Vừa qua, L Brands – công ty mẹ của Victoria's Secret đã đưa ra thông báo chính thức với truyền thông rằng Victoria's Secret Fashion Show 2019 sẽ không được tổ chức.
“Chúng tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất hiện tại là đẩy mạnh phát triển mảng marketing cho Victoria’s Secret… Chúng tôi đang tìm cách nâng cao vị thế của thương hiệu và quảng bá tốt nhất tới khách hàng”, Stuart Burgdoerfer – giám đốc tài chính của L Brand cho biết.
Theo Burgdoerfer, hãng vẫn sẽ tương tác với khách hàng, nhưng không còn theo cách thức hoành tráng như các buổi biểu diễn trước đây.
Thông tin này đã và đang khiến rất nhiều fan ruột của Victoria's Secret Fashion Show (VSFS) cảm thấy hụt hẫng; tuy nhiên, việc Victoria's Secret Fashion Show dừng lại không phải là điều đáng ngạc nhiên.
Các người mẫu của VSFS |
Trong vài năm trở lại đây, VSFS cũng ngày càng kém hấp dẫn, ế người xem. Không những vậy, trong thời gian qua thương hiệu nội y số một nước Mỹ còn dính hàng loạt "phốt" lớn làm mất cảm tình từ phía công chúng.
Show diễn gần đây nhất vào năm 2018 tuy được quảng cáo là show diễn tham vọng nhất từ trước tới nay của Victoria's nhưng lại ế ẩm kỷ lục, chỉ thu hút 3,3 triệu người xem, mức rating thấp nhất kể từ khi chương trình bắt đầu được phát sóng trên truyền hình vào năm 2001. Với rating này, VSFS 2018 đã bị hao hụt 1,7 triệu người xem so với năm 2017 và kém xa so với thành tích cao nhất 12,4 triệu người xem vào năm 2001.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự ế ẩm của VSFS chính là tiêu chí lựa chọn người mẫu “mình dây”, chương trình tổ chức “một màu” cũng như những phát ngôn “gây bão” của những người có ảnh hưởng của Victoria’s Secret.
Nhiều khán giả đã chính thức quay lưng với VSFS do chương trình thiếu đa dạng, chỉ hướng đến đối tượng khách hàng có hình thể chuẩn người mẫu, thậm chí là gầy gò. Trong khi đó, xu hướng hiện nay là hướng tới vẻ đẹp tự nhiên và đa dạng. Không chỉ tuyển chọn độc quyền người mẫu gầy trong các chiến dịch quảng bá của mình, hãng cũng chỉ tập trung phát triển những dòng sản phẩm cho tạng người trung bình, gần như bỏ bê hoàn toàn phân khúc khách hàng ngoại cỡ.
Sản phẩm của Victoria’s Secret chủ yếu hướng tới khách hàng có thân hình người mẫu |
Bên cạnh đó, nhiều tờ báo, tạp chí như Cosmopolitan, The Guardian… từng lên án sự kiện phân biệt giới tính và chống nữ quyền. Năm ngoái, CEO của Third Love - start-up chuyên kinh doanh nội y online – có viết “tâm thư” vạch trần những phát ngôn “hạ thấp phụ nữ” của một trong những lãnh đạo hàng đầu của Victoria’s Secret - giám đốc tiếp thị Ed Razek.
Cụ thể, khi được hỏi về việc tuyển người mẫu ngoại cỡ và người mẫu chuyển giới để tăng sự phong phú cho show diễn, vị này phát biểu rằng người mẫu ngoại cỡ không đại diện cho đối tượng khách hàng chính mà hãng hướng đến, thẳng thừng chối bỏ đối tượng khách hàng mũm mĩm. Không dừng lại ở đó, Ed Razek còn thẳng thừng nói không với việc tuyển người mẫu chuyển giới bởi "show diễn là một giấc mơ và hãy để nó nguyên như vậy".
VSFS lần đầu được tổ chức vào năm 1995, nhanh chóng tạo ra cơn sốt trên toàn cầu, với dấu ấn là những “thiên thần” mặc nội y nóng bỏng, đeo cánh sải bước trên sàn catwalk. Tuy nhiên, vừa qua Victoria's Secret công khai việc bị giảm 1/4 doanh số. Công ty mất khách hàng trước các đối thủ như Target, Kohl's, American Eagle và các start-up.
PV (th)
Theo NN&CS