“Nhiều bất cập trong quy định đào tạo sát hạch lái xe”

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam hiện đang có nhiều bất cập trong quy định đào tạo sát hạch lái xe, do đó cơ quan này vừa có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhằm sửa đổi, giải quyết những bất cập này.

“Nhiều bất cập trong quy định đào tạo sát hạch lái xe”
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam hiện đang có nhiều bất cập trong quy định đào tạo sát hạch lái xe.

Còn nhiều bất cập trong quy định

Vừa qua, trong văn bản kiến nghị gửi Bộ GTVT, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Đào tạo, sát hạch lái xe là lĩnh vực phụ vụ nhu cầu thiết yếu, thường xuyên và liên tục của xã hội, được cả xã hội quan tâm. Giai đoạn từ năm 2009 - 2022, Bộ Giao thông vận tải liên tục điều chỉnh, bổ sung, cập nhật mới với hàng loạt Thông tư hướng dẫn công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe.

Từ tác động của các Thông tư này, hoạt động sát hạch lái xe đã bảo đảm tính công khai, minh bạch, đánh giá chính xác năng lực, kỹ năng của người điều khiển phương tiện. Kỳ thi sát hạch lái xe ứng dụng công nghệ, nghiêm túc đòi hỏi yêu cầu rất cao đã được xã hội ghi nhận là loại hình đánh giá chất lượng đào tạo khoa học, khách quan, chính xác nhất hiện nay.

Tuy nhiên, qua thực tiễn Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phát hiện vẫn còn nhiều nhiều bất cập trong quy định đào tạo sát hạch lái xe. Do đó, đơn vị này đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ GTVT sửa đổi một số quy định đối với lĩnh vực đào tạo và sát hạch lái xe ô tô nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Đối với đào tạo lái xe: Mặc dù thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhưng qua thực tế áp dụng vẫn bộc lộ rất nhiều mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp thực tế, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo và học viên, lãng phí nguồn lực, thời gian của xã hội. Thậm chí có những quy định rất bất khả thi dễ dẫn đến vi phạm của các cơ sở đào tạo.

Cụ thể: Phần lý thuyết: Nội dung, hình thức và thời lượng không phù hợp như: Theo quy định tại Thông tư số 12, phần lý thuyết lái xe có 05 môn học trong đó: Môn Cấu tạo và Sửa chữa thông thường (18 giờ): Mục đích học lái xe là để thành thục kỹ năng điều khiển phương tiện, không cần thiết phải nghiên cứu sâu về cấu tạo xe. Xã hội ngày càng chuyên môn hóa, việc sửa chữa đã có các đơn vị làm dịch vụ. Môn này nên rút gọn, chủ yếu “Hướng dẫn sử dụng & Sửa chữa thông thường”.

Môn nghiệp vụ vận tải (16 giờ): Nên bỏ môn này vì trên 80% số người học lái xe không có nhu cầu làm nghề kinh doanh vận tải; Đào tạo nghiệp vụ vận tải thực hiện theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Môn Đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông (20 giờ): Quá nhiều nội dung trùng lặp với môn Pháp luật giao thông đường bộ. Do vậy nên tích hợp vào môn Pháp luật giao thông đường bộ.

Môn Kỹ thuật lái xe: Tích hợp vào phần thực hành sẽ hiệu quả hơn.

Môn Pháp luật Giao thông đường bộ (90 giờ): Thời lượng nhiều, hình thức bắt buộc học trên lớp, điểm danh bằng vân tay, thẻ từ, nhận diện khuôn mặt… không phù hợp với thời đại của khoa học công nghệ và đối tượng người học. Thực tế: Đa số học viên tự học vì đã có rất nhiều tài liệu và điều kiện tự học. Các cơ sở đào tạo chủ yếu hướng dẫn trên lớp (hoặc học viên tự học) là hoàn toàn nắm được kiến thức pháp luật, đáp ứng yêu cầu khi thi sát hạch và tham gia giao thông.

Phần thực hành: Quy định về thực hành trong hình và trên đường không thực tế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, khó khăn cho các cơ sở đào tạo và lãng phí nguồn lực xã hội .

Theo quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì thời gian thực hành trên xe tập lái của 01 học viên là 84 giờ đối với hạng B1 và B2. Trong đó, ngoài 03 giờ thực hành trên cabin mô phỏng, có 41 giờ thực hành trong sân tập lái (tương ứng với 290 km) và 40 giờ thực hành trên đường giao thông (tương ứng với 810 km).

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đây là quy định rất bất hợp lý, cụ thể như sau: Theo quy định học viên bắt buộc phải chạy 290 km, thời gian 41 giờ, tương ứng tốc độ phải đạt là 07 km/giờ trong sân tập lái. Thực tế học viên đi được khoảng 03 km/giờ. Như vậy để đi đủ 290 km thì học viên phải thực hành 97 giờ; Lái xe trên đường: Thiết bị DAT đã chứng minh chạy 810 km chỉ cần 16 giờ đến 18 giờ.

Việc quy định quá nhiều giờ thực hành là khó khăn rất lớn cho các cơ sở đào tạo trong việc tuyển dụng giáo viên; Phát sinh chi phí không cần thiết về thời gian cho cả cơ sở đào tạo và người học.

Ngoài ra, việc thu học phí đúng, đủ mức độ đầu tư thì đồng nghĩa với việc không tuyển sinh được. Nếu vẫn bảo đảm mục tiêu đào tạo (người học biết lái xe thành thạo, sát hạch tốt) và đáp ứng nhu cầu người học để tuyển sinh được thì đồng nghĩa với việc phải vi phạm quy định của Bộ GTVT.

Nhiều kiến nghị sửa đổi

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay, sổ theo dõi thực hành lái xe theo quy định là 5 học viên/1 xe/1 giáo viên, vì vậy chữ ký của giáo viên trong suốt khóa học cũng phải của 1 người. Thực tế, để đáp ứng nhu cầu thị trường, các cơ sở đào tạo có thể phải bố trí 1 giáo viên, 1 xe phục vụ học viên theo yêu cầu, thậm chí đưa đón tại nhà; 1 học viên cũng có thể do nhiều giáo viên đảm nhiệm vì đều thực hiện một giáo án chung. Do đó, việc ký sổ theo dõi thực hành của học sinh cũng có thể do nhiều giáo viên thực hiện.

hoc-lai-xe-o-to-voi-cabin-mo-phong_2904152124.jpg
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng việc học lái xe trên cabin tập lái được cho là lỗi thời, hiện nhiều nước trên thế giới đã không còn áp dụng và bãi bỏ.

Hiệp hội này cho rằng, nếu áp cứng 5 học viên/1 xe/1 giáo viên theo quy định thì cơ sở đào tạo không thể đáp ứng được sự linh hoạt của thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc không thể tuyển sinh hoặc tuyển sinh phải vi phạm quy định. Chính vì vậy, các cơ sở đào tạo buộc phải “hợp thức hóa hồ sơ” và cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương cũng phải chấp nhận như một sự “bất khả kháng”.

Ngoài ra, việc bắt buộc phải lắp đặt và thực hành trên ca bin tập lái theo Thông tư 38/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT thực chất chỉ phù hợp với giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước. Một số cơ sở đào tạo của Công an, Quân đội và một số cơ sở đào tạo dân sự có thực hiện việc đào tạo trên cabin tập lái, nhưng khi đó đất nước còn nghèo, việc đầu tư xe tập lái có nhiều khó khăn. Sau này, việc học lái xe trên cabin tập lái cũng được bãi bỏ.

Để trang bị cabin học lái xe, các cơ sở đào tạo phải đầu tư một khoản kinh phí khá lớn, ngoài việc đã đầu tư kinh phí trang bị xe số nóng, số nguội, khống chế thâm niên xe tập lái... điều này càng tạo áp lực cho các cơ sở đào tạo lái xe.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc quy định dạy lý thuyết theo kiểu truyền thống: Học viên phải tập trung đến lớp, điểm danh; Mọi việc dạy học, truyền đạt kiến thức đều phải diễn ra trên lớp học với 8 giờ mỗi ngày và kéo dài trong 21 ngày là không còn phù hợp với đại đa số người đi học (đang là lao động chính....), đồng thời cũng đi ngược lại yêu cầu thực tiễn, xu hướng và thành quả của cuộc cách mạng công nghệ.

Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi các quy định khác còn nhiều bất cập theo hướng rút gọn, đơn giản hóa để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quản lý cũng như thực hiện đối với lĩnh vực đào tạo và sát hạch lái xe

Do đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, giải quyết khó khăn vướng mắc và tháo gỡ cho các cơ sở đào tạo lái xe thoát khỏi làn sóng buộc phải vi phạm một số quy định của Bộ GTVT trong quá trình thực hiện, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Bộ GTVT xem xét tính hợp pháp, hợp lý và tính khả thi của một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực đào tạo lái xe ô tô, sớm sửa đổi các quy định hiện hành trong lĩnh vực này theo hình thức rút gọn.

Cụ thể, sửa đổi chương trình đào tạo lái xe, đặc biệt là sửa đổi nội dung học lái xe trên đường giao thông công cộng theo hướng giảm số giờ học, không quy định bắt buộc học đầy đủ các tình huống có tính đặc thù vùng miền để đảm bảo tính khả thi.

Sửa quy định cấp Chứng chỉ đào tạo hoặc Chứng chỉ sơ cấp nghề cho phù hợp với quy định về việc xét cấp Chứng chỉ đào tạo hoặc Chứng chỉ sơ cấp nghề của pháp luật Giáo dục nghề nghiệp.

Sửa đổi các quy định khác còn nhiều bất cập theo hướng rút gọn, đơn giản hóa để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý cũng như thực hiện đối với lĩnh vực đào tạo và sát hạch lái xe.