Đại diện nhà sản xuất cho biết, đơn vị này mong muốn có thể phổ biến rộng rãi phim thông qua hệ thống trường học, đến với thầy cô giáo và học sinh.
Mới đây êkip sản xuất phim “Đại thi hào Nguyễn Du” đã có một buổi chiếu “chiêu đãi” giới thiệu phim với một số khán giả yêu mến nhà thơ, nhà văn hóa lỗi lạc Nguyễn Du.
Trước đó, phim đã được cơ quan quản lý văn hóa cấp phép phổ biến từ cuối tháng 5-2021, đơn vị sản xuất cũng đã lên kế hoạch công chiếu tại Hà Nội và một số địa phương vào tháng 7-2021 song thời điểm đó do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên kế hoạch này đành phải hoãn lại. Dịp cuối năm 2021, bộ phim này cũng đã kịp ra mắt và tranh giải tại “Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII”, được giới nghiên cứu văn hóa và khán giả đánh giá cao về cả nội dung lẫn chất lượng nghệ thuật, đặc biệt là có sự tiên phong trong hình thức thể hiện ở thể loại phim tài liệu.
“Đại thi hào Nguyễn Du” là phim tài liệu màu, do Công ty CP Văn hóa Việt Melia sản xuất, có thời lượng 180 phút, được chia làm 3 phần có chủ đề: “Gia thế và tuổi thơ” (tái hiện cuộc đời Nguyễn Du từ khi mới sinh ra cho đến năm 6 tuổi cùng gia đình từ quê ngoại ở Bắc Ninh trở về quê nội Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh); “Phong trần và thanh cao” (nói về giai đoạn từ khi Nguyễn Du trưởng thành, đối mặt với nhiều biến cố bao gồm cả binh biến loạn lạc, thế sự đổi thay, mất mát về gia tộc và gặp nhiều bế tắc trong cuộc sống riêng); “Nghiệp văn và quan trường” (làm sống lại những giá trị bất biến của tác phẩm “Truyện Kiều” và khối di sản văn hóa khổng lồ mà Nguyễn Duđể lại cho muôn đời sau).
Đại diện đơn vị sản xuất phim cho biết, ''Đại thi hào Nguyễn Du'' là cơ duyên tâm linh của TS. Phạm Xuân Mừng - người con quê hương Hà Tĩnh và được làm với tấm lòng tưởng nhớ 200 năm ngày mất của tác giả Nguyễn Du. Đặc biệt, phim được làm với kinh phí lên tới 15 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, trong đó có sự hỗ trợ vô điều kiện từ một Mạnh Thường Quân cùng quê với cụ Nguyễn Du, một người thuộc thế hệ nhiều đời sau rất đỗi trân quý, trân trọng tài năng và nhân cách của vị đại thi hào dân tộc.
Sau khi hoàn thành, “Đại thi hào Nguyễn Du” cũng đã được trình chiếu tại Hà Tĩnh – quê hương của vị tác gia văn học kiệt xuất Nguyễn Du. Tại một số cuộc hội thảo khoa học về phim, nhiều nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật cùng giới chuyên môn đều ghi nhận phim có hàm lượng trí tuệ và văn hóa nghệ thuật sâu sắc.
Ở Việt Nam, việc làm một bộ phim thuộc thể loại phim tài liệu – nghệ thuật như “Đại thi hào Nguyễn Du” còn khá mới mẻ. Vì vậy việc hiện thực hóa thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Nguyễn Du thành 180 phút phim được xem là nỗ lực rất lớn từ phía êkip sản xuất phim. Phim quy tụ sự tham gia của hơn 50 diễn viên chính, trong đó có nhiều gương mặt quen thuộc như: NSƯT Hồ Phong, NSƯT Tạ Tuấn Minh, diễn viên Thiện Tùng, Sỹ Hưng…cùng với đó là gần 1000 diễn viên quần chúng.
Đạo diễn Nguyễn Văn Đức cho biết, quãng thời gian theo học trường điện ảnh VGIK ở Nga (1987 - 1992), anh được học khá kỹ về phương pháp làm phim tài liệu truyện nên đã ấp ủ được thực hiện một bộ phim thể loại này. Song vì đây là thể loại phim khó, lại cần kinh phí thực hiện lớn nên suốt nhiều năm qua, ý định đó vẫn chưa thực hiện được. Nhờ cuộc gặp gỡ bất ngờ với TS.Phạm Xuân Mừng cùng nhà báo Lương Xuân Trường và nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Tuấn vào năm 2018, anh đã có cơ hội bắt tay vào thực hiện bộ phim tài liệu về đại thi hào Nguyễn Du.
Cũng theo đạo diễn Nguyễn Văn Đức, ngay từ đầu êkip sản xuất đã xác dịnh làm ra bộ phim này không phải với mục đích thương mại, mà chủ yếu mong muốn có thể phát hành thông qua hệ thống trường học, đem những thước phim đến với các thầy cô giáo và các em học sinh. Trải qua một vài buổi chiếu “chiêu đãi” khán giả, phía nhà sản xuất cũng đã tranh thủ thăm dò phản hồi từ người xem để nếu được thì sẽ phát hành rộng rãi qua hệ thống rạp chiếu.
“Khi chúng tối tiến hành xây dựng bộ phim này, hình ảnh của cụ Nguyễn Du được tái hiện với ý nghĩa một trong những tác giả đặc trưng cho nền văn hóa nước nhà và êkip sản xuất mong muốn đề cao vấn đề văn hóa thông qua bộ phim này. Thông điệp lớn nhất mà những người làm phim muốn gửi gắm, giống như câu nói mà cha của Nguyễn Du đã nói với ông khi ông còn nhỏ, đó là: một dòng họ lớn mạnh không phải là dòng họ đông người mà là dòng họ có văn hóa lớn, một quốc gia cũng vậy, nếu có nền văn hóa lớn thì sẽ bao trùm thiên hạ.” – đạo diễn Nguyễn Văn Đức chia sẻ.
Cuộc đời gian truân của đại thi hào Nguyễn Du |
Du lịch văn hóa, bước đột phá trên quê hương đại thi hào Nguyễn Du |