Danielle Anderson, chuyên gia người Australia là nhà khoa học nước ngoài duy nhất đã thực hiện nghiên cứu tại phòng thí nghiệm BSL-4 của Viện Virus học Vũ Hán ở thời điểm được cho là virus corona mới bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc. Điều này mang đến cho Anderson góc nhìn của người trong cuộc về một “điểm nóng” gây tranh cãi trong cuộc tìm kiếm nguyên nhân gây ra đại dịch lịch sử.
Nhà khoa học người Australia Danielle Anderson ở Vũ Hán năm 2019 |
Đồng nghiệp lâu năm của “Người dơi”
Chỉ vài tuần trước khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được biết đến ở miền Trung Trung Quốc, Danielle Anderson đang làm việc tại Viện virus Vũ Hán. Thời gian thực hành của Anderson tại đó kết thúc vào tháng 11-2019. Bà là nhà khoa học nước ngoài duy nhất tham gia nghiên cứu tại phòng thí nghiệm BSL-4, phòng thí nghiệm đầu tiên ở Trung Quốc được trang bị để xử lý các mầm bệnh nguy hiểm nhất hành tinh.
Hiện đang làm việc tại Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty tại Melbourne, Anderson bắt đầu cộng tác với các nhà nghiên cứu ở Vũ Hán vào năm 2016 khi bà là Giám đốc khoa học của Phòng thí nghiệm an toàn sinh học thuộc Trường Y Duke-NUS của Singapore. Nghiên cứu của bà tập trung giải mã tại sao các virus gây chết người như Ebola và Nipah lại không gây bệnh cho loài dơi - vật chủ mà chúng lưu hành vĩnh viễn. Anderson đến Vũ Hán để có thêm thực nghiệm cho nghiên cứu của mình.
Là một “ngôi sao” đang nổi trong cộng đồng virus học, bà Anderson từng đi khắp thế giới. Sau khi lấy bằng đại học tại Đại học Deakin (Geelong, Australia), bà làm kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại Viện Ung thư Dana- Farber ở Boston (Mỹ), sau đó trở lại Australia để hoàn thành chương trình tiến sĩ dưới sự giám sát của các nhà virus học lỗi lạc John Mackenzie và Linfa Wang - Giám đốc chương trình các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y Duke-NUS. Bà đã làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở Montreal (Canada), trước khi chuyển đến Singapore và làm việc lại với Linfa Wang. “Anderson rất tận tâm, có tính cách tương tự như Shi Zhengli. Cả 2 đều rất thẳng thắn với những tiêu chuẩn đạo đức cao” - ông Wang nói qua điện thoại từ Singapore.
Nhà virus học Anderson thừa nhận rằng về mặt lý thuyết, một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm có thể vô tình lây nhiễm cho chính họ và sau đó vô tình lây nhiễm cho những người khác trong cộng đồng, nhưng khả năng xảy ra là cực kỳ thấp. Mặc dù vậy, bà Anderson cho rằng cần phải có một cuộc điều tra để xác định nguồn gốc của virus một lần và mãi mãi.
Shi Zhengli chính là người mà giới truyền thông gọi là “Người dơi” (bởi là một chuyên gia về virus trên loài dơi), ông làm Giám đốc bộ phận các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Viện Virus học Vũ Hán, và cũng là một đồng nghiệp lâu năm của Anderson. Sự xuất hiện của virus corona mới tại Vũ Hán (nơi cũng đặt phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu loại virus có liên quan) đã làm dấy lên suy đoán rằng nó có thể đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Cho đến nay, đây vẫn là đề tài gây tranh cãi, bất đồng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Viện Virus học Vũ Hán có những phòng thí nghiệm hiện đại, bảo đảm an toàn sinh học cao nhất |
Mô tả của người trong cuộc
Chia sẻ về môi trường tại phòng thí nghiệm này, nhà virus học Danielle Anderson cho rằng thông tin bị bóp méo. “Không hẳn là nhàm chán, nhưng nó là một phòng thí nghiệm bình thường hoạt động giống như bất kỳ phòng thí nghiệm nào khác” - bà nói. Anderson đã có mặt tại Vũ Hán tại thời điểm mà các chuyên gia tin rằng virus (hiện được gọi là SARS-CoV-2) đang bắt đầu lây lan. Những buổi làm việc hàng ngày đã giúp bà có cơ hội gần gũi với nhiều người khác đang làm việc tại trung tâm nghiên cứu 65 năm tuổi này. Là người nước ngoài duy nhất, Anderson làm quen với khá nhiều người trong viện. “Chúng tôi đi ăn tối, ăn trưa cùng nhau, gặp nhau bên ngoài phòng thí nghiệm” - bà cho biết.
Ngay từ chuyến thăm đầu tiên đến đây vào năm 2018, bà Anderson đã rất ấn tượng với phòng thí nghiệm kiểm soát sinh học tối đa của viện. Tòa nhà kiểu hầm ngầm bê tông này có thiết kế đảm bảo an toàn sinh học cao nhất và yêu cầu tất cả không khí, nước và chất thải phải được lọc và khử trùng tuyệt đối. Theo Anderson, các giao thức và yêu cầu nghiêm ngặt được áp dụng nhằm mục đích ngăn chặn mầm bệnh đang được nghiên cứu phát tán.
Các nhà nghiên cứu cũng phải trải qua 45 giờ đào tạo để được chứng nhận làm việc độc lập trong phòng thí nghiệm này. Tại đây họ phải mặc các bộ quần áo có áp suất không khí. Việc ra vào cơ sở cũng rất nghiêm ngặt, đặc biệt là yêu cầu bắt buộc phải tắm bằng hóa chất dưới vòi hoa sen trong một khoảng thời gian nhất định. Từng làm việc ở châu Âu, Australia và Singapore, bà Anderson nhận thấy phòng thí nghiệm Vũ Hán sử dụng một phương pháp riêng để tạo và giám sát các chất khử trùng hàng ngày. Những nghiên cứu viên ở đây được kết nối qua tai nghe với đồng nghiệp trong trung tâm chỉ huy để đảm bảo liên lạc thường xuyên và cảnh giác an toàn.
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra thời hạn 90 ngày để cơ quan chức năng Mỹ có báo cáo điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19, tờ Wall Street Journal tiết lộ: 3 nhà nghiên cứu từ phòng thí nghiệm Vũ Hán đã phải nhập viện với các triệu chứng giống như cúm vào tháng 11-2019. Nhưng bà Anderson cho hay, không ai trong số những người bà biết ở viện Vũ Hán bị ốm vào cuối năm 2019. Hơn nữa, phòng thí nghiệm này có một quy trình báo cáo các triệu chứng tương ứng với các mầm bệnh đang được xử lý. “Nếu có ai đó ốm, tôi có lẽ cũng không ngoại lệ, nhưng tôi thì không. Tôi đã được xét nghiệm Covid-19 ở Singapore trước khi tiêm phòng và chưa bao giờ mắc bệnh này”.
Không chỉ vậy, nhiều cộng tác viên của bà Anderson ở Vũ Hán đã đến Singapore vào cuối tháng 12-2019 để hội thảo về virus Nipah, nhưng không ai nói về căn bệnh nào đang quét qua phòng thí nghiệm cả. “Các nhà khoa học vẫn nói chuyện phiếm và hào hứng. Theo quan điểm của tôi, không có gì kỳ lạ xảy ra vào thời điểm đó”.
Xác suất nhỏ nhưng không phải là không thể
Công việc của nhà khoa học người Australia tại Vũ Hán và nguồn tài trợ của bà đã kết thúc sau khi đại dịch bùng phát. Bà Anderson cho rằng, khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm không phải là không thể, nhưng bà vẫn tin rằng nó rất có thể đến từ một nguồn tự nhiên. Các nhà nghiên cứu đã mất gần một thập kỷ để xác định mầm bệnh SARS có nguồn gốc từ tự nhiên, nên bà Anderson không ngạc nhiên khi hiện tại, mới hơn 1 năm chúng ta chưa tìm ra chính xác loài nào gây ra đại dịch nguy hiểm này.
Với quá trình làm việc thực tế, bà Anderson tin rằng không có virus nào được tạo ra một cách cố ý để lây nhiễm cho con người và phát tán cho cộng đồng. Đó là một trong những giả thuyết đáng lo ngại về nguồn gốc của đại dịch. Phòng thí nghiệm của bà Anderson ở Singapore là một trong những nơi đầu tiên phân lập được SARS-CoV-2 từ bệnh nhân Covid-19 bên ngoài Trung Quốc và sau đó nuôi cấy virus này. Việc này rất phức tạp và đầy thử thách, ngay cả đối với một nhóm từng làm việc với virus corona, biết đặc điểm sinh học của nó, bao gồm cả thụ thể protein mà nó nhắm đến.
Nhà virus học Anderson thừa nhận rằng, về mặt lý thuyết, một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm có thể vô tình lây nhiễm cho chính họ và sau đó vô tình lây nhiễm cho những người khác trong cộng đồng, nhưng khả năng xảy ra là cực kỳ thấp. Mặc dù vậy, bà Anderson cho rằng cần phải có một cuộc điều tra để xác định nguồn gốc của virus một lần và mãi mãi.
“Không ai có thể tưởng tượng nó lại lan tràn thành đại dịch ở quy mô này. Các nhà nghiên cứu phải tìm ra đâu là con đường dẫn đến hình thành virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn đại dịch tương lai. Dù sao thì virus cũng đã ở đúng nơi, đúng thời điểm và mọi thứ dường như đã xảy ra theo trình tự diễn tiến như một thảm họa thế này” - bà Anderson nói.
Theo Bloomberg
Cơ quan nghiên cứu Mỹ kết luận COVID-19 bùng phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán
Báo cáo từ cơ quan nghiên cứu của Mỹ kết luận virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, Trung Quốc. |
Mỹ đòi Trung Quốc công bố hồ sơ y tế nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán
Chuyên gia dịch tễ học Anthony Fauci đề nghị Trung Quốc cung cấp hồ sơ y tế của nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán ... |
Những nghi ngờ bao trùm phòng thí nghiệm Vũ Hán
Trong khi Trung Quốc kiên quyết bác bỏ nghi ngờ nCoV lọt từ Viện Virus học Vũ Hán, nhiều câu hỏi về giả thuyết này ... |