Vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã có đơn gửi tới Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam(VCPMC) đề nghị trợ giúp pháp lý khi tác phẩm của mình khai thác trái phép. Ngay sau đó, nhạc sĩ Hoài An cũng đã có phản ứng tương tự. Phóng viên báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Hoài An xung quanh vấn đề này.
Nhạc sĩ Hoài An. Ảnh NVCC
Thưa nhạc sĩ Hoài An, mới đây nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng đã có đơn gửi VCPMC và báo chí vì bị Sky Music vi phạm quyền tác giả đối với 185 tác phẩm. Hoài An có nằm trong số các tác giả đang lên tiếng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chính mình?
Khoản 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005: “Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả…8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quyđịnh tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.”(trích) |
-Tính đến thời điểm tháng 04.2018 tôi có hơn 600 ca khúc đã phát hành, và hiện nay chỉ có VCPMC là đại diện hợp pháp duy nhất cho việc khai thác tất cả các ca khúc của tôi. Hầu hết các nhạc sĩ đồng nghiệp cũng vậy. Tôi cảm thấy hài lòng, vì thu nhập thụ động từ VCPMC đã đủ để trang trải cuộc sống của gia đình, nếu muốn tôi có thể "nghỉ hưu sớm" cũng vẫn được.
Tuy nhiên, tôi vẫn phát hiện tác phẩm của mình bị sử dụng không phép, với tình huống là các ca sĩ trẻ tôi thường chỉ nhắc liên lạc với VCPMC để được cấp phép đúng quy định, đồng thời tôi gửi đường link vi phạm đến bộ phận cấp phép của VCPMC; hoặc là tôi báo trực tiếp với VCPMC.
Trong một số trường hợp, các nhạc sĩ phải tạo tài khoản hay thậm chí bỏ tiền mua ứng dụng về tìm những bài của mình rồi chụp màn hình lại làm bằng chứng. Vì khi "có chuyện" là họ gỡ nhạc nhanh lắm. Nghĩ cũng lạ, bài của mình mà mình phải làm vậy. Trong khi họ xây dựng cơ sở dữ liệu mấy chục ngàn bài nhạc của các tác giả mà không xin phép.
Dữ liệu được ghi nhận từ trang chủ Sky Music có các tác phẩm của nhạc sĩ Hoài An.
Hiện nay tình trạng vi phạm Sở hữu trí tuệ đang diễn ra tràn lan, trong đó có lĩnh vực âm nhạc, hẳn anh quan tâm đến vấn đề này?
-Thật ra, dù còn tồn tại một vài vụ "cố tình không hiểu" hoặc chây ì trong vấn đề thanh toán thì nhìn chung tình hình thực thi bản quyền âm nhạc tại Việt Nam rất tốt.
Hiện nay hầu hết các nhạc sĩ đã uỷ thác tất cả tác phẩm của mình cho Trung Tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (gọi tắt là VCPMC), tôi cũng không ngoại lệ, thậm chí còn may mắn là một trong những tác giả ký kết sớm nhất. Các hình thức kinh doanh âm nhạc đều có biểu phí rõ ràng, trường hợp đặc biệt thì VCPMC sẽ liên lạc với tác giả để hội ý.
Luật sư Trần Nam Trung: Nhạc sĩ Võ Đại Hoài An (bút danh:Hoài An) là tác giả thành viên VCPMC. Theo đó, VCPMC có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả theo quy định tại Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện việc Sky Music tự ý sử dụng các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoài An, VCPMC tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan, đồng thời VCPMC chủ động liên hệ với nhạc sĩ Hoài An để xác minh rõ sự việc. Nhạc sĩ Hoài An khá bức xúc khi các tác phẩm của mình cũng như quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nhạc sĩ kiến nghị VCPMC cần có biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sky Music. Việc Sky Music không xin phép, không trả tiền nhuận bút cho chủ sở hữu quyền tác giả khi khai thác, sử dụng tác phẩm là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Khoản 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. |
Gần đây có một số hình thức kinh doanh nhạc như: nghe nhạc online (có hay không có thu phí, có đặt quảng cáo); các app nghe nhạc trên điện thoại dùng nền tảng Android, iOS; các ứng dụng thu âm, hát karaoke trên điện thoại; thu âm, hát karaoke trên trang web; vv.... đã sử dụng trái phép những tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam và cả quốc tế. Điều này vi phạm nghiêm trọng đến tình hình thực thi bản quyền âm nhạc theo Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật có hiệu lực tại Việt Nam từ 26.10.2004.
Luật Sở hữu trí tuệ rất chặt chẽ, tuy nhiên việc thực thi nhất là đối với bản quyền âm nhạc đang còn nhiều kẽ hở để các tổ chức, cá nhân cố tình xâm phạm. Theo anh làm cách nào để bảo vệ tốt nhất quyền tác giả vì sự phát triển chung của xã hội?
-Vấn đề đầu tiên là nhận thức, trong cuộc sống nếu là người tử tế, trước khi đụng đến những gì không phải của mình, thì phải hỏi ý kiến của người sở hữu, cho dù chỉ là mượn một cây viết. Âm nhạc và tác giả cũng cần được đối xử tử tế, tiếc là hiện tại có một số vi phạm bản quyền âm nhạc, đặc biệt là đối với các ứng dụng nhạc trên điện thoại di động.
Với sự uỷ thác của hàng ngàn nhạc sĩ, có thể nói VCPMC có được sự đồng thuận gần như tuyệt đối và là đơn vị duy nhất đại diện việc cấp phép ca khúc cho tất cả các hình thức kinh doanh âm nhạc.
Tôi thì tôi nghĩ thế này: "Tôn trọng bản quyền để cùng nhau phát triển khi kinh doanh âm nhạc".
Nhạc sĩ Hoài An: Chúng ta phải lên tiếng vì lẽ phải. Ảnh NVCC
192 tác phẩm của nhạc sĩ Hoài An đang bị Sky Music vi phạm quyền tác giả.
Các cụ có câu “Có thực mới vực được đạo” - thực thi bản quyền tốt mới tạo đà khơi gợi sức sáng tạo của nhạc sĩ, phải vậy không thưa anh?
-Tôi nói thật, nghệ sĩ (chân chính) cũng phải sống. Có sống được mới sáng tạo được. Nhiều ca sĩ chỉ cần có một bài "hit", đi show vài tháng sau mua nhà mua xe là chuyện bình thường. Còn tác giả của mấy bài "hit\' đó thì toàn được mời lên sân khấu nhận hoa, nhận mấy tấm bảng cảm ơn, rồi về. Vui vui mấy ngày lại đối diện "cơm - áo - gạo - tiền". Một số nhạc sĩ may mắn có được nhiều ca khúc được đón nhận thì còn đỡ. Nếu những tác giả có ít bài hát, cuộc sống của họ bấp bênh như thế nào, còn gia đình họ nữa? Vậy mà người ta kinh doanh lại "né" bản quyền âm nhạc, thật buồn!
Bỏ qua chuyện cơm áo gạo tiền, anh có thể chia sẻ về những dự án âm nhạc của năm nay?
-Hiện nay tôi làm Giám đốc âm nhạc của một số gameshow ca nhạc trên truyền hình, và tiếp tục viết nhạc.
Bên cạnh đó, năm 2018 sẽ là một năm đầy hứng khởi vì tôi đang thực hiện 52 video ca nhạc đầu tiên trong chương trình Âm Nhạc và Trẻ Thơ (iKIDS Muzik), kết hợp giáo dục - giải trí cho thiếu nhi. Đây là một chương trình tôi rất tâm huyết và đã theo từ cuối 2009 đến nay.
Nhạc sĩ Hoài An sinh năm 1977, không chỉ là nhạc sĩ sáng tác, phối khí, viết nhạc nền, ca khúc cho phim truyện, phim truyền hình nhiều tập, quảng cáo TV, các dự án truyền thông - game - web. Nhạc sĩ Hoài An là đồng sở hữu Công ty Nghệ sĩ Việt, chuyên cung cấp bản quyền nhạc số, sáng tác nhạc cho quảng cáo TV, chương trình truyền hình, phim, game..., tổ chức sự kiện và chương trình biểu diễn, quản lý nghệ sĩ & trung tâm đào tạo nghệ thuật và kỹ năng sống. Anh đã và đang cộng tác với Trung tâm Thúy Nga được hơn 15 năm; làm Giám đốc Âm nhạc của các chương trình: Gương mặt thân quen, Thần tượng Âm nhạc, Ca sĩ giấu mặt mùa 2,Mặt Nạ Ngôi Sao (King of Mask Singer), Làn Sóng Xanh,Giải Ấn Tượng - báo Mực Tím,Giải Mai Vàng báo Người Lao động. Ngoài ra Hoài An còn làm Đại sứ của nhiều thương hiệu nổi tiếng. Nhiều tác phẩm của anh được trao giải thưởng như:Nghệ sĩ được yêu thích nhất - Nhà văn hóa Thanh Niên 2003;VTV - Bài hát tôi yêu 2003, 2004, 2005;Giải Ngôi sao Bạch Kim - báo Màn ảnh Sân khấu năm 2007;10 năm Làn Sóng Xanh 1998-2008. |
Đạo nhạc - mọi phê phán, chỉ trích đều vô ích?
Là một trong những người tích cực phê phán nạn đạo nhạc nhiều năm trước đây, song chính nhạc sĩ Trần Minh Phi cũng lắc ... |
“Nhật ký của mẹ” được trả tác quyền 5.000 USD cho 1 lần biểu diễn
Cảm xúc sáng tác khởi nguồn chỉ đơn giản là mong muốn tặng mẹ của mình 1 món quà sinh nhật, song nhạc sĩ Nguyễn ... |
Vi phạm bản quyền lại xuề xòa cho xong
Chuyện các nghệ sĩ sử dụng ca khúc khi chưa xin phép bản quyền từ tác giả lâu nay đã không còn là chuyện hiếm. ... |