Tokyo tập trung mua sắm nhiều vũ khí tối tân nhằm hỗ trợ đồng minh Washington đối phó với tham vọng của Moskva và Bắc Kinh.
Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy tham vọng trở thành cường quốc khu vực của Tokyo, trong bối cảnh Moskva và Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng ở Đông Á và Thái Bình Dương.
"Mỹ vẫn là quốc gia mạnh nhất thế giới, nhưng nhiều đối thủ đang trỗi dậy. Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của cuộc chạy đua chiến lược với Trung Quốc và Nga khi họ thách thức trật tự khu vực", Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh trong chương trình quốc phòng 10 năm được chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe thông qua.
Mỹ, Trung Quốc, Triều Tiên và Nga là những quốc gia tác động nhiều nhất tới kế hoạch quân sự mới của Nhật Bản. Bắc Kinh đang triển khai nhiều tàu chiến và máy bay tuần tra gần các vùng biển gần lãnh thổ Nhật, trong khi Bình Nhưỡng chưa thực hiện cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Nga cũng thường xuyên điều máy bay áp sát vùng nhận diện phòng không Nhật, buộc nước này triển khai tiêm kích giám sát. Bộ Quốc phòng Nga hôm qua công bố kế hoạch đưa binh sĩ và gia đình đến các doanh trại mới xây dựng trên hai trong 4 đảo thuộc quần đảo Nam Kuril đang tranh chấp với Nhật, được Tokyo gọi là Lãnh thổ phương Bắc.
Bản Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng tiết lộ Nhật sẽ mua thêm 45 tiêm kích tàng hình F-35 với trị giá 4 tỷ USD, bên cạnh 42 chiếc đã đặt hàng. 18 chiếc trong số này sẽ là phiên bản F-35B với khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL), cho phép chúng vận hành trên tàu sân bay và các đảo ở biển Hoa Đông.
Quan chức quốc phòng Nhật tiết lộ khu trục hạm trực thăng JS Izumo và JS Kaga sẽ được hoán cải thành tàu sân bay để vận hành phi đội F-35B. Sàn đáp sẽ cần được gia cố để chịu luồng nhiệt từ động cơ phản lực của F-35B, trong khi kết cấu cầu nhảy sẽ được bổ sung ở mũi tàu để hỗ trợ máy bay cất cánh.
Tokyo sẽ mua hàng loạt vũ khí mới từ Washington, gồm hai tổ hợp lá chắn tên lửa Aegis Ashore với các quả đạn SM-3 có tầm bắn tới 2.500 km để đối phó với mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, 4 máy bay tiếp dầu KC-46 Pegasus và 9 phi cơ cảnh báo sớm E-2D Advance Hawkeye cũng sẽ được bổ sung vào biên chế quân đội Nhật.
Tài liệu quốc phòng cũng đề cập tới những mối đe dọa phi truyền thống như tấn công mạng và tác chiến điện tử. Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản dự kiến được biên chế đơn vị tác chiến không gian đầu tiên trong 5 năm tới, nhằm chuẩn bị trước những mối đe dọa từ ngoài khí quyển.
Ngân sách dành cho mua sắm trang bị của Nhật trong giai đoạn 2019-2024 sẽ đạt mức 224,7 tỷ USD, cao hơn 6,4% so với kế hoạch 5 năm trước đây.
Nga sẽ đưa thêm quân đến các đảo có tranh chấp với Nhật Bản
Quân đội Nga đã xây dựng các doanh trại mới cho binh sĩ trên quần đảo tranh chấp với Nhật Bản. |
Nhật Bản lập căn cứ tên lửa đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc
Nhật Bản đang xây dựng các căn cứ tên lửa gần Trung Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ nước ... |