Nguy cơ lây nhiễm chéo tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine phòng COVID-19

Trong những ngày qua, tại nhiều điểm tiêm chủng và khu vực lấy mẫu còn tình trạng tập trung đông người chờ đến lượt, gây nguy cơ lây nhiễm chéo nếu có trường hợp F0 trong cộng đồng.

Hà Nội đang triển khai xét nghiệm trên diện rộng cho tất cả người dân và tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19 bao phủ mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Trong những ngày qua, tại nhiều điểm tiêm chủng và khu vực lấy mẫu còn tình trạng tập trung đông người chờ đến lượt, gây nguy cơ lây nhiễm chéo nếu có trường hợp F0 trong cộng đồng. Đặc biệt, với lượng lấy mẫu lớn như hiện nay, nếu việc khử khuẩn của nhân viên y tế không thực hiện đúng quy trình, cũng tạo ra nguy cơ lây nhiễm chéo.

Điểm tiêm chủng phải hẹn giờ khoa học

Điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Trường Tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ vào chiều tối 9/9 có rất đông người đến tiêm. Chị P.B.V, ở phường Bưởi cho biết: “Tôi được tổ trưởng thông báo đi tiêm rất gấp, vì huyết áp thấp nên chỉ kịp uống hộp sữa là đến điểm tiêm ngay. Nhưng khi tới nơi thấy đông người ở ngoài cổng, vào trong cũng đông nên tôi khá lo lắng vì nguy cơ lây nhiễm chéo luôn thường trực ở những nơi đông người”.

tiem hn 1.jpg -0
Nhiều điểm tiêm chủng đông người, nguy cơ lây nhiễm chéo cao nếu người dân không tuân thủ giãn cách.

Tương tự, anh N.H.B ở Hà Nội cho biết, anh tiêm vaccine theo danh sách cơ quan tại một bệnh viện, khi đến nơi, anh cũng khá bất ngờ vì thấy quá đông người tập trung để khai báo, làm thủ tục, khám sàng lọc và tiêm. “Theo tôi, điểm tiêm chủng phải hẹn lịch theo giờ để giảm bớt mật độ tập trung đông người. Tất cả đều được hẹn vào một khung giờ, tập trung đến một lúc gây tình trạng quá tải, điều này rất nguy hiểm nếu có F0 ở đây”, anh B chia sẻ.

Hà Nội đang tăng tốc tiêm chủng để đạt mục tiêu tới ngày 15/9 tiêm xong mũi 1, nên số lượng người tiêm trong những ngày qua rất lớn. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nơi tiêm chủng cũng là khu vực đông người nên nguy cơ lây nhiễm COVID-19 luôn hiện hữu. Việc tiêm chủng để đạt được tốc độ là hết sức cần thiết vì Hà Nội là vùng nguy cơ cao, đã giãn cách thời gian dài.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của chuyên gia, tại các điểm tiêm không được để tụ tập đông người, vì virus lây lan rất nhanh, nhất là biến chủng Delta. Vì vậy, Hà Nội phải có kế hoạch cụ thể như: Mỗi điểm tiêm chủng được cấp bao nhiêu vaccine thì lên kế hoạch tính toán đăng ký hẹn lịch tiêm theo giờ để phù hợp với tốc độ tiêm; đăng ký tiêm online; tổ chức tiêm ở phòng rộng như trường học; người đến tiêm đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách… để tránh lây nhiễm.

Ông Phu cũng nhấn mạnh, tại các điểm tiêm phải phân luồng 1 chiều, đảm bảo giãn cách từ các khâu khai báo y tế, sàng lọc, tiêm và theo dõi sau tiêm. Mỗi người phải nghiêm túc, tự giác tuân thủ nguyên tắc 5K đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch.

Từ chối xét nghiệm nếu nhân viên y tế không khử khuẩn

Hà Nội đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho toàn dân, song có một số nơi, một số người đã ngần ngại hoặc từ chối lấy mẫu xét nghiệm do lo lắng có thể bị lây nhiễm chéo tại khu vực xét nghiệm khi nhân viên y tế không thay găng tay trong quá trình lấy mẫu cho từng người, hoặc họ thấy quá đông người ở một điểm xét nghiệm nên đã bỏ về.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình lấy mẫu, việc không sát khuẩn tay theo đúng quy định là hành động rất nguy hiểm.

Đồng quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, có khả năng xảy ra lây nhiễm chéo nếu nhân viên y tế không thực hiện đúng quy định. Bởi vì khi lấy mẫu, nếu người được lấy là F0, virus có thể dính vào găng tay nhân viên y tế. Nếu không lập tức sát khuẩn tay sau đó, nhân viên y tế lại tiếp tục đưa tay chạm vào mũi người dân tiếp theo, nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Thậm chí, hành động này có thể gây lây nhiễm virus cho rất nhiều người đến lấy mẫu.

Theo một số chuyên gia, Hà Nội đang xét nghiệm toàn bộ người dân thành phố, nếu trong trường hợp xét nghiệm quá nhiều người sẽ khiến cho nhân viên y tế kiệt sức nên việc bảo đảm sát trùng, thay găng tay là rất khó và người dân tập trung quá đông không tuân thủ giãn cách sẽ khiến cho lây lan dịch bệnh. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, nếu cảm thấy không an toàn khi nhân viên y tế không thực hiện sát khuẩn trước khi lấy mẫu, người dân có quyền từ chối lấy mẫu xét nghiệm.

Trước đó, trả lời vấn đề này, BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, sau mỗi lần thực hiện lấy mẫu, nhân viên y tế phải sát khuẩn tay cẩn thận bằng cồn. Nếu lấy mẫu cho người này, chưa sát khuẩn mà lấy mẫu cho người kia là sai quy định.

CDC Hà Nội đã có chỉ đạo tới tất cả đơn vị, nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu, yêu cầu phải có đồ bảo hộ, găng tay đạt chuẩn khi làm việc. Găng tay không cần thay liên tục, nhưng việc sát khuẩn liên tục là bắt buộc.

Đặt tình huống khi phải thực hiện lấy mẫu cho số lượng người quá lớn, cũng có thể xảy ra trường hợp một số nhân viên quên quy trình chuẩn, ông Tuấn cho rằng, trong tình huống này, người dân có quyền giám sát nhắc nhở, yêu cầu người lấy mẫu sát khuẩn đầy đủ trước khi lấy mẫu cho mình. Nếu nhân viên y tế không sát khuẩn tay đầy đủ, người dân có quyền từ chối xét nghiệm.

Trần Hằng

Làm gì khi tiêm vaccine COVID-19 nhưng không có thông tin? Làm gì khi tiêm vaccine COVID-19 nhưng không có thông tin?
Hà Nội: Làm rõ trách nhiệm lãnh đạo phường để người dân chen lấn tiêm vaccine Hà Nội: Làm rõ trách nhiệm lãnh đạo phường để người dân chen lấn tiêm vaccine
Dân "chen lấn" tiêm vaccine ở Trung Văn, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu làm rõ trách nhiệm Dân "chen lấn" tiêm vaccine ở Trung Văn, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu làm rõ trách nhiệm
/ cand.com.vn