Nhật Bản đề cao cảnh giác trước một trận “siêu động đất”

Sau trận động đất làm rung chuyển nhiều khu vực phía Tây Nhật Bản hôm 8-8, cảnh báo về nguy cơ “siêu động đất” tiếp tục được nhắc đến. Liệu thiên tai loại này có thể dự báo trước và người dân Nhật Bản đã chuẩn bị sẵn sàng?

Ngay sau động đất, một ủy ban đặc biệt của Nhật Bản cảnh báo nguy cơ một “trận động đất lớn” khác có thể xảy ra trong tuần tiếp theo, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cơ quan này đưa ra loại cảnh báo trên. Các chuyến tàu cao tốc phải giảm tốc để đề phòng và Thủ tướng Nhật Bản phải hủy các chuyến công du nước ngoài. Nhưng sau đó, chính phủ đã dỡ bỏ hầu hết các khuyến cáo và báo cáo không có thiệt hại lớn nào từ trận động đất mạnh 7,1 độ richter. Tuy nhiên, phần lớn đất nước Nhật Bản vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ trước một trận “siêu động đất” trong thời điểm mùa du lịch cao điểm của kỳ nghỉ hè.

Ga đường sắt ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản thông báo về việc giảm tốc độ tàu sau cảnh báo về động đất hôm 9-8-2024

Ga đường sắt ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản thông báo về việc giảm tốc độ tàu sau cảnh báo về động đất hôm 9-8-2024

Tranh luận của giới chuyên gia

Nhật Bản nằm trên Vành đai lửa, khu vực có hoạt động địa chấn và núi lửa dữ dội ở cả hai phía Thái Bình Dương. “Nhật Bản nằm trên ranh giới của 4 mảng kiến tạo, khiến nước này trở thành một trong những khu vực dễ xảy ra động đất nhất trên thế giới. Khoảng 10% các trận động đất có độ mạnh 6 richter trở lên trên thế giới xảy ra trong hoặc xung quanh Nhật Bản, nên nguy cơ động đất cao hơn nhiều so với châu Âu hoặc miền Đông nước Mỹ”, ông Shoichi Yoshioka, Giáo sư tại Đại học Kobe lý giải.

Trong lịch sử, trận động đất tồi tệ nhất mà Nhật Bản hứng chịu là trận động đất Tohoku mạnh 9,1 độ richter xảy ra vào năm 2011, gây ra thảm họa sóng thần và hạt nhân lớn. Khoảng 20.000 người đã thiệt mạng trong thảm kịch “kép” đó. Sau trận động đất lịch sử như vậy, các nhà địa chấn học đã cảnh báo về một “siêu động đất” tại Rãnh Nankai với cường độ có thể vượt quá 9 độ richter trong vài thập kỷ tới, xác suất là 70 - 80% khả năng xảy ra. Rãnh Nankai là một rãnh chìm dài 700 km hình thành khi các mảng kiến tạo trượt qua nhau.

Theo Ủy ban Nghiên cứu Động đất Nhật Bản, mảng kiến tạo dưới Biển Philippine đang dần trượt xuống bên dưới mảng lục địa nơi có Nhật Bản, dịch chuyển vài cm mỗi năm. Tại Rãnh Nankai, các trận động đất nghiêm trọng được ghi nhận với tần suất 100-200 năm/lần. Trận động đất cuối cùng như vậy xảy ra vào năm 1944 và 1946, cả hai đều có độ mạnh 8,1 richter, khiến ít nhất 2.500 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương, hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy.

Tuy nhiên, những dự báo này đã phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ một số khu vực. Giáo sư Yoshioka cho rằng, con số 70-80% có thể là quá cao. Trong khi đó, Robert Geller, nhà địa chấn học và giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo, nghi ngờ về trận động đất ở Rãnh Nankai. Ông lập luận rằng, động đất không xảy ra theo chu kỳ mà có thể xảy ra ở bất kỳ địa điểm và thời gian nào. Điều này có nghĩa là có rất ít cơ sở tính toán khi nào trận động đất tiếp theo sẽ xảy ra dựa trên thời điểm những trận động đất trước đó xảy ra.

Người dân chuẩn bị sẵn sàng

Bất chấp sự phản đối từ một số nhà khoa học, người dân Nhật Bản chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi trong việc chuẩn bị trước các trận động đất lớn tiềm tàng. Yota Sugai, một sinh viên đại học 23 tuổi cho biết, sau trận động đất ngày 8-8, anh lập tức dự trữ nguồn cung cấp khẩn cấp như thực phẩm và nước uống, theo dõi bản đồ trực tuyến về các khu vực nguy hiểm và cân nhắc việc đến thăm người thân ở các khu vực ven biển, giúp họ lên kế hoạch sơ tán. Tương tự, sinh viên Mashiro Ogawa, 21 tuổi đã chuẩn bị bộ dụng cụ khẩn cấp trong nhà, chuyển các kệ ra khỏi giường và hạ thấp chiều cao của chúng. “Trước đây những điều này rất xa lạ, nhưng bây giờ cảm nhận rất thực tế”, Ogawa nói.

Một phần lý do khiến người dân Nhật Bản coi trọng vấn đề này là những mất mát nặng nề sau mỗi trận động đất lớn. Thảm họa năm 2011 đã để lại tổn thương tâm lý và càng trở nên trầm trọng hơn bởi những trận động đất lớn cứ vài năm lại xảy ra một lần. “Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều chứng kiến những mất mát bi thảm về người, các tòa nhà bị nghiền nát và sóng thần tàn phá, để lại ấn tượng sợ hãi lâu dài. Tôi nghĩ điều này góp phần đáng kể giải thích tại sao Nhật Bản lại chuẩn bị sẵn sàng như vậy”, Giáo sư Yoshioka bày tỏ.

Mặc dù vậy, bà Megumi Sugimoto, Phó Giáo sư chuyên về phòng chống thiên tai tại Đại học Osaka và Giáo sư Robert Geller đều chỉ ra rằng, trận động đất ở Noto hồi đầu năm 2024 khiến hàng trăm người thiệt mạng đã bộc lộ những lỗ hổng trong hệ thống ứng phó của Nhật Bản. Đó là đôi khi tập trung quá nhiều sự chú ý vào Rãnh Nankai, người dân khu vực khác lại không được chuẩn bị tốt, dù bất kỳ khu vực nào cũng có thể xảy ra động đất bất ngờ.

Yến Chi / ANTĐ