Nhà chờ, điểm dừng xe buýt bị lấn chiếm: Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn

Nhiều khu vực nhà chờ, điểm dừng xe buýt ở Thủ đô đang trở thành nơi bán hàng, đỗ xe, tập kết rác, gây ra sự bất tiện cho hành khách. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, tình trạng này chưa được xử lý dứt điểm, khiến cho chất lượng dịch vụ xe buýt ít nhiều bị ảnh hưởng.

Xe ô tô dừng đỗ trong phạm vi điểm dừng xe buýt.

Vô tư chiếm dụng

Khảo sát nhanh tại một số nhà chờ, điểm dừng đỗ xe buýt trên địa bàn Hà Nội, không khó để thấy hình ảnh hàng quán, biển quảng cáo lấn chiếm không gian. Đặc biệt, điểm tập kết rác trước số nhà 160 phố Tôn Đức Thắng, 221B Khâm Thiên... còn nằm rất gần điểm dừng xe buýt.

Chị Trần Thị Thúy Vân (huyện Thường Tín), một hành khách thường xuyên chờ xe buýt trên phố Tôn Đức Thắng chia sẻ: Những chiếc xe rác tập kết ngay gần điểm chờ xe buýt khiến không gian nơi đây có mùi rất khó chịu, không hành khách nào có thể đứng đúng điểm để đợi xe buýt được. Tôi thường phải đứng cách xa gần chục mét, khi thấy xe buýt đến gần thì vội chạy đến, có lần do lái xe quan sát xung quanh điểm chờ không có hành khách nên đi luôn khiến tôi bị lỡ chuyến.

Còn tại nhà chờ xe buýt đối diện Trường Đại học Y Hà Nội trên phố Tôn Thất Tùng, người dân vô tư bày bán hoa quả ở đó, không còn chỗ đứng cho hành khách, bên cạnh đó còn là những đống rác khiến ai đứng gần cũng cảm thấy khó chịu. Tại điểm trung chuyển xe buýt trước cổng Trường Đại học Giao thông Vận tải (quận Cầu Giấy), có nhiều hàng quán, xe ôm, hàng rong, rác thải... khiến khu vực này trông nhếch nhác. Đó là chưa kể biết bao tờ rơi quảng cáo được dán ở khu vực nhà chờ xe buýt.

Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện Hà Nội có khoảng hơn 3.800 điểm dừng, 361 nhà chờ xe buýt. Trong số này, có rất nhiều điểm dừng, nhà chờ xe buýt thường xuyên bị lấn chiếm không gian. Đáng chú ý, tại nhiều điểm dừng bị lấn chiếm, cơ quan chức năng đã xử phạt người vi phạm nhiều lần nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Thậm chí, tại một số nơi, người dân còn tự ý xê dịch điểm dừng trước cửa nhà mình để tiện cho việc trông xe, bán nước; một số cột trụ tại điểm dừng bị nhấc lên cắm xuống, không còn đảm bảo độ chắc chắn.

Ngoài ra, không ít điểm đỗ xe buýt ở khu vực ngoại thành còn trở thành nơi đốt rác. Như tại ngã ba Văn Điển (huyện Thanh Trì), một số người thường xuyên gom cỏ khô, rác thải sinh hoạt, săm lốp ô tô, dây điện, mang ra khu vực điểm chờ xe buýt để đốt. Tình trạng này rất đáng báo động bởi đây là điểm chờ xe buýt nằm sát tuyến đường sắt Bắc - Nam, không những khiến hành khách đợi xe buýt không thể đứng đúng vị trí điểm dừng (do khói), mà còn có nguy cơ hạn chế tầm nhìn, thậm chí có thể làm lửa bén vào đường ray tàu hỏa.

Đốt rác thải ngay tại điểm chờ xe buýt trên đường Ngọc Hồi, ngã ba Văn Điển.

Cần sự chung tay của các cơ quan, ban, ngành

Bảo vệ hạ tầng hỗ trợ xe buýt là trách nhiệm của nhiều cơ quan, ban, ngành và điều này đã được Thành phố cụ thể hóa bằng Quyết định số 34/2022/QĐ-UBND, ngày 10-10-2022 về tổ chức quản lý và khai thác hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trong đó, vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong bảo vệ hạ tầng xe buýt được quy định rất rõ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, trung bình mỗi năm có khoảng 4.000 lượt điều chỉnh thông tin, vị trí hoặc thu hồi các điểm dừng xe buýt, 80 lượt điều chỉnh lộ trình... Tuy nhiên, số lượng nhà chờ, điểm dừng xe buýt bị xâm phạm thì không thống kê kịp vì rất nhiều và tình trạng tái phạm diễn ra liên tục. Ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, muốn giải quyết được tình trạng lấn chiếm hạ tầng hỗ trợ xe buýt thì cần có sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương. Cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành Giao thông Vận tải, lực lượng Thanh tra giao thông và đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương.

Được biết, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra quân xử lý các hành vi lấn chiếm, xâm hại hạ tầng giao thông dành riêng cho xe buýt như tạm giữ xe vi phạm, tịch thu biển quảng cáo, xử lý hành chính... Tuy nhiên, sau khi bị xử lý một thời gian thì nhiều cá nhân lại tiếp tục vi phạm. Từ thực tế đó, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn, nâng cao mức xử phạt hành chính cũng như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, quy định bảo vệ hạ tầng xe buýt.

Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông đô thị của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết: Việc bảo vệ hạ tầng nhà chờ, điểm dừng xe buýt cần có sự chung tay của nhiều ban, ngành, nhưng chính quyền địa phương cũng có vai trò rất quan trọng. UBND phường, xã, thị trấn phải có trách nhiệm xử lý, giải tỏa hành vi lấn chiếm nhà chờ, điểm dừng xe buýt. Đồng thời, UBND phường, xã cũng cần làm việc với các công ty thu gom rác để bố trí, phân tách được nhà chờ, điểm dừng xe buýt với điểm thu gom rác để tạo điều kiện tốt hơn cho người dân đi xe buýt.

Hàng quán lấn chiếm nhà chờ xe buýt đối diện Trường Đại học Y Hà Nội.

Nâng cao ý thức của người dân

Ngoài các biện pháp quản lý nhà nước thì việc đẩy mạnh, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ hạ tầng xe buýt là vô cùng quan trọng. Dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt lấy sự phục vụ hành khách là trọng tâm, vậy nên, người dân - chủ thể thụ hưởng và cũng là chủ thể bảo vệ hạ tầng xe buýt - cần phải đồng thuận, giúp sức cơ quan chức năng bằng cách tham gia bảo vệ, tố giác hành vi gây ảnh hưởng xấu đến hạ tầng xe buýt.

Việc nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ hạ tầng xe buýt có thể được thực hiện thông qua các hình thức như giáo dục học sinh trong nhà trường; lồng ghép tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt dân phố, qua đài truyền thanh hoặc qua một số hoạt động ngoại khóa. Đồng thời, cần có hình thức phổ biến chi tiết về quy định và chế tài xử phạt tại chính nhà chờ xe buýt, qua bảng tin của tổ dân phố để người dân hiểu và nắm rõ quy định.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết: Hành vi bán hàng rong ở lòng đường, vỉa hè nói chung cũng như ở các điểm dừng xe buýt nói riêng là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, với cá nhân thì sẽ bị xử phạt 200.000 đồng, còn với tổ chức thì có thể bị phạt tới 400.000 đồng. Tuy mức phạt không phải là lớn nhưng cơ quan chức năng có thể tạm giữ hành chính đối với các phương tiện, vật dụng bán hàng ở đó. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính là giải pháp cuối cùng được dùng đến. Chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, phân tích... để người dân nghiêm chỉnh chấp hành, tôn trọng không gian ưu tiên dành cho xe buýt, góp phần vào xây dựng dịch vụ xe buýt Thủ đô an toàn, thân thiện và văn minh.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1057718/nha-cho-diem-dung-xe-buyt-bi-lan-chiem-can-su-vao-cuoc-quyet-liet-hon

BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN VĂN CÔNG / HNM.com.vn