Theo con số của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 700 nghìn người rút BHXH một lần. Tuy nhiên, năm 2022, số người rời khỏi hệ thống an sinh đã lên đến hơn 895 nghìn người và xu hướng vẫn đang tiếp tục tăng lên. Giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để người lao động có thể nhận được lương hưu, nếu rút BHXH, người lao động chỉ được rút 50% BHXH (nhưng cũng phải đáp ứng điều kiện thời gian tham gia BHXH chưa đủ 20 năm)…, là một số giải pháp được đưa ra trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến nhằm giảm thiểu tình trạng này. Tuy vậy, vẫn đang có nhiều băn khoăn quanh các giải pháp kỹ thuật này.
Khi phải rút BHXH, là người lao động đang rất khó khăn
Cho phép người lao động hưởng BHXH một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình nhưng chỉ được rút 50%, phần còn lại sẽ được bảo lưu để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu. Đây là giải pháp đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của người lao động. Theo anh Nguyễn Văn Tâm, công nhân xây lắp dân dụng, vấn đề cốt lõi của việc nhiều người lao động lựa chọn phải rút BHXH một lần không nằm ở việc tăng giảm thời gian đóng BHXH, mà vấn đề nằm ở việc tuổi nghỉ hưu quá cao dẫn đến chính sách BHXH không phù hợp với nhiều lao động.
“Tôi năm nay ngoài 40 tuổi, thời gian tham gia BHXH cũng đã được gần 17 năm. Đặc thù công việc phải đi theo công trình nên bao nhiêu năm làm công nhân là bấy nhiêu năm xa nhà. Hiện tôi chưa nghĩ đến chuyện phải nghỉ việc, nhưng nếu phải nghỉ để về quê thì chắc chắn tôi sẽ lựa chọn rút 100% BHXH. Con cái còn nhỏ, về quê phải xoay xở kế sinh nhai, người lao động chúng tôi có rất nhiều lo toan. Vì thế nếu chỉ cho rút 50% BHXH thì làm sao chúng tôi có thể lo được. Xác định không làm công nhân nữa thì làm sao chúng tôi có đủ điều kiện mà tiếp tục tham gia BHXH. Phần bảo lưu còn lại muốn được rút thì phải chờ đủ tuổi nghỉ hưu, có nghĩa là phải vài chục năm nữa. Quy định này là không phù hợp”, anh Tâm nhìn nhận.
Cũng có đến 16 năm làm công nhân lắp ráp điện tử tại KCN Thăng Long, chị Đào Thị Huế cho hay, thời gian đầu chị cũng sẽ gắn bó với công việc cho đến lúc nghỉ hưu. Thu nhập mỗi tháng cũng được từ 8 – 10 triệu đồng/tháng là có thể sống được. Nhưng tuổi tăng lên, không còn linh hoạt được như trước, chị nhận thấy không thể đáp ứng được công việc nếu là làm việc đến lúc đủ tuổi nghỉ hưu với nữ là 60 tuổi.
“Hai vợ chồng là công nhân, thu nhập không quá cao nên hai con nhỏ phải gửi ở quê cho ông bà lo. Đến lúc nào đó, chúng tôi nghĩ phải nghỉ việc về quê vì làm sao làm được việc khi sức khỏe đã kém đi. Đời công nhân thì làm gì có tích lũy, có nghĩa về quê chúng tôi gần như hai bàn tay trắng. Chính vì thế tôi không đồng tình với việc chỉ cho rút 50% BHXH một lần. Khi phải rút BHXH, có nghĩa là người lao động đang rất khó khăn, đang cần gấp một khoản tiền để họ có thể kinh doanh hay trang trải cuộc sống trước mắt. Đây là khoản tiền do người lao động và người sử dụng lao động đóng vào trong quá trình người lao động làm việc, do đó tôi cho rằng, quyền rút thế nào nên để người lao động lựa chọn. Không thể quy định cứng nhắc”, chị Huế cho hay.
Cần có nhiều giải pháp đồng bộ
Nhiều ý kiến cho rằng, theo quy định của Bộ luật Lao động, hiện nay tuổi nghỉ hưu đang tăng dần theo lộ trình, cho đến khi đạt 62 tuổi với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035. Điều này tạo ra khoảng thời gian quá dài từ khi lao động hết tuổi nghề nghỉ làm cho đến khi nhận hưu trí. Hiện nay tuổi nghề và tuổi hưu của lao động đang có khoảng cách lớn. Chẳng hạn như trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may.
Công nhân nữ, tuổi từ 35 – 40 đã có xu hướng phải nghỉ việc. Ở mốc tuổi đó rất khó cho những người này tìm việc làm mới ở các doanh nghiệp khác để tiếp tục đóng BHXH. Tuổi nghề đã hết mà tuổi hưu chưa tới, nếu tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì cũng phải chờ 15 – 20 năm nữa người lao động mới được hưởng lương hưu. Chính vì thế, lao động chọn rút BHXH một lần để lo cho cuộc sống trước mắt. Do đó, một vài giải pháp cơ học rất khó để giảm được tình trạng rút BHXH một lần.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần phải có nhiều giải pháp, trong đó giải pháp tổng thể quan trọng nhất là phải đảm bảo việc làm, thu nhập bền vững cho người lao động. “Thực tế, qua theo dõi những người rút BHXH một lần đều có nơi làm việc không tốt, thu nhập không thực sự ổn định, không có tích luỹ nên khi gặp khó khăn họ phải rút BHXH một lần. Do vậy, giải pháp căn cơ là phải tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Vấn đề này cần triển khai đồng bộ nhiều chính sách chứ không chỉ một vài điều chỉnh kỹ thuật.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng nhiều lao động chọn rút BHXH một lần hiện nay là do họ vẫn chưa thực sự tin tưởng vào chính sách BHXH, cho nên họ mới rút khỏi hệ thống. Vì thế, nếu chúng ta sửa Luật BHXH thì phải tạo được độ tin tưởng nhiều hơn vào chính sách BHXH. Đồng thời, nếu chúng ta xây dựng được chính sách BHXH linh hoạt hơn thì sẽ thu hút được thêm người lao động tham gia vào hệ thống. Lúc ấy những người đang tham gia họ sẽ cân nhắc kỹ việc lựa chọn ở lại hệ thống để được hưởng quyền lợi lâu dài chứ không rút BHXH một lần”, ông Quảng nói.
PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cũng cho rằng, để người lao động không rút BHXH một lần trước tiên là các chính sách để duy trì, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tiếp đến là chính sách BHXH cần linh hoạt tạo điều kiện cho người lao động khi không làm việc tại doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện để về già được hưởng lương hưu.
“Tôi cho rằng, nguyên nhân người lao động rút BHXH một lần là nhiều công nhân lao động cho rằng, nếu họ có gắn với doanh nghiệp, họ cũng không có tương lai. Đầu tiên là tương lai việc làm, thứ hai là tương lai về BHXH. Họ khó có thể theo đến vài chục năm nữa để được hưởng lương hưu. Tâm lý như thế nên họ lĩnh BHXH một lần. Trong khi đó, chính sách BHXH hiện nay không chỉ chưa linh hoạt mà thậm chí còn khô cứng.” - PGS.TS Vũ Quang Thọ nhận định.