Nhập khẩu thịt gà tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Chất lượng thịt gà nhập khẩu ra sao, liệu Việt Nam có thành nơi tiêu thụ hàng tồn đọng lâu năm của các nước?
Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215,7 nghìn tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Câu hỏi đặt ra là chất lượng thịt gà nhập khẩu ra sao? Liệu Việt Nam có thành nơi tiêu thụ hàng tồn đọng lâu năm của các nước?
Theo Bộ Công thương, Việt Nam nhập khẩu thịt gà các loại từ Hoa Kỳ, bình quân chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu; tiếp theo là Brazil chiếm 13,1% và Hàn Quốc chiếm 12,3%. Thịt gà nhập khẩu tập trung vào hai loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt (mã số HS 020712 và mã số HS 020714), chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà; trong đó, đùi gà chiếm tỉ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%); tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%), các bộ phận khác (5,8%).
Trước câu hỏi đặt ra là liệu chất lượng thịt gà nhập khẩu có đảm bảo an toàn, Bộ Công thương cho biết: Việc quản lý nhập khẩu đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn nói chung và thịt gà nói riêng hiện nay được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ cho phép nhập khẩu từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam; Tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y, tiêu chuẩn và mức giới hạn cho phép đối với vi sinh vật có hại, tồn dư hóa chất độc hại đối với thịt nhập khẩu được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.
Theo đó, các lô hàng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu phải thực hiện lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập, không cho phép đưa về bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm; được các cơ quan thú y cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn nhiệt độ bảo quản... Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu và được thông quan, các doanh nghiệp nhập khẩu có thể bán trực tiếp thịt nhập khẩu cho các cơ sở kinh doanh, nhà hàng… hoặc vận chuyển về kho bảo quản bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y để tiêu thụ dần.
Bộ Công thương cũng nhấn mạnh: Việt Nam nhập khẩu thịt gà từ các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc..., việc nhập khẩu được kiểm tra nghiêm ngặt theo quy định, quy chuẩn của quốc tế và Việt Nam, nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Việt Nam cũng kiên quyết bảo vệ sức khỏe người dân và an toàn cho ngành chăn nuôi, không để các mặt hàng cận "đát", hàng kém chất lượng xâm nhập vào đất nước.