Tổng cục đường bộ vẫn chưa nhận được văn bản đề nghị trả lại việc quản lý, vận hành hầm Hải Vân của Công ty CP đầu tư Đèo Cả.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 23/6, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết: "Tổng cục vẫn chưa nhận được văn bản từ phía Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, nên ngày 1/7 vẫn chưa thể trao trả lại được quyền quản lý, vận hành.
Sau khi nhận được văn bản chúng tôi còn phải xem xét theo hợp đồng, phương án tài chính có đúng không rồi lấy ý kiến các bên rồi mới trả lời cho doanh nghiệp".
Bên cạnh đó, cũng theo ông Huyện, mọi việc sẽ phải xem xét làm đúng quy định, chứ không thể làm không hiệu quả, doanh nghiệp lại trả lại cho nhà nước.
Trước đó, theo thông tin trên báo Tiền Phong, tại cuộc họp mới đây với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), ông Lưu Xuân Thủy - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã đề nghị trả lại việc quản lý, vận hành hầm Hải Vân cho nhà nước.
Hầm Hải Vân đã được đưa vào khai thác vận hành hơn 12 năm. Ảnh Dân Trí
Ông Lưu Xuân Thuỷ cho biết, sẽ báo cáo HĐQT công ty đề nghị Đại hội đồng cổ đông thông qua việc giao trả lại công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân cho Tổng cục đường bộ Việt Nam từ ngày 1/7/2018.
Hạng mục mở rộng hầm Hải Vân (thuộc dự án hầm Đèo Cả) bao gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân số 1, tuyến đường dẫn và đường qua đèo Hải Vân; Giai đoạn 2 thực hiện mở rộng hầm Hải Vân số 2 và xây dựng tuyến đường dẫn mới.
Theo quy định hợp đồng giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT, sau khi hoàn thành Giai đoạn 1, từ 1/1/2017, nhà đầu tư sẽ được triển khai thu phí để hoàn vốn và có nguồn kinh phí thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1.
“Chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn 1 hơn 1 năm với giá trị hơn 1.200 tỷ, đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng nghiệm thu và Kiểm toán nhà nước kiểm toán.
Thi công được 50% hầm Hải Vân 2 và đã ứng gần 300 tỷ cho công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1 từ 2016 đến nay, nhưng chưa được thu phí để thu hồi vốn”, ông Thuỷ nói.
Hiện nhà đầu tư chưa được thu phí trạm Nam Hải Vân, theo ông Thuỷ, do trạm Bắc Hải Vân đang thu cho dự án hầm Phước Tượng – Phú Gia đặt ngay tại cửa Bắc hầm Hải Vân (nếu thu trạm Nam Hải Vân thì khoảng cách 2 trạm là 8Km).
Theo ông Thủy, Bộ GTVT có một sự phân biệt rất rõ giữa các chủ đầu tư BOT, nếu không nói là thiên vị.
Ông Thủy đưa ra chứng cứ: “Dự án BOT Phước Tượng – Phú Gia với chi phí đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, hai hầm dài chưa đến 500 m, thì lại được nghiễm nhiên đặt trạm thu phí tại cửa hầm Hải Vân (đặt ngoài phạm vi dự án mà họ thực hiện).
Trong khi, doanh nghiệp của bên tôi làm thật thì không được thu phí. Phải chăng Bộ GTVT đang bảo trợ, dung túng cho sự bất bình đẳng này?”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GTVT vừa đã báo cáo Quốc hội không thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho đầu tư xây dựng hầm Hải Vân nữa.
Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục đường bộ thỏa thuận với Nhà đầu tư về kinh phí quản lý, vận hành hầm Hải Vân, nhưng đến nay, sau nhiều lần làm việc, Tổng cục đường bộ Việt Nam vẫn chưa xác định được kinh phí để thỏa thuận với nhà đầu tư.
Ông Thủy cho rằng, rủi ro quá lớn cho doanh nghiệp dự án khi đã ứng trước chi phí quá lớn nhưng không được đảm bảo hoàn trả như Hợp đồng ban đầu và không có khả năng lo được chi phí Quản lý vận hành hàng năm được nữa.
“Nó quá sức chịu đựng và quá bất công với chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi dự kiến sẽ đề nghị Tổng cục đường bộ Việt Nam tiếp nhận lại hầm Hải Vân để quản lý, vận hành từ 01/7/2018”, ông Thủy thông tin.
Châu An
Khối trượt lớn trên sườn đèo Hải Vân dịch chuyển
Cả khối trượt có chiều sâu ăn ngầm vào trong đất khoảng 51 m, nếu xảy ra trượt lở sẽ là thảm họa vì tàu ... |
Khai quật khảo cổ di tích Hải Vân Quan ở độ cao 500 m
Việc khai quật khảo cổ di tích Hải Vân Quan nhằm làm phát lộ các dấu vết của tường thành, đồn phòng thủ của di ... |
Tai nạn liên hoàn, hầm Hải Vân tê liệt gần 3 giờ
4 xe tông nhau liên hoàn tại đường dẫn vào hầm Hải Vân khiến giao thông ở khu vực này bị tê liệt. |