Việc Tổng thống Donald Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ khiến Nhật Bản lo ngại bị "ra rìa", mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố không có khúc mắc ngoại giao nào giữa Tokyo và Washington.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 4. Ảnh: Reuters
Nếu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều trở thành hiện thực vào tháng 5 tới thì đây sẽ là bước đột phá kinh ngạc trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
Sau khi điện đàm với Tổng thống Donald Trump hôm 9.3, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục "bên nhau 100%", và ông Shinzo Abe sẽ gặp ông Donald Trump vào tháng 4.
Bất chấp liên minh an ninh Mỹ-Nhật, vẫn có những lo ngại rằng ông Donald Trump có thể cắt giảm thỏa thuận để bảo vệ các thành phố của mình khỏi bị tấn công hạt nhân, trong khi để Nhật Bản dễ bị tổn thương.
Hai vụ thử tên lửa năm ngoái của Triều Tiên đã bay qua Nhật Bản, và Tokyo cũng thường xuyên là mục tiêu của những tuyên bố đe dọa của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter là "ông Kim Jong-un đã nói về việc giải trừ hạt nhân với đại diện Hàn Quốc, chứ không phải đóng băng hạt nhân".
Nhưng vẫn có những lo ngại rằng kết quả của các cuộc đàm phán sẽ không như kỳ vọng của Nhật Bản là Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn phát triển tên lửa và hạt nhân. Tokyo muốn Bình Nhưỡng cam kết đó là điều kiện tiên quyết để đàm phán.
Giáo sư Takahashi Kawakami, Đại học Takushoku ở Tokyo đưa ra ba kịch bản: Triều Tiên đồng ý giải trừ hạt nhân; đồng ý đóng băng hạt nhân; hoặc quay lại phóng tên lửa.
"Trong ba phương án này tôi nghĩ phương án hai là nhiều khả năng nhất" - Reuters dẫn lời ông Kawakami.
Nhưng việc Triều Tiên chỉ đóng băng hạt nhân sẽ làm Nhật Bản lo ngại, vì điều đó chỉ giới hạn năng lực hạt nhân hiện tại của Triều Tiên nhằm vào các mục tiêu của Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi Mỹ nằm ngoài tầm bắn" - giáo sư thỉnh giảng Brad Glosserman của Đại học Tama nói. "Điều đó sẽ hợp pháp hóa cho ông Kim Jong-un theo cách mà Nhật Bản không muốn thấy".
Một nghị sĩ đảng cầm quyền Nhật Bản cho rằng Washington chắc chắn sẽ không đồng ý việc đóng băng, nhưng Bình Nhưỡng có thể có thêm thời gian để hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân và như vậy sẽ tăng thêm sức mạnh đàm phán.
Nếu Triều Tiên đạt được mục tiêu phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn đến Mỹ, thì Nhật Bản sẽ phải tăng cường khả năng ngăn chặn của mình, kể cả việc đề nghị Mỹ triển khai tàu ngầm hạt nhân ở vùng biển lân cận.
Nhưng không phải ai cũng bi quan về việc Nhật bị bỏ rơi. "Điều lớn nhất là mục tiêu sẽ được Mỹ-Nhật-Hàn thảo luận" - ông Katsuhiko Nakamura, giám đốc điều hành Diễn đàn Châu Á Nhật Bản nhận định.
Trump gặp Kim Jong Un: Mỹ liều lĩnh với chiếc bẫy của Triều Tiên?
Triều Tiên từng dùng chiêu bài đồng ý đàm phán làm mồi nhử để tranh thủ thời gian giảm nhẹ cấm vận, nên quyết định ... |
Nhà Trắng: Chưa phải lúc đàm phán với Triều Tiên
Trái với phát biểu của ngoại trưởng trước đó rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên, Nhà Trắng cho hay ... |