Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10: Suy ngẫm về doanh nhân tuân thủ pháp luật, làm giàu chính đáng

Một khi có khát vọng làm giàu, sẽ thôi thúc doanh nhân tìm kiếm mọi cơ hội để đầu tư, làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội, góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Tất nhiên, để doanh nghiệp tồn tại, phát triển bền vững, doanh nhân biết tôn trọng, chấp hành nghiêm pháp luật…

1. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có “thằng bán tơ”. Chỉ xuất hiện một lần (Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ) sau đó bặt tăm suốt 3.254 câu Kiều nên chẳng ai biết tên tuổi, họ hàng, quê hương bản quán của hắn. Thực ra trong nguyên truyện (Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân), có tên bán tơ mua đồ mất trộm, bị tra tấn, xưng bậy ra là đã gởi đồ tang vật ở nhà Vương Ông - cha của Thuý Kiều. Lời tố bậy, khai xằng của hắn đã tạo cái cớ cho bọn cướp ngày xông vào đập phá, vét sạch sành sanh của cải gia đình Kiều; hơn thế nữa, cha và em trai Kiều bị trói, đánh đập dã man, đẩy vào chốn lao tù; em gái là Thúy Vân phải làm nghề khâu vá thuê; còn Kiều phải bán mình chuộc cha, nếm trải biết bao đau đớn, ê chề…

1
Chỉ vì lời khai bậy của "thằng bán tơ", gia đình Thuý Kiều bị đẩy vào nghịch cảnh...

“Thằng bán tơ” có phải là do bọn quan lại dựng nên, làm cớ để tấn công người lương thiện, hay đó là tên gian thương có thật? Nếu thật thì tại sao Thúy Kiều không báo oán hắn, cùng với việc vạch mặt lũ quan trên khép tội bừa để ăn đút, ăn lót? Giờ hậu thế vẫn đau đầu đặt dấu hỏi, nhưng nói gì thì nói, trong mắt của đại thi hào và những người yêu quý Truyện Kiều, chắc chắn “thằng bán tơ” không phải là người tốt rồi.

Trong kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam, tôi cũng thấy thấp thoáng bóng dáng của nhiều “con phe”, “con buôn” với bản chất gian ngoan, bất lương, chễm chệ giẫm trên pháp luật, đạo lý và rốt cuộc đều phải trả giá đắt.

Đi ăn xin về khuya, thấy hai con trâu húc nhau chí tử, đoán biết ấy sắp có điềm xấu, nên có bao nhiêu tiền chôn, anh ta đào lên đong gạo tất cả. Quả nhiên, chẳng bao lâu sau, một trận lụt kinh khủng xảy ra, mùa màng bị thiệt hại, nhà cửa và súc vật đều trôi nổi, nạn đói đe dọa khắp mọi nơi. Dân tình cùng kiệt nhất là khi giá gạo tăng lên gấp chục rồi trăm lần nhưng không ai có gạo để bán, anh ta bắt đầu “ném” số gạo tích trữ của mình ra. Có những nhà giàu chấp nhận đổi một thỏi vàng để chỉ lấy một đấu gạo. Có tiền, anh ta đem cho vay một vốn năm bảy lớp lãi… Trong chuyện vừa kể, tác giả dân gian đã đưa ra cái kết đắng dành cho Thạch Sùng – nhân vật chính trong truyện cổ tích, một “thương nhân” có lòng tham không đáy, nhẫn tâm kiếm tiền trong nỗi thống khổ của biết bao người…

2
Vì lòng tham vô đáy, một "thương nhân" sau khi chết đã bị biến thành thạch sùng.

Trong truyện Mụ Lường, nhân vật chính có tên “cúng cơm” không rõ là gì nhưng do lắm mánh khoé, lừa gạt nên bị người ta quen gọi là “mụ Lường”. Chiêu trò phổ biến là hễ thấy có thuyền buôn cập bến, mụ liền “giăng bẫy”. Ra vẻ hào phóng, đón khách vào nhà cao cửa rộng, thết đãi nhiều món ngon, vật lạ, nhưng mụ đồng thời lặng lẽ sai thuộc hạ xuống thuyền giả vờ xin xem hàng, thực chất là để lén bỏ con rùa làm bằng vàng lên tàu, chờ khi khách lui gót thì hô hoán lên rằng nhà mụ mất tài sản quý, mời “quan làng” lại chứng kiến cảnh lục soát tàu. Nhiều chủ thuyền buôn bị “sập bẫy”, không chỉ mất tiền của, phương tiện sau sự thách thức, đánh cược do mụ bày ra mà còn bỗng dưng trở thành bề tôi tớ, hầu hạ phục vụ nhà mụ. Một lần, chiêu trò lừa bịp này của bị vạch trần, mụ thua cược, mất hết tài sản và đã nhảy xuống biển tự tử.

Nếu như tên gian thương đầu cơ tích trữ, cho vay lãi nặng sau khi chết tức chết tưởi khi chỉ trong phút chốc “tay trắng lại hoàn trắng tay”, bị hóa thành con thằn lằn (thạch sùng), thỉnh thoảng chắt lưỡi kêu lên mấy tiếng; còn mụ Lường bị biến thành con cá he, cứ ngoi lên lặn xuống như muốn tìm lại số của cải đã lừa được khi còn ở trần gian…

Cũng trong kho tàng Chuyện cổ tích Việt Nam, còn không ít thương gia phi đạo đức, bị tác giả xử nặng tay ở đoạn kết. Như tên gian thương Lý Thông, dù vua cho bắt giam, giao cho Thạch Sanh được quyền xét xử, trừng phạt nhưng khi hắn ta được tha về quê nhà làm ăn, đi dọc đường thì bị sét đánh chết. Anh lái buôn hương trong Cô gái lấy chồng hoàng tử đã phải trả giá vì hổ vồ. Vợ chồng nhà buôn trong truyện Cái cân thủy ngân, dù đã biết dừng lại, sám hối nhưng vẫn bị “bề trên” trừng phạt theo “luật nhân quả”, cho 2 con trai bỗng ngã ra chết.

2. Từ chỗ không có tên gọi đàng hoàng trong từ điển tiếng Việt, xuất hiện trong mắt của người dân gắn với những câu chuyện xấu xa, làm giàu bất lương; thậm chí ngay “đêm trước Đổi mới”, từng là đối tượng trong các cuộc cải tạo công thương nghiệp, bị xem là “con buôn”, “con phe”, giờ doanh nhân Việt đã được nhìn nhận, khẳng định là một lực lượng quan trọng, hùng hậu, giữ vai trò động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Họ là “chiến sĩ xung kích”, “đứng mũi chịu sào”, tổ chức, quản lý điều hành hàng trăm nghìn doanh nghiệp để cùng chung tay chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Kinh tế đất nước ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới, do vậy, doanh nhân Việt phải đủ sức trong những cuộc chơi sòng phẳng; không thể mãi kiểu “ăn xổi ở thì”, làm ăn manh mún, chụp giật. Đặc biệt, để thực hiện sứ mệnh - khát vọng vẻ vang vừa kể trên, bên cạnh sự quan tâm từ phía nhà nước, nhất là trong việc không ngừng hoàn chỉnh pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, mỗi doanh nhân phải xác định cho mình một tâm thế, trước hết là vững vàng trước “sóng gió” khốc liệt của thương trường.

“Nói thì rất dễ, rất suông, nhưng để làm được việc đó rất khó, chẳng khác một cuộc lột xác. Và ai cũng biết, cuộc lột xác nào cũng đau đớn”, một doanh nhân tại TP Hồ Chí Minh bộc bạch và ông cũng đồng quan điểm với tôi, nếu không lột xác thì cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Chịu đau, vượt khó để lớn thêm. Và phải lớn, thêm nhiều trí tuệ mới đủ sức nắm bắt, theo kịp thời cơ mới, mang lại lợi ích cho chính mình, cho đất nước…

Cũng liên quan đến doanh nhân, dư luận hiện đang rất quan tâm thực trạng đó là gần đây, hàng loạt “ông chủ” tên tuổi đã bị vướng vào lao lý. Mới ngày hôm trước, còn được ca tụng đình đám là “người thành đạt”, sao nọ, sao kia, đứng trên vị trí vinh danh cao nhất đón chứng nhận danh giá…, nhưng chỉ sau một đêm, nhiều doanh nhân xộ khám bởi nhiều hành vi, trong đó có “lừa đảo”,… Thực tế, thái độ đứng trên pháp luật của chính các “đại gia nghìn tỷ” đó đã hình thành từ lâu. Và có nhiều nguyên nhân họ tồn tại theo năm tháng, đến nay mới bị phanh phui.

4
Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC trước lúc bị bắt.
5
Bị can Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
6
Trước khi "xộ khám", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan được xem là một trong những doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam.

Trong chuyện hàng loạt doanh nhân liên tục bị xộ khám, có luồng ý kiến chung chung, như oán trách rằng: “Làm quá chẳng ai dám đầu tư, làm ăn gì”. Tôi cho rằng đấy là nhận thức không đúng. Riêng từ hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó Công an là lực lượng chủ công việc bắt, khởi tố bị can cần được hiểu theo hai khía cạnh. Trước tiên, đó là việc điều tra, làm rõ hành vi của cá nhân doanh nhân đó vi phạm pháp luật để truy tố, tòa xử lý người có tội. Ở khía cạnh rộng hơn, việc xử lý tội phạm là doanh nhân nhằm làm trong sạch nội bộ, để doanh nghiệp đó hoạt động đúng quỹ đạo của pháp luật, đảm bảo môi trường kinh doanh đúng đắn, minh bạch...

3. Tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta”. Tất nhiên, góp vào thành tựu đó có vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân.

Để tiếp tục thành tựu đáng tự hào đó, có rất nhiều điều cốt lõi mà các doanh nhân phải tập trung nhất là trong tái cấu trúc lại doanh nghiệp mình. Để phát triển bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, một trong những điều cần lưu ý hiện nay, doanh nhân phải tuân thủ pháp luật. Yêu cầu này tưởng như là điều hiển nhiên nhưng nội hàm của nó lại chứa đựng nhiều vấn đề đòi hỏi được giải quyết mang tính lộ trình. 

Để trao tặng “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết có nhiều tiêu chí bình chọn, và đạo đức doanh nhân là tiêu chí hàng đầu. Theo đó, các tiêu chí mà VCCI công bố gồm: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội, tuân thủ pháp luật, minh bạch, công bằng, tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Tôi từng đọc đâu đó câu châm ngôn Do Thái, đại ý rằng hãy dám tạo nên cái mới nhưng phải nằm trong phạm vi cho phép. Doanh nhân Do Thái được xem là “bậc thầy” của việc vừa tuân thủ pháp luật lại vừa tìm cách lợi dụng pháp luật đến mức có thể. Chính vì thực tế này mà người Do Thái quan niệm, muốn kiếm tiền bằng kinh doanh thì nhất định phải thông hiểu luật pháp. Chỉ riêng việc chấp hành pháp luật về thuế, doanh nhân Do Thái cho rằng đấy là sự ký kết giao kèo giữa họ với nhà nước. Vì vậy, họ không bao giờ trốn thuế bởi như thế là vi phạm giao kèo và sẽ bị… thần thánh trừng phạt.

Ở Việt Nam ta, giờ đã hình thành một tín hiệu rất tích cực, như là mặc định. Đó là  nếu ai vi phạm pháp luật, sẽ bị xử ngay, xử nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ… Có công thì thưởng, có tội thì trừng.

Từ thực tế này cho thấy, không phải bây giờ mà từ trước đó, vai trò của doanh nhân đã được Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta đánh giá rất cao, có khác chỉ là khác tên gọi…

Cảm nhận sâu sắc điều đó sẽ giúp mỗi doanh nhân có thêm niềm tin, tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm và tiếp thu những thành tựu của nhân loại. Một khi có khát vọng làm giàu, sẽ thôi thúc doanh nhân tìm kiếm mọi cơ hội để đầu tư, làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội, góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Tất nhiên, mọi nỗ lực để doanh nghiệp được tồn tại, phát triển bền vững, làm giàu chính đáng chỉ có thể xảy ra một khi doanh nhân biết tôn trọng, chấp hành nghiêm pháp luật…

Cách nay 47 năm, cụ thể vào ngày 13/10/1945, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thư gửi giới Công thương. Thư có đoạn viết: “Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…”. Về sau này, cụ thể ngày 20/09/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 hằng năm làm ngày tôn vinh Doanh nhân Việt Nam.

Thái Bình / CAND