Bên cạnh khả năng kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng, công nghệ đã qua xử lý của Trung Quốc cũng đáng lưu tâm.
Xung quanh câu chuyện nhà máy chì thỏi đặt tại thôn An Tri, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) bị người dân phản ánh xả khói thải ra môi trường gây ảnh hưởng hoa màu và máu bị nhiễm chì nặng, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại.
Trao đổi với Báo Đất Việt, TS. Nguyễn Nguyên Cương - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Truyền thông môi trường đánh giá, hoạt động khai thác, chế biến liên quan đến chì đều rất nguy hiểm.
Nếu không quản lý tốt quá trình hoạt động, đặc biệt là xử lý chất thải không cẩn thận sẽ gây ra những thảm họa môi trường, tác động đến môi sinh và sức khỏe con người cực lớn.
Làn khói màu đục ám bụi chì bao phủ quanh nhà máy thôn An Tri. Ảnh: Thanh Niên |
"Nhà máy ắc-quy tại Hải Phòng đã gây ra nỗi lo ngại lớn về ô nhiễm chì ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đó mới chỉ là nhà máy ắc quy, có dùng chì trong quá trình hoạt động.
Nhưng trường hợp này lại là nhà máy chì, chế biến sản phẩm chì thì nguy cơ tác động tới môi trường và sức khỏe con người càng đặc biệt nguy hại" - ông Cương nhận xét.
Theo TS. Cương, nói riêng về ngành công nghiệp chế biến, chế biến từ nguyên liệu chì là loại cần được đặc biệt chú ý bởi tác động của nó tới môi trường, sức khỏe của con người đều rất lớn và đặc biệt nghiêm trọng.
"Bất cứ hoạt động xử lý chất thải ra môi trường cũng cần phải quản lý, giám sát. Trường hợp nhà máy chế biến chì này lại càng đặc biệt quan tâm bởi có yếu tố là công ty liên doanh của Trung Quốc.
Tôi nghĩ các ban ngành cần phải đặc biệt chú ý tới giám sát hoạt động xả thải này. Nếu cấp dưới chưa có năng lực thì để cấp trên, Tổng cục môi trường giám sát chặt chẽ" - TS. Nguyễn Nguyên Cương nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này nhận xét: đã có nhiều trường hợp người bị nhiễm chì ở mức cao đã tử vong, biến chứng. May mắn tại Xã Bình Trung chưa xảy ra điều rủi ro này nhưng nếu không tìm cách kiểm soát, đây là điều khó tránh khỏi.
Cũng bày tỏ lo ngại khi biết nhà máy chế biến chì - vốn là một loại nguyên liệu độc hại được xây dựng tại địa phương, nhưng tới khi sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng mới có sự can thiệp của chính quyền, ông Nguyễn Văn Ban - Hội Khoa học - Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam cho rằng, không thể xảy ra thêm một vụ việc xả chất thải công nghiệp ra môi trường như vậy nữa.
Một nhà máy chế biến khoáng sản, đặc biệt là chì, trước khi được xây dựng tại địa phương đều phải được đánh giá tác động môi trường theo đúng các quy trình, phải được các cơ quan chức năng đánh giá năng lực.
Trong quá trình sản xuất cũng phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ bởi cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, theo như phản ánh từ người dân, đã có các kết quả xét nghiệm máu nhiễm chì rất cao, chứng tỏ tình trạng này đã diễn ra lâu nay và ngày càng tích tụ nguy hiểm. Bởi chì là một trong những kim loại nặng rất độc, nếu bị thải ra môi trường một cách tự do sẽ ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe về cả tinh thần, trí tuệ, sức lực của con người.
Ông Bang cho rằng, cần phải xem xét lại hoạt động của công ty này từ khi đăng ký hoạt động cho tới nay do những cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát, cấp phép...
"Quy trình cấp phép cho công ty này như thế nào? Công ty có yếu tố nước ngoài thì cấp Sở, cấp Trung ương có trách nhiệm tới đâu? Đặc biệt lưu ý, đây là chế biến chì, một loại kim loại rất độc và không thể lơ là kiểm soát.
Nếu cấp tỉnh không đủ khả năng quản lý, viện cớ cho cấp trên thì cấp trên ở đây là ai, trực tiếp xuống chịu trách nhiệm... Nếu cấp phép rồi lại không quản lý được, thì chỉ có người dân phải gánh" - ông Ban nhấn mạnh.
Lo ngại công nghệ Trung Quốc
Cùng những lo ngại này, PGS.TS. Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng, cần đặt nặng yếu tố công nghệ, dây chuyền của nhà máy có yếu tố Trung Quốc bên cạnh khả năng quản lý nhà nước về xử lý chất thải công nghiệp.
Sản xuất chì thỏi tại Công ty cổ phần kim loại màu Bắc Bộ. Ảnh: Báo Lạng Sơn |
Theo PGS.TS. Trương Mạnh Tiến, việc một công ty chế biến có yếu tố Trung Quốc đặt tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoáng sản là điều phải đặc biệt lưu ý bởi đã có nhiều bài học về môi trường đắt giá diễn ra trước đây.
"Dù Bộ Khoa học - Công nghệ đã quy định không cho phép nhập các thiết bị lạc hậu, không thân thiện với môi trường, gây ô nhiễm. Song không thể không bỏ qua khả năng nhà máy có thể nhập khẩu dây chuyền của Trung Quốc, công nghệ lạc hậu của Trung Quốc" - PGS. TS. Trương Mạnh Tiến cho hay.
Ông Tiến cho biết, Luật về Khoa học - Công nghệ quy định công nghệ, dây chuyền đã qua sử dụng không được quá 10 năm mới được nhập khẩu để sử dụng trong các nhà máy ở Việt Nam. Trường hợp của nhà máy chế biến chì thỏi ở trên cũng phải được xét đến yếu tố này.