Nhiều cơ chế, chính sách đang làm… khó ngành Dầu khí

Sự chậm trễ trong việc đưa ra các giải pháp, chính sách cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 41-NQ/TƯ ngày 23-7-2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đang đặt ngành Dầu khí trước những khó khăn, thách thức cũng như rủi ro vô cùng lớn.

Ngày 18/7 tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ban Kinh tế Trung ương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia - Vai trò của ngành Dầu khí”.

nhieu co che chinh sach dang lam kho nganh dau khi
Toàn cảnh hội thảo

Đồng chí Cao Đức Phát - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch HĐTV PVN và đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, dầu khí là nguồn tài nguyên quý giá, không thể tái tạo và không thể thiếu đối với mọi quốc gia, dầu khí ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế toàn cầu và là công cụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Cùng với than, thủy điện, dầu khí là nguồn năng lượng chính bảo đảm cho sự ổn định của các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dân sinh. Ngay sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài đã đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí mạnh để làm nền tảng, động lực cho công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước.

nhieu co che chinh sach dang lam kho nganh dau khi
Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo.

Có thể khẳng định, qua 60 năm không ngừng nỗ lực, từ những sơ khai ban đầu Việt Nam đã xây dựng và phát triển được một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu và phân phối. Ngành Dầu khí đã thực hiện được ý nguyện của Bác Hồ, chiến lược của Đảng và Nhà nước, trở thành biểu tượng năng lượng cho phát triển đất nước. Ngành Dầu khí đang làm chủ công nghệ cao trong tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

Ngành Dầu khí đang đóng góp quan trọng về dầu, khí, điện vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP và tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Liên tục nhiều năm liền, ngành Dầu khí đóng góp cho tăng trưởng GDP với tỷ trọng trên 20%, chiếm trên 30% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kể cả trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng thì ngành Dầu khí vẫn duy trì tăng trưởng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh cũng thẳng thắn nêu một thực tế hết sức đáng ngại là các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã được nêu rất rõ trong Nghị quyết 41-NQ/TƯ ngày 23-7-2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 nhưng đến nay, sau gần 4 năm thực hiện vẫn chưa có các giải pháp, chính sách cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.

Theo Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh, thách thức lớn nhất cho đến nay là PVN vẫn chưa được phê duyệt Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ PVN nên hoạt động tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và rất dễ dẫn tới các sai phạm. Đặc biệt, cơ chế tài chính cho công tác khoan thăm dò dầu khí còn nhiều vướng mắc, chồng chéo, dẫn đến việc gia tăng trữ lượng gặp rất nhiều khó khăn. Đây chính là mối lo lớn nhất cho việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước bởi hoạt động khai thác dầu khí đang “ăn” vào quá khứ.

nhieu co che chinh sach dang lam kho nganh dau khi
TS Nguyễn Hồng Minh, Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam phát biểu tham luận tại hội thảo.

Cùng đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Hồng Minh, Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, thực tế là những năm gần đây, PVN gần như ký được rất ít hợp đồng dầu khí mới khiến hoạt động khoan thăm dò rất “èo uột” với vốn đầu tư cho hoạt động này chỉ bằng 25% so với giai đoạn trước đây. Trong khi nguồn lực của PVN còn hạn chế thì việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đầy rủi ro này cũng bị vướng rất lớn bởi các chính sách trước đây đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Từ thực tế đó, TS Nguyễn Hồng Minh cho rằng, bên cạnh giải pháp đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, việc lập kho dự trữ năng lượng quốc gia sẽ là giải pháp để đối phó với tình trạng khẩn cấp khi có gián đoạn về nguồn cung. Đồng thời, việc đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng, trong đó có dầu khí là giải pháp thường xuyên nhằm tăng cường khả năng khai thác sản xuất các nguồn năng lượng sơ cấp, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài.

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà ngành Dầu khí đang phải đối diện và khẳng định an ninh năng lượng tác động rất lớn đến an ninh lương thực, an ninh tài chính, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, Luật Dầu khí cần sớm được sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh mới nhằm tạo động lực cho một ngành rất quan trọng và cũng nhiều rủi ro, cả rủi ro truyền thống và rủi ro phi truyền thống.

nhieu co che chinh sach dang lam kho nganh dau khi Dầu khí giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
nhieu co che chinh sach dang lam kho nganh dau khi CĐ DKVN tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngành Dầu khí thực hiện ý nguyện của Bác Hồ
nhieu co che chinh sach dang lam kho nganh dau khi Khai mạc Triển lãm ảnh “60 năm ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện ý nguyện của Bác Hồ”

/ Cổng thông tin điện tử PVN