Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn bộ nền kinh tế, thể hiện sự tiếp tục đổi mới tư duy của Đảng, Nhà nước.
Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) ngày 3/6/2017 ban hành Nghị quyết số 10 - NQ/TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế, thể hiện sự tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế của Đảng để phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế sau 30 năm đổi mới.
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chia sẻ: “Vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế tồn tại dưới các hình thức như: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần và hộ kinh doanh cá thể.
Nghị quyết số 10 - NQ/TW đề ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng trong sự phát triển năng động của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, mạnh dạn đột phá và đi đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới.
Do đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển cũng chính là tạo điều kiện để giải phóng các nguồn lực phát triển trong xã hội, để nền kinh tế tư nhân định hướng xã hội chủ nghĩa phát huy tối đa các tiềm năng to lớn của nó”.
Đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế quốc gia
Việt Nam hiện có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp, trong đó có trên 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân.
Trong số này có tới hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp tư nhân tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% GDP mỗi năm.
VinGroup trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực trong 10 năm tới
Phát triển kinh tế tư nhân là nhân tố không chỉ bảo đảm cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn tham gia vào giải quyết hàng loạt những vấn đề xã hội như: Tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực…
Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng từ 40 - 43%, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động.
Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43%, so với khu vực kinh tế nhà nước 28,9% GDP và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 18% GDP.
Thương hiệu của khu vực tư nhân đã không chỉ được ghi nhận ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường khu vực và Quốc tế, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn cả về vốn và công nghệ cao.
Trong số ấy không thể không nhắc tới Vingroup - xuất hiện ở mọi lĩnh vực: Bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp sạch, các sản phẩm hàng tiêu dùng, công nghệ... và hiện nay Vingroup đang triển khai những dự án rất lớn đó là tạo nên thương hiệu ô tô Vinfast với mục tiêu xuất khẩu đi nhiều quốc gia.
Bên cạnh đó, Vingroup cũng đã dành nguồn lực lớn để mời các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam tại nước ngoài trở về quê hương để triển khai các dự án về trí tuệ nhân tạo - điều đó chắc chắn sẽ nâng tầm cho khoa học Việt Nam với thế giới.
Vingroup cũng đã khẳng định trong vòng 10 năm tới sẽ trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu trong khu vực.
Điều đặc biệt là Vingroup đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Vingroup cũng đã chuyển toàn bộ hoạt động của hệ thống bệnh viện Vinmec và hệ thống giáo dục Vinschool sang mô hình không lợi nhuận - toàn bộ các khoản tiền thu được dành hết cho mọi hoạt động của hai hệ thống này.
Ngoài Vingroup còn có những doanh nghiệp lớn khác như Sungroup hay Vietjet cũng đang từng ngày có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Nếu như Vietjet tạo nên sự mới mẻ cho ngành hàng không, giúp cho nhiều người dân có cơ hội được đi máy bay với mức giá hợp lý thì Sungroup với rất những dự án tầm cỡ đã đóng góp rất nhiều vào kinh tế ở nhiều địa phương như Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Phú Quốc...
Trong số nhiều dự án tầm cỡ mà Sungroup đã thực hiện, hẳn là nhiều người vẫn còn nhớ tới hệ thống cáp treo Sungroup đưa du khách lên Bà Nà Hills (Đà Nẵng) xây dựng từ 2007 và lập tới 4 kỷ lục thế giới năm 2013.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chia sẻ: “Khu vực kinh tế tư nhân giữ vị trí quán quân về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động với 334.562 doanh nghiệp, chiếm tới 96,5% tổng số doanh nghiệp của cả nước năm 2012.
Và theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì số doanh nghiệp đăng ký năm 2014 đã lên đến khoảng 60 vạn, trong đó 97% thuộc khu vực tư nhân.
Tổng vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân năm 2012 cũng lên tới hơn 7,7 triệu tỷ đồng - tăng gấp 11 lần so với năm 2005 và chiếm 51% tổng số vốn sản xuất kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam, tăng gấp đôi so với tỷ lệ tương ứng năm 2005.
Các doanh nghiệp tư nhân đã và đang liên tục tăng trưởng cả về qui mô, tiềm lực kinh tế tài chính và khẳng định vị thế trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế.
Doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân cũng tăng nhanh và năm 2012 đạt tới gần 6 triệu tỷ đồng, chiếm 52% tổng doanh thu thuần của tất cả các doanh nghiệp nước ta, với nhiều sản phẩm hàng hoá dịch vụ đa dạng, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu cả của thị trường trong nước và thị trường Quốc tế.
Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân liên tục chiếm vị trí quan trọng nhất trong tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Năm 2012, riêng các doanh nghiệp tư nhân sử dụng gần 7 triệu lao động, chiếm 61% tổng số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp Việt Nam.
Lợi ích của lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh rất rõ ràng khi tổng thu nhập của họ năm 2012 đã tăng gấp hơn 9 lần so với năm 2005, đạt 352,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng thu nhập của tất cả người lao động trong khu vực doanh nghiệp.
Đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước những năm gần đây duy trì ở mức gần 50%GDP, riêng khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên dưới 11% GDP hàng năm.
Tuy tốc độ tăng giảm hàng năm không đều song kinh tế tư nhân vẫn chiếm khoảng 37-38% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tạo công ăn việc làm cho trên 86% tổng số lao động toàn xã hội.
Tính đến năm 2016, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 1/3 tổng giá trị sản xuất công nghiệp, trên 90% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp và gần 87% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn xã hội.
Đến nay đã và đang xuất hiện một số doanh nghiệp tư nhân lớn tầm cỡ quốc gia, thậm chí khu vực và Quốc tế, song số lượng còn rất ít và lại hoạt động trong những lĩnh vực đặc thù như bất động sản, cà phê, thuỷ sản…nhưng vẫn có tới 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển như thế nào, năng lực cạnh tranh của nước ta sẽ được cải thiện và nâng cao đến đâu?
Bao giờ chúng ta bắt kịp nhịp độ phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu.
Dẫu biết còn nhiều khó khăn, thách thức không hề nhỏ song chúng ta vẫn kiên quyết gửi gắm niềm tin vào sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam và nhất định sẽ song hành với sự lớn mạnh của đất nước.
Cần phải làm gì?
Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, hơn 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đạt khoảng 50% GDP năm 2020, khoảng 55% GDP năm 2025 và 60 - 65% GDP vào năm 2030.
Khu vực kinh tế tư nhân đang không ngừng phát triển và khẳng định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Những đóng góp của kinh tế tư nhân vào nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là từ thời kỳ bắt đầu đổi mới đến nay, là rất quan trọng và không thể phủ nhận.
Để tiếp tục giữ vững và phát huy cao độ vai trò của kinh tế tư nhân ở Việt Nam cần có những chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các mặt, từ chủ trương quan điểm, kinh tế, tài chính, lao động, xã hội đến tâm lý.
Theo ông Vũ Đình Ánh: “Điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế tư nhân là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân, giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp ngoài Nhà nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn FDI...”.
Kinh tế tư nhân phát triển cũng có nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển. Do vậy, cần quán triệt quan điểm kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn" mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Ông Ánh nhấn mạnh: “Doanh nghiệp cần được hoạt động theo đúng tinh thần Luật Doanh nghiệp 2014 là trên tất cả những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Chính sách và cơ chế đối với kinh tế tư nhân dựa trên nguyên tắc cơ bản: Bình đẳng, không cần ưu đãi, tôn trọng, chủ động".
Tùng Dương
“Đoàn thuyền thúng” và nghịch lý mang tên doanh nghiệp tư nhân
Khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn được đánh giá là không lớn nổi, chỉ chiếm khoảng 9% GDP trong suốt hàng chục ... |