Nhật Bản hỗ trợ người dân giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt

Ngày 27-5, Chính phủ Nhật Bản quyết định phân bổ 388,1 tỷ yên (tương đương 2,7 tỷ USD) từ quỹ dự trữ của năm tài chính 2025 để trợ cấp hóa đơn tiền điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Khoản trợ cấp này là một phần trong các biện pháp cứu trợ được công bố hồi tháng 4 nhằm đẩy mạnh nỗ lực ứng phó với những tác động kinh tế liên quan đến chính sách thuế đối ứng của Mỹ, bao gồm khoản thuế 25% đang gây áp lực lên ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản.

Các quan chức cho biết tổng giá trị gói cứu trợ ước tính lên tới 2,8 nghìn tỷ yên, bao gồm chi tiêu của chính quyền địa phương và các công ty tư nhân.

Phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ, Thủ tướng Shigeru Ishiba tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ vốn chiếm phần lớn lực lượng lao động của Nhật Bản.

nhatbanphisinhoat.jpg
Nhật Bản đẩy mạnh hỗ trợ người dân giảm gánh nặng sinh hoạt trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ. Ảnh: Tân Hoa xã

Đối với năm tài chính 2025 bắt đầu từ tháng 4, Chính phủ Nhật Bản đã dành khoảng 739,5 tỷ yên cho quỹ dự trữ thường được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp. Sau quyết định phân bổ 388,1 tỷ yên để giảm gánh nặng sinh hoạt, số dư của quỹ này sẽ ở mức khoảng 351,4 tỷ yên.

Theo kế hoạch trợ cấp mới nhất, khoảng 288,1 tỷ yên sẽ được sử dụng để hỗ trợ hóa đơn tiền điện và khí đốt, trong khi 100 tỷ yên còn lại được dành cho trợ cấp khí dầu mỏ hóa lỏng phổ biến ở các vùng nông thôn.

Trong bối cảnh người dân ngày càng lo ngại về chi phí sinh hoạt tăng cao, các khoản trợ cấp dự kiến ​​sẽ giúp giảm 1.040 yên hóa đơn tiền điện hộ gia đình ở các tháng 7 và 9. Riêng trong tháng 8, cũng là thời điểm nhiệt độ mùa hè lên đến đỉnh điểm, chi phí điện tiêu thụ dự kiến giảm 1.260 yên.

Về vấn đề thương mại với Mỹ, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực sắp xếp một vòng đàm phán cấp cao vào ngày 30-5 để thảo luận các mức thuế quan do Tổng thống Donald Trump ban hành.

Bộ trưởng Bộ Phục hồi kinh tế Akazawa Ryosei kỳ vọng sẽ có cuộc thảo luận sâu hơn với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, người không tham dự các cuộc đàm phán trước đó.

Cho đến nay, Nhật Bản vẫn kiên định với lập trường rằng quốc gia này có thể giúp tạo ra việc làm và mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Mỹ thông qua việc mở rộng đầu tư.

Nhật Bản cũng đã đề xuất xem xét lại các quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc nhập khẩu xe của Mỹ và đề nghị hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu.

Về phần mình, Mỹ cũng đã phản ứng tích cực với ý tưởng hợp tác ở lĩnh vực đóng tàu nhưng vẫn thận trọng trong việc xem xét lại các biện pháp thuế quan, bao gồm cả thuế ô tô mà Nhật Bản kiên quyết phản đối.

 https://hanoimoi.vn/nhat-ban-ho-tro-nguoi-dan-giam-ganh-nang-chi-phi-sinh-hoat-703687.html

Thương Nguyệt / HNM