"Điều tôi trăn trở không kém gì việc tìm kiếm chất liệu, ấy là tìm kiếm ca sĩ có thể “bắt sóng” được mình. Hiển nhiên là nếu không có ca sĩ ăn ý, thì ca khúc hoặc sẽ không đến được với khán giả, hoặc nếu có đến được thì cũng là một cách méo mó" - Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ.
Chỉ cần đúng một lần là đủ, còn sau đó là... “việc của mày”!
Là một nhạc sĩ được cho là “dương khí cuồn cuộn”, với rất nhiều tác phẩm được yêu thích thuộc về hai mảng lớn: Tây Nguyên và Đồng bằng Bắc Bộ, vậy mà ở tuổi 73, ông mới lần đầu tiên tổ chức live show riêng và ở tuổi 75 mới làm một album riêng, trong khi đây đã là live show thứ 10 và là album thứ 8 của Tùng Dương. Vì sao ông... đủng đỉnh thế?
- “Hà Nội không vội được đâu”, nên cứ từ từ, chả đi đâu mà vội! Nhạc của tôi tuy được biết thế thôi nhưng thật ra là kén cả người nghe lẫn người hát đấy! Muốn làm gì cũng phải có “thiên thời địa lợi”, âu cũng là chữ “thời” trong Kinh Dịch.
Trước, mảng Tây Nguyên thì đã có Y Moan, Siu Black; giờ tới mảng Đồng bằng Bắc Bộ dù hồi giờ từng có ca sĩ này kia thể hiện, nhưng phải đến Tùng Dương thì mới có thể làm nguyên cả một vệt thế này. Trong đó có những bài phải nói là rất nặng, chắc chỉ có Tùng Dương mới “cân” nổi. Album này có 10 bài thì chắc phải chia làm nhiều lần nghe, mỗi lần chừng 2 - 3 bài, chứ nghe luôn một mạch sợ khéo là mệt đấy! Hầu như bài nào cũng phải phối đi phối lại, thậm chí thu đi thu lại cho đến lúc ra được bản phối, bản thu ưng ý nhất, nên 10 bài ấy đã phải thu ròng rã trong suốt 2 năm qua. Có những tác phẩm nặng (về cả tính tư tưởng lẫn thách thức về quãng giọng, với những nốt cao chót vót, nằm ngoài quãng giọng của Tùng Dương), tới mức Dương gần như phải “ngã vật” ra trong phòng thu, cho đến lúc làm kỳ được. Rồi ngay cả hình thức của album cũng được làm kỹ lưỡng và trang trọng nhất có thể. May sao kịp phát hành vào đúng dịp ý nghĩa này: Live show “Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng”.
Hai người hát nhạc Nguyễn Cường thành công nhất là Y Moan thì đã khuất núi, Siu Black thì đã gần như ẩn dật... Giờ có Tùng Dương, dù chỉ mới gánh giúp ông 1 trong 2 mảng, liệu đã đủ để ông thở phào?
- Y Moan và Siu Black quả đúng là hai người hát nhạc của tôi tuyệt vời nhất. Họ đã làm được một việc rất đặc biệt cho tôi và cho cả chính họ. Ai cũng bảo một đời nhạc sĩ mà gặp được hai giọng hát rút ruột, ở mức tri âm tri kỷ như thế thì đã là một may mắn lớn rồi, nay lại còn có thêm Tùng Dương. Vậy là mỗi một thời đoạn, tôi lại may mắn gặp được một giọng hát “ruột” cho riêng mình.
Điều tôi trăn trở không kém gì việc tìm kiếm chất liệu, ấy là tìm kiếm ca sĩ có thể “bắt sóng” được mình. Hiển nhiên là nếu không có ca sĩ ăn ý, thì ca khúc hoặc sẽ không đến được với khán giả, hoặc nếu có đến được thì cũng là một cách méo mó. Tôi dễ phải có đến hàng trăm bài hát nằm trong ngăn kéo, nhưng vì sao chỉ có khoảng độ hơn 20 bài được biết đến rộng rãi (chừng 10 bài về Tây Nguyên và 10 bài về Đồng bằng Bắc Bộ), ấy chính là nhờ vào người hát, và những nhạc sĩ phối khí. Tôi biết có nhiều tác giả cũng có rất nhiều những “bài hát nằm trong ngăn kéo” như thế, nhưng bi kịch của họ là không gặp được ca sĩ. Và nếu vậy, tất cả sẽ chỉ ở dạng tư liệu mà thôi.
Thông tin hậu trường cho hay: Trong quá trình thu album, họ “mệt” vì Tùng Dương hơn là vì ông. Ông dễ tính, ngay cả khi cơ hội làm một album “để đời” kiểu như này là đếm trên đầu ngón tay, với một nhạc sĩ?
- Tôi có dễ tính hay không thì bạn nghe sáng tác của tôi là biết. Nhưng cách làm việc của tôi trước nay là thế, không chỉ với Tùng Dương. Nếu như cái “lão” Phó Đức Phương bạn tôi luôn “đau khổ vật vã” nắn từng chữ từng dòng thì tôi chỉ cần hát một lần đúng, trước mặt tôi, là đủ, còn sau đó thì là việc của “mày”. Riêng Tùng Dương, chỉ cần một lần nó làm tôi phục sát đất, là đủ để tôi tin sái cổ. Ấy là lúc hát đến câu: “Giang sơn một gánh giữa dòng/ Thuyền quyên (ứ hự), anh hùng nhớ chăng” trong bài “Đàn cầm dây vũ dây văn”, tới lần 2, cháu nó bỗng dưng tự ý bỏ mất 1 từ “chăng” cuối cùng, để vắt từ “nhớ” lên chót vót, đẩy đau đớn khắc khoải lên đến tận cùng, khiến mọi sự bỗng như dừng hết cả lại. Lúc đầu tôi cũng không hiểu vì sao Dương làm thế, hay là nó quên, nhưng Dương thì có quên cái gì bao giờ, chỉ trừ khi là cố ý. Siu Black, Y Moan cũng đã từng bỏ bớt từ, thậm chí bớt câu của tôi, nhưng đây phải nói là một sáng tạo ghê gớm, một sự thông minh xuất sắc của Tùng Dương! Cháu nó giỏi quá, thật sự mà nói là như thế!
“Đàn ông chịu chết vì quê hương là nhiều, mấy anh chịu chết vì... tình!”
Đã bao giờ ông nghĩ đến việc trộn Tây Nguyên với Đồng bằng Bắc Bộ - hai chất liệu mà ông sở trường?
- Con lai thì thường đẹp, đúng không? Bản thân tôi khi mang cái chất trai Hà Nội của mình vào được đến Tây Nguyên, “ăn ở” với núi rừng, thì đó vốn dĩ cũng đã là một cuộc “hợp huyết”. Trong nghệ thuật, chỉ có hợp huyết mới mong có được cái lạ! Trộn được cho khéo thì cứ trộn, vấn đề là anh có đủ bản lĩnh, năng lượng, cá tính để làm chủ cái cuộc “hợp huyết” đó hay không mà thôi. Khi tôi được mời đến một trại sáng tác, nhìn thấy dòng chữ: “Trại sáng tác phát triển dân ca Nghệ - Tĩnh...”, tôi bèn nói luôn: Dân ca nó vĩ đại lắm, các ông không “phát triển” thêm được đâu, mà chỉ có thể kế thừa, kiếm tìm cảm hứng và thoát thai từ nó mà thôi.
Bắc Bộ, Tây Nguyên – hai đầu đủ cả, vì sao ông lại bỏ qua “khúc ruột miền Trung” quê tôi, nơi cũng “có cái nắng, có cái gió, có cái đó...”?
- Ai bảo? Chẳng qua là bạn không nghe đủ đấy thôi, chả những “Hành hương về xứ Nghệ”, “Về khóc Tố Như”... là gì!
Ơ, sao nó... không nổi?
- À không nổi thì đó là... việc của nó! Bài hát, nó có mệnh.
Cuối cùng thì đất phải chịu ơn người hay người phải chịu ơn đất đây?
- Ngày trước, tôi từng bám càng, ăn theo Trần Tiến để được mời lên Tây Nguyên đi thực tế, gọi là “thêm đũa, thêm bát”. Ai dè ông bạn tôi, ông ấy ham chơi, được chừng 3 - 4 ngày thì lộn về Sài Gòn, còn cái thằng lặn lội từ Hà Nội vào thì lại quyết ở lại hẳn 7 tháng, khiến cái ông “đặt hàng” (Trưởng đoàn ca múa Đắk Lắk) cú lắm, bụng nghĩ: “Trời ơi, được miếng thịt thì nó bong mất, giờ vứt lại miếng xương bắt tao phải gặm!”. “Miếng xương” ấy, chính là toàn bộ mảng sáng tác về Tây Nguyên của tôi, như các bạn đã biết. Xương mà thành thịt được, ấy là tôi phải chịu ơn Tây Nguyên, chịu ơn Trần Tiến, và cả cái ông Trưởng đoàn từng phải “chịu đựng” tôi kia (cười)...
7 tháng, chắc vì... mê cô nào? “H’Ren lên rẫy”?
- Không ạ, Tây Nguyên nó vĩ đại lắm chứ, cả một nền văn hóa cơ mà! Mê văn hóa thì mới mê được lâu thế, chứ đàn bà thì... À ừ thì đồng ý, đàn bà rất hay, nhưng có khi chỉ cần 1 tuần, 2 tuần, hoặc nửa tháng là cùng, chứ làm gì mà phải mê đến tận 38 năm sau thế này! Các bạn nghĩ đi, đàn ông chịu chết vì quê hương là nhiều, mấy anh chịu chết vì... tình (cười)
Không ít ca từ của ông đã được chế thành những dị bản vui, chẳng hạn: “Có cái nắng, có cái đó, không nên cho, không nên cho... tùm lum”. Vậy, đã bao giờ ông... “đi cho tùm lum”?
- Ôi không! Có mỗi cái đó để cho, phải kiêu chứ, ha ha!
Nhạc sĩ Đức Huy \'khoe\' vợ kém 44 tuổi và con trai
Tác giả ca khúc "Và tôi cũng yêu em" đến dự buổi ra mắt chương trình Người hát tình ca cùng vợ trẻ và con ... |
Lê Minh Sơn phát ngôn \'Anh yêu em\' là từ ngữ tầm thường, nhạc sĩ trẻ nói gì?
“Cái hay, cái khéo của 1 người nhạc sĩ nằm ở chỗ “làm sao không cần nói thẳng ra nhưng ai nghe cũng hiểu được ... |
Vĩnh biệt tác giả ca khúc ‘Nơi đảo xa’
Nhạc sĩ Thế Song, tác giả của ca khúc Nơi đảo xa, đã từ trần vào hồi 18 giờ 5 phút ngày 20.5, sau thời ... |