Nguyễn Thị Oanh thi liên tiếp 2 nội dung chạy trong 20 phút: Có rủi ro y tế?

Để giành 2 huy chương vàng ở 2 nội dung điền kinh khác nhau, Nguyễn Thị Oanh phải vượt qua giới hạn của bản thân về mặt thể chất.

Trong vòng chưa đầy 30 phút, Nguyễn Thị Oanh giành liên tiếp 2 HCV cho đội tuyển điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32. Cô về nhất nội dung 1.500 mét với thành tích 4 phút 16 giây 85. Gần như không có thời gian nghỉ, Nguyễn Thị Oanh bước vào nội dung chung kết thứ hai là 3.000 mét vượt rào nữ.

Phân tích chiến thắng của Nguyễn Thị Oanh trên góc độ y học thể thao, bác sỹ Dương Tiến Cần cho rằng việc thi đấu 2 nội dung chỉ cách nhau 16 phút là thử thách về giới hạn thể chất cho VĐV. Dù vậy, với trình độ vượt trội so với phần còn lại của Đông Nam Á, Nguyễn Thị Oanh không gặp vấn đề lớn.

- Nguyễn Thị Oanh giành 2 huy chương vàng SEA Games 32 nội dung chạy 1500m và 3000m vượt rào chỉ trong 20 phút. Ông đánh giá thế nào về kỳ tích này?

Trước tiên, tôi xin chúc mừng Nguyễn Thị Oanh với tư cách người hâm mộ Việt Nam. Cô ấy là nhỏ bé, không có sự vượt trội với thể hình so với các VĐV đối thủ. Nhưng lần này, Nguyễn Thị Oanh cho thấy sức chiến đấu quả cảm.

- Dước góc độ y học thể thao, 1 VĐV tham dự 2 cự ly trung bình của môn điền kinh tại SEA Games chỉ cách nhau 20 phút liệu có nguy hiểm?

Đầu tiên, đây là khó khăn mà không ai có thể lường trước. Không ban huấn luyện của bộ môn thể thao đỉnh cao nào muốn đăng ký cho vận động viên tham dự các nội dung thi như vậy. Tuy nhiên, dưới góc độ y học thể thao, tôi cho rằng cường độ vận động như vậy đối với Nguyễn Thị Oanh không phải vấn đề lớn.

Ngày 8/5, Nguyễn Thị Oanh vừa thi đấu nội dung 5.000 mét dưới thời tiết mưa to, bất lợi. Hôm nay (9/5), cô ấy tham dự 2 nội dung có quãng đường tương đương, tuy có khác biệt về cách thức thi đấu nhưng đẳng cấp giúp Nguyễn Thị Oanh điều chỉnh bản thân. 

Nhiều năm qua, Nguyễn Thị Oanh đã chứng minh được sự vượt trội của mình. Khi đã tính toán được sức mạnh của đối thủ, VĐV này có thể điều chỉnh khối lượng vận động cho phù hợp. Nếu 2 nội dung thi có quãng thời gian nghỉ phù hợp, thành tích của Nguyễn Thị Oanh còn tốt hơn nữa.

Nguyễn Thị Oanh thi liên tiếp 2 nội dung chạy trong 20 phút: Có rủi ro y tế? - 1

Nguyễn Thị Oanh (bên trái) giành 3 HCV tại SEA Games 32.

 

- Vậy rủi ro đối với các VĐV tham dự 2 nội dung liên tiếp như vậy ra sao?

Theo quan điểm của tôi, rủi ro về vận động, về cơ không đến từ việc tham dự 2 nội dung liên tiếp với thời gian nghỉ 20 phút.

Thứ nhất, rủi ro có thể đến kể cả khi chỉ chạy 100 mét. Hôm qua, vận động viên của Thái Lan gặp chấn thương dù mới xuất phát vài mét. Chấn thương như rách bắp, giật bắp có thể đến khi VĐV gia tăng tốc độ đột ngột. Ngoài ra, rủi ro về lật cổ chân và vô vàn các kiểu chấn thương khác có thể xảy ra trên đường chạy.

Song nói cụ thể hơn về tình huống của Nguyễn Thị Oanh, tôi cho rằng cô ấy đã vượt được ngưỡng của bản thân. Việc duy trì trạng thái thi đấu cho 2 nội dung như vậy rất khác việc chỉ chạy 5.000 mét liên tục. Ngoài ra, áp lực tâm lý từ kỳ vọng của người hâm mộ, khao khát của bản thân cũng ảnh hưởng rất lớn đến vận động viên. Nguyễn Thị Oanh đã giải quyết được hai vấn đề này.

- Có quan điểm cho rằng Nguyễn Thị Oanh nên tính toán và bỏ một nội dung?

Tôi có nghe một số người nói về vấn đề này. Nhưng trước hết, khát khao của các VĐV khi tham dự đấu trường quốc tế rất lớn. Tôi tin ban huấn luyện đội tuyển điền kinh Việt Nam hiểu rất rõ vận động viên của mình.

Do đó, việc Nguyễn Thị Oanh tham dự 2 nội dung với quãng nghỉ như vậy theo tôi là hoàn toàn bình thường. Nhưng tôi xin nhắc lại, không nên để tình trạng như vậy diễn ra. Điều này không tốt cho VĐV đỉnh cao.

Nguyễn Thị Oanh thi liên tiếp 2 nội dung chạy trong 20 phút: Có rủi ro y tế? - 2

 Nguyễn Thị Oanh giành 2 HCV SEA Games 32 trong 20 phút. (Ảnh: Thế Sơn)

- Nghiên cứu về y học thể thao và đồng hành cùng các VĐV đỉnh cao, anh có thể nói gì về quá trình tập luyện của các VĐV điền kinh trước giải đấu lớn?

Thông thường, các VĐV có ngưỡng tập luyện riêng, tập theo gián án cho từng thời điểm, từng giải đấu. Nhưng các VĐV điền kinh thường tăng khối lượng tập luyện cao hơn cự li thi đấu khoảng 20%.

Do đó, khi Nguyễn Thị Oanh có thể hoàn thành xuất sắc phần thi 5.000 mét, việc chạy 1.500 mét, sau đó đến 3.000 mét vượt rào vẫn có thể làm được chứ không phải viển vông.

- Xin cảm ơn ông!

https://vtc.vn/nguyen-thi-oanh-thi-lien-tiep-2-noi-dung-chay-trong-20-phut-co-rui-ro-y-te-ar771505.html

Thế Sơn / VTC News