Trước nay, làm BOT ở Việt Nam vốn tù mù nên nhà đầu tư nước ngoài ngại ngần. Nếu minh bạch và công khai mọi thứ, họ sẵn sàng tham gia.
Đừng tù mù
Bộ Xây dựng cho rằng, để nâng cao chất lượng dự án BOT, cần có cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư nước ngoài bằng cách tăng cường sự tham gia của các tư vấn quốc tế vào quá trình xây dựng và chuẩn bị dự án.
Bình luận về đề xuất này của Bộ Xây dựng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính cho rằng, với nguồn lực hạn chế như hiện nay, đề xuất trên là hợp lý và cần thiết.
Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng, từ trước đến nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn ngại ngần tham gia vào các dự án BOT tại Việt Nam bởi một số lý do:
Thứ nhất, quy hoạch không chính xác, rõ ràng, bởi thế nhà đầu tư không nhìn được tổng thể dự án phát huy hiệu quả ra sao. Có một quy hoạch đầy đủ, nhìn được đầu ra, đầu vào của dự án, biết dự án sẽ hoạt động thế nào..., đó là điều Việt Nam chưa làm được.
Thứ hai, các số liệu Việt Nam đưa ra chỉ mang tính tổng hợp mà thiếu chi tiết, cụ thể khiến nhà đầu tư khó tin được đó là những số liệu được tính toán khoa học.
Thứ ba, đấu thầu tại Việt Nam trước nay thiếu công khai, minh bạch, hầu hết là chỉ định thầu, ai được làm BOT, làm ở đâu, như thế nào, đoạn từ đâu đến đâu... Đây là lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài dù thừa năng lực để làm, có máy móc, phương tiện, công nghệ, nhưng cuối cùng phải từ bỏ sau khi tham gia đấu thầu.
Thứ tư, quan hệ để tiếp cận các số liệu, thông tin, tiếp cận chủ đầu tư, dự án là một vấn đề lớn. Đây không phải quan hệ công khai, minh bạch, rõ ràng mà là những quan hệ lằng nhằng, quyết định việc có hay không có số liệu, từ đó quyết định việc bỏ thầu thế nào. Quan hệ này làm cho việc đấu thầu trở thành quan hệ quân xanh, quân đỏ. Vì điều này nên nhà đầu tư ngoại dù có năng lực thật, tài chính thật, làm thật dẫu có bỏ thầu thì vẫn thua.
Thứ năm, các chính sách, ưu đãi của Việt Nam không ổn định trong một thời hạn lâu dài để đảm bảo cho nhà đầu tư tin rằng đối tác đã nói, đã ký vào văn bản như thế có nghĩa là trong suốt mấy chục năm họ khai thác dự án nó sẽ vẫn thế. Nếu có thay đổi thì là vì những điều kiện bất khả kháng hay những thay đổi cực kỳ nghiêm trọng không thể không đàm phán lại.
Nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án BOT tại Việt Nam giúp giảm áp lực về vốn. Ảnh minh họa |
"Bởi trước nay Việt Nam làm BOT cứ tù mù, nhà đầu tư không biết điều kiện bỏ vốn ra sao, Chính phủ bảo đảm cái gì, như thế nào... cho họ nên họ mới ngại ngần. Còn nếu có người đảm bảo, có rủi ro thấp, lợi nhuận cao, tội gì nhà đầu tư ngoại không tham gia?
Đối với đầu tư BOT, nếu đưa ra lợi ích phù hợp, đảm bảo của Chính phủ tin cậy, vững chắc, các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty xây dựng có vốn, kỹ thuật, năng lực sẵn sàng đầu tư tham gia", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, ông khẳng định, để các nhà đầu tư nước ngoài hay các nhà đầu tư tư nhân của Việt Nam tham gia vào dự án BOT thì vấn đề công khai, minh bạch và chính xác của các dự án đầu tư là vấn đề rất quan trọng.
"Việc tham gia của các tư vấn nước ngoài, những người kiểm tra, kiểm soát dữ liệu, nắm chắc thông số, tình hình dự án, kỹ thuật dự án, sẽ giúp minh bạch, công khai dữ liệu, tăng độ tin cậy với các nhà đầu tư. Lúc đó càng dễ dàng cho nhà đầu tư tiếp cận dự án.
Ở đây, việc công khai, minh bạch cơ sở dữ liệu, số liệu của dự án là bước ban đầu rất quan trọng cho hoạt động hoạch định thiết kế, tính toán các khái toán, sau này là tính toán dự toán của các dự án để từ đó có cơ sở xem xét đề nghị của nhà đầu tư. Chính phủ phải tạo điều kiện, có thể cho chủ đầu tư thu hồi vốn ở ngay dự án đó, hoặc ở những dự án khác.
Cơ sở để Chính phủ tính toán cũng phải công khai, minh bạch và những đề xuất về cái được, cái mất của từng dự án phải rõ ràng. Lúc đó nhà đầu tư sẽ có lợi ích và cả Chính phủ cũng phải có lợi ích. Ngay cả quy hoạch của Chính phủ cũng phải chuẩn mực để sự kết nối giữa các dự án với nhau thông suốt và trở thành một bộ phận trong các hoạt động chung của dự án.
Nó sẽ làm thay đổi ngay cả cái nhìn và quy hoạch của Chính phủ. Chính phủ không thể tự mình muốn thế này, thế kia mà phải giải trình lý do, cơ sở thế nào. Bản thân Chính phủ cũng công khai, minh bạch ý kiến của mình, lựa chọn của nhà thầu cũng phải công khai minh bạch. Như vậy, các bên sẽ có lợi ích trong dự án BOT. Qua đàm phán, số liệu thì sẽ thấy cái này", vị chuyên gia phân tích.
Có kẽ hở sẽ bị lợi dụng
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khi việc tính toán lợi ích giữa các bên được đảm bảo, đặc biệt, các số liệu liên quan đến dự án được công khai, minh bạch thì nhà đầu tư nào cũng muốn tham gia dự án BOT.
"Khi dự án đã thỏa mãn được các yếu tố trên, nhà đầu tư sẽ thấy không có lý do gì mà không bỏ vốn tham gia vào một dự án có sinh lời, rủi ro thấp vì có Chính phủ đứng sau, có quan hệ tốt, thậm chí có thể mở rộng được hoạt động đầu tư của mình ở những ngành nghề khác.
Quan trọng nhất là lợi ích mà Chính phủ nước sở tại đưa ra cho nhà đầu tư có tương xứng với hiệu quả bỏ vốn hay không", ông nói.
Vị chuyên gia chỉ rõ, trong trường hợp phía Việt Nam công khai, minh bạch thì nhà đầu tư không thể lợi dụng được. Ngược lại, nếu phía Việt Nam có kẽ hở, nhà đầu tư không ngại lợi dụng bởi bất kỳ nhà đầu tư nào cũng lấy lợi nhuận là chính.
"Bản chất là nhà đầu tư phải tuân theo quy hoạch, Nhà nước cũng không thể có nâng lên đặt xuống ở chỗ này được. Nếu sau này lưu lượng hay năng suất dự án không đạt, cách thức xử lý thế nào... tất cả đã có trong quy trình về đầu tư xây dựng cơ bản, vấn đề là có làm đúng và có khả năng làm đúng hay không", PGS Thịnh nhấn mạnh.
Trước ý kiến cho rằng nhà đầu tư ngoại khi tham gia dự án BOT tại Việt Nam có thể đưa nhân công, lao động, công nghệ... của họ sang, vị chuyên gia tỏ ra lạc quan.
Theo ông, với trình độ và công nghệ thực hiện dự án BOT như hiện nay, các công ty xây dựng Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực thi. Vấn đề là giá của các công ty xây dựng với nhà đầu tư thế nào.
"Thông thường, chi phí xây dựng ký kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với chủ đầu tư BOT nước ngoài tương đối thấp. Ví dụ, các dự án ODA của Nhật, doanh nghiệp Trung Quốc đứng ra đấu thầu và thắng thầu sau đó họ lại đứng ra thuê các công ty Việt Nam làm.
Ngay cả các dự án ODA của Trung Quốc, có rất nhiều hạng mục là do nhà đầu tư Trung Quốc thuê công ty Việt Nam làm.
Nói vậy để thấy Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực và điều kiện thực thi. Vấn đề là khi đàm phán, ký kết các hiệp định, dự án ODA hoặc BOT, trong các điều khoản phải có quy định sử dụng lao động, nhân công nước ngoài một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch
Cái gì công nhân Việt Nam không làm được thì lúc đó mới cho phép một số lượng nhất định kỹ thuật viên, chuyên gia nước ngoài đến làm việc, không thể để tình trạng như trước đây, nhà đầu tư nước ngoài đưa cả lao động phổ thông sang", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.