng NDA Trace – giải pháp truy xuất nguồn gốc do người Việt phát triển, ứng dụng công nghệ blockchain và định danh phi tập trung. Mỗi sản phẩm sẽ có mã định danh riêng, cho phép theo dõi hành trình từ sản xuất đến tiêu dùng, giúp tăng minh bạch, chống hàng giả và thúc đẩy thương mại điện tử, xuất khẩu…

Ở góc độ pháp lý, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trong đó nhiều điểm bất cập, lỗ hổng pháp lý trước đây đã được khắc phục. Các luật mới đã thay đổi phương pháp quản lý, chuyển từ phân loại theo nhóm I, nhóm II sang phân loại sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro: thấp, trung bình và cao. Đối với các mặt hàng rủi ro cao, quy định mới bắt buộc phải có đánh giá, chứng nhận của bên thứ ba độc lập, thay vì để doanh nghiệp tự công bố chất lượng như trước. Cách tiếp cận này đã và đang được nhiều quốc gia trong ASEAN áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, an toàn môi trường và cộng đồng. Đây cũng là bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ triển khai các giải pháp truy xuất nguồn gốc hiện đại, minh bạch và hiệu quả hơn.

Đối với cơ chế kiểm tra, giám sát, những sửa đổi mới cũng quy định rõ, các hành vi gian lận chất lượng, quảng cáo sai sự thật, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt trên sàn thương mại điện tử, môi trường số, đều bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý nghiêm. Đồng thời, khuyến khích vai trò giám sát xã hội thông qua sự tham gia của tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng trong khảo sát, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, kiến nghị và phối hợp kiểm tra. Qua đó, góp phần đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng được kiểm chứng, đồng thời từng bước hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

https://thoibaonganhang.vn/nhieu-giai-phap-de-ngan-chan-hang-gia-hang-nhai-167330.html

Danh Nguyên / thoibaonganhang.vn