Nhật Tân được mùa đào

Đó là nhận định của ông Đỗ Đức Chiến, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nhật Tân, Hà Nội. Nhờ thời tiết thuận lợi, năm nay, đào Nhật Tân tràn đầy sức sống, sai nụ, bông to đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Thị trường đào đã bắt đầu sôi động từ đầu tháng 12 âm lịch.

Thời tiết thuận lợi

Còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần nhưng thời điểm này tại nhà vườn ở Nhật Tân, thương lái từ các tỉnh như Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… đua nhau đánh xe về mua đào. Không khí tại các vườn đào khá tấp nập, nhộn nhịp. Một năm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với vô vàn khó khăn, song làng đào Nhật Tân với hàng trăm hộ dân vẫn cố gắng bám trụ với nghề truyền thống.

Nhật Tân được mùa đào -0

Các hộ trồng đào ở Nhật Tân phấn khởi vì được mùa và được giá.

Anh Nguyễn Văn Dũng, một thương lái đến từ TP Việt Trì, Phú Thọ cho biết, anh về vườn đào Nhật Tân ngay từ thời điểm này để chọn được những cành đào huyền, gốc đào đẹp nhất. Chỉ cần chậm vài ngày nữa là không còn đào đẹp cung cấp cho khách hàng. Cùng suy nghĩ này, anh Dương Văn Minh cũng vượt hàng trăm cây số từ Quảng Ninh về các vườn đào Nhật Tân để chọn đào.

Mặc dù thị trường các mặt hàng nói chung bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng năm nay đào Nhật Tân được mùa lẫn được giá. Lý giải nguyên nhân năm nay được vụ đào Tết, ông Đỗ Đức Chiến cho biết, mùa đông năm nay không quá lạnh cũng không quá nóng rất phù hợp với sự phát triển của cây đào.

Cách đây chừng hơn 1 tháng, các hộ trồng đào đã hoàn thành công đoạn tuốt lá đào. Đến thời điểm này, cây đào đang trong giai đoạn đẹp nhất khi thân mập, sai nụ, nụ thắm và bông nở to. Bên cạnh đó, nhu cầu chơi đào của người dân không chỉ còn tập trung vào đúng Tết Nguyên đán mà rải rác cả tháng 12 âm lịch. Các hộ mở rộng quy mô trồng đào để phục vụ nhu cầu của người dân.

Nắm bắt xu thế thị trường trong mùa dịch COVID-19, năm nay, các hộ trồng đào ở Nhật Tân tập trung phát triển các cây đào ở mức tầm trung và nhỏ hơn là các cây thân to, đắt tiền. Đắt hàng nhất trong các loại đào cung cấp cho thị trường chính là cành đào có thế huyền (đào huyền). Từ khoảng 2 năm trở lại đây, người dân tại các tỉnh lẫn ở Thủ đô Hà Nội đều rất ưa chuộng đào huyền.

"Để có được một cành đào huyền, người trồng đào chúng tôi phải mất 3 năm từ lúc giâm cành. Năm nay, cành đào huyền chiếm tới 80% nhu cầu chơi đào cành của người dân", ông Đỗ Đức Chiến cho biết.

Theo các hộ trồng đào ở Nhật Tân, năm 2021, chi phí chăm sóc đào cao hơn so với các năm trước. Những ngày này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc thuê nhân công đánh gốc, vào chậu, vận chuyển... đào gặp nhiều khó khăn. Chị Đỗ Thị Bình, chủ vườn đào với hơn 2.000m2 chia sẻ, mỗi vụ đào Tết, vườn đào của chị phải thuê khoảng 10 người để chăm sóc, tuốt lá đào, đánh gốc vào đào…

Tuy nhiên, nhân công được trả lên đến 500 nghìn đồng/người/ngày nhưng vẫn khó thuê. Tại hầu hết các vườn đào, chủ hộ phải huy động cả người trong gia đình trực tiếp tham gia vào các công đoạn chăm sóc, thu hoạch đào dịp cuối năm.

Doanh thu đạt khoảng 100 tỷ/năm từ đào

Hiện nay, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nhật Tân đang quản lý 90ha sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 70ha là đất trồng hoa đào với khoảng 780 hộ tham gia; diện tích còn lại trồng hoa màu khác. Nếu như trước đây diện tích đất trồng đào chủ yếu ở khu vực khu đô thị Ciputra bây giờ thì hiện nay số diện tích trồng đào tập trung khu vực bãi sông Hồng.

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần năm 2022, Hợp tác xã sẽ cung cấp ra thị trường hàng vạn cành đào thế, đào cành. Doanh thu bình quân từ trồng đào của cả Hợp tác xã đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của các hộ đều từ vài trăm triệu trở lên.

Dịp này, thương lái các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh… đang nườm nượp về Nhật Tân lấy hàng về các tỉnh tiêu thụ. Người trồng đào Nhật Tân lo nhất là trong trường hợp phải giãn cách xã hội, việc vận chuyển đào đi tiêu thụ gặp khó khăn.

Nếu không bị ảnh hưởng bởi lưu thông, nhu cầu chơi đào Tết của người dân vẫn sẽ rất cao. Ngay cả thị trường TP Hồ Chí Minh cũng khá chuộng chơi đào Tết. Anh Đỗ Đức Chiến chia sẻ, tính trong khoảng 2 tuần gần đây, thị trường đào Tết đã khá sôi động, thương lái về lấy hàng rất đông.

Theo các hộ trồng đào tại Nhật Tân, năm nay giá đào nhỉnh hơn so với năm ngoái. Tùy theo kích cỡ, giá cành huyền dao động từ 500 nghìn đến 5 triệu đồng/cành; đào thế có giá thuê từ 3 triệu đến 10 triệu đồng/gốc. Khách muốn mua đào gốc sẽ phải trả hơn so với thuê khoảng 3 triệu đồng.

Gia đình anh Đỗ Đức Chiến có khoảng 4.000m2 trồng đào với hàng nghìn gốc đào cành, đào thế. Thời điểm này, vườn đào của anh Chiến đã xuất hàng trăm cành đào, gốc đào đi các tỉnh. Theo anh Chiến, vụ đào năm nay, hộ anh thu về khoảng 700 triệu đồng. Có những hộ thu về cả tiền tỷ trong vụ trồng đào.

Mới đây, lần đầu tiên phường Nhật Tân mang sản phẩm đào đi dự đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố. Ba sản phẩm: "Hoa đào thất thốn", "Cây đào thế" và "Cành đào tròn" của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nhật Tân đều được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố đánh giá đạt 4 sao. Việc phát triển sản phẩm OCOP hoa đào Nhật Tân là sự khẳng định thương hiệu của làng trồng hoa đào truyền thống nổi tiếng của cả nước.
Đào Nhật Tân lần đầu xuống phố Hà Nội, chợ hoa Quảng Bá rực sắc xuân Đào Nhật Tân lần đầu xuống phố Hà Nội, chợ hoa Quảng Bá rực sắc xuân

Những cành hoa đào Nhật Tân bắt đầu được bày bán tại chợ hoa Quảng Bá (quận Tây Hồ, Hà Nội) để phục vụ người ...

/ cand.com.vn