Nguy cơ kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc vì cuộc phiêu lưu ở Syria

Nền kinh tế đang dần phục hồi của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ xuống dốc một lần nữa vì chiến dịch quân sự ở đông bắc Syria. 

Một năm trước, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ trải qua khủng hoảng khi mất gần 30% giá trị, một phần do lệnh trừng phạt và thuế quan của Mỹ. Tổng thống Donald Trump khi đó tung ra các biện pháp trừng phạt này để gây áp lực buộc Ankara thả Andrew Brunson, mục sư người Mỹ bị bắt với cáo buộc khủng bố. Ông này sau đó đã được trả tự do.

nguy co kinh te tho nhi ky lao doc vi cuoc phieu luu o syria
Lửa cháy, khói bốc lên từ thị trấn Tal Abyad, Syria, nơi hứng chịu đợt tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/10. Ảnh: AFP.

Đồng lira gần đây đã ổn định và lạm phát giảm, cho thấy nền kinh tế trị giá 766 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu vượt qua suy thoái tồi tệ nhất trong gần hai thập kỷ.

Tuy nhiên, đồng lira tuần này giảm 3% xuống 5,9 lira đổi một USD, mức thấp nhất trong gần 4 tháng, sau khi Ankara mở chiến dịch quân sự tấn công lực lượng dân quân người Kurd (YPG) ở đông bắc Syria. Thị trường chứng khoán nước này cũng đi xuống.

Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm lãi suất kể từ tháng 7 để thúc đẩy cho vay, nhưng các nhà đầu tư lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể tiếp tục nới lỏng chính sách và cuộc chiến ở Syria có thể trì hoãn đà phục hồi kinh tế. Ngành du lịch cũng có thể bị ảnh hưởng nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sa lầy lâu dài trong chiến sự.

Rủi ro lớn nhất với Ankara là đảng Cộng hòa ở Mỹ ngày càng quyết tâm hơn trong việc trừng phạt họ vì chiến dịch chống lại người Kurd ở Syria, đồng minh chủ chốt của Washington trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, đồng minh thân cận của Trump, hôm 9/10 cùng một nghị sĩ đảng Dân chủ công bố khuôn khổ cho đề xuất biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ trích quyết định rút quân của Mỹ. Graham muốn áp lệnh trừng phạt với tài sản của Tổng thống Erdogan và các quan chức hàng đầu khác, áp đặt hạn chế thị thực và xử phạt bất cứ ai giao dịch quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất năng lượng nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt hơn do việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga trong năm nay bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Washington.

"Các lệnh trừng phạt rộng hơn sẽ thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta sẽ phải tính đến nguy cơ suy thoái mới trong bối cảnh nền kinh tế vẫn dễ bị tổn thương sau cuộc khủng hoảng năm 2018", Lizrich Leuchtmann, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Ngân hàng Commerzbank ở Frankfurt, nói.

Không rõ quốc hội Mỹ có ủng hộ đề xuất của Graham hay không, cũng không rõ quan điểm của Trump về đề nghị này. Trump vốn có quan hệ tốt với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và đã nói chuyện với ông này trước khi rút lực lượng Mỹ khỏi Syria. Tuy nhiên, đầu tuần này, Tổng thống Mỹ cảnh báo sẽ xóa sổ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ làm bất cứ điều gì "vượt giới hạn" ở Syria, nhưng không nói cụ thể như thế nào là vượt giới hạn.

"Áp lực chính trị ngày càng tăng thì Trump càng có khả năng tuyên bố hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đi quá giới hạn", Leuchtmann nói thêm.

"Tình hình quan hệ với Mỹ là mối lo ngại quan trọng mà chúng tôi chưa thể dự đoán được sẽ diễn biến thế nào", một quan chức cấp cao giấu tên trong ngành ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ nói. Ông cho rằng mối lo ngại sẽ tiếp diễn cho đến khi Erdogan dự kiến họp với Trump ở Mỹ ngày 13/11.

Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố để xoa dịu nỗi lo về rủi ro kinh tế: "Chúng tôi cho rằng sẽ không có tác động tiêu cực lâu dài đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch quân sự nhằm ngăn chặn những tổn thất có thể phát sinh trong tương lai ở nhiều khu vực khác nhau".

"Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng cho nền kinh tế cấu trúc mạnh mẽ hơn trong năm qua để đối mặt tất cả loại kịch bản", tuyên bố có đoạn viết.

Việc Mỹ áp đặt thêm biện pháp trừng phạt có thể gây ra phản ứng dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một bài phát biểu hôm 9/10, Erdogan đã khơi dậy tinh thần chủ nghĩa dân tộc chống lại các nước châu Âu đã chỉ trích Ankara.

"Hiện giờ, tinh thần chủ nghĩa dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng vọt", Galip Dalay, học giả tại Đại học Oxford, nói.

"Nếu được thông qua, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ khiến các quan chức ở Ankara tin rằng họ đã quyết định đúng đắn khi xích lại gần Nga (bằng cách mua hệ thống phòng thủ tên lửa), và dù Trump có thiện cảm với Thổ Nhĩ Kỳ, phần còn lại của Washington đều có quan điểm thù địch", Dalay nói.

Phương Vũ (Theo Reuters)

nguy co kinh te tho nhi ky lao doc vi cuoc phieu luu o syria Quân Mỹ hứng pháo kích từ Thổ Nhĩ Kỳ
nguy co kinh te tho nhi ky lao doc vi cuoc phieu luu o syria Nhiều nước phản ứng cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ vì đưa quân vào Syria
nguy co kinh te tho nhi ky lao doc vi cuoc phieu luu o syria Lính Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên chết trong chiến dịch tấn công Syria
nguy co kinh te tho nhi ky lao doc vi cuoc phieu luu o syria EU có thể trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ
nguy co kinh te tho nhi ky lao doc vi cuoc phieu luu o syria Thổ dọa cho châu Âu "ngập" người tị nạn, Mỹ cảnh báo "lằn ranh đỏ"
/ vnexpress.net