Hình ảnh người giúp việc đánh rồi tung hứng với em bé 1 tháng 17 ngày tuổi khiến nhiều người phẫn nộ. Điều dư luận quan tâm, liệu cháu bé có bị ảnh hưởng sức khỏe
Đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ giúp việc đánh rồi tung hứng đứa trẻ mới hơn một tháng tuổi khiến tất cả gần như chết lặng. Nhiều người không đủ can đảm để xem đến giây cuối cùng của đoạn clip.
Trong 3 clip được bố mẹ cháu nhỏ ghi lại, một người giúp việc chừng 50 tuổi đã liên tục dùng tay tát, đánh vào đầu, mặt, miệng rồi tung đứa bé lên cao. Những hành động bạo lực, gần như mất hết tính người này có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đối với trẻ, đặc biệt là vùng đầu - thóp khi phần xương này chưa hoàn thiện.
Người giúp việc liên tục tát, đánh vào mặt, miệng cháu bé mới hơn 1 tháng tuổi. (Ảnh cắt từ clip)
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trẻ mới sinh, cơ và dây chằng vùng cổ yếu, chưa phát triển nên chưa thể chịu đựng được sức nặng của đầu. Bên cạnh đó, não của trẻ lại mềm, màng não mỏng. Vì thế, nếu bị rung lắc mạnh, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não. Khi não không có sự di chuyển đồng bộ sẽ gây ra sự đập trở lại xương sọ làm giập não, phù, chảy máu trong não...
Theo các tài liệu trên thế giới, trẻ mắc hội chứng rung lắc khối não sẽ di chuyển theo quán tính vật lý và có thể va đập vào hộp sọ, làm não bị sưng phù, áp lực nội sọ tăng lên và tổn thương các mạch máu trong não. Các tổn thương não sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh lâu dài cho trẻ. Tổn thương nhẹ có thể làm cho trẻ chậm phát triển thần kinh, mất khả năng nói năng lưu loát, học tập không tiếp thu được bài vở. Tổn thương nặng có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, gây giảm thị lực hoặc mù, điếc, liệt thần kinh, co giật, thậm chí gây tử vong.
PGS.TS Dũng khuyến cáo, tuyệt đối không rung lắc trẻ quá mạnh, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Khi thấy trẻ có những biểu hiện như bị kích thích mạnh, đờ đẫn, ngủ mê mệt, da xanh tái, ăn, bú khó, khó nuốt hoặc nôn không có lý do rõ ràng, khó thở, cứng cổ, nghẹo về một bên... thì cần gọi cấp cứu ngay.
Liên quan đến vụ người giúp việc bạo hành trẻ 1 tháng 17 ngày, các chuyên gia của trung tâm Tư vấn Tâm lý An Việt Sơn lo ngại, về mặt tâm lý, trẻ bị bạo hành sẽ bị ám ảnh một thời gian dài, thậm chí cả đời. Trẻ bị bạo hành có thể trở nên nhút nhát, đôi khi biểu hiện sợ ăn, có thể giảm sự thích nghi khi tới một nơi mới hoặc gặp người lạ. Theo các bác sĩ Nhi khoa, sau bạo hành, trẻ thường có biểu hiện sợ sệt, ngại tiếp xúc với người bạo hành trẻ và cả mọi người xung quanh, trở nên sống khép kín. Với trường hợp cháu bé trên còn quá nhỏ nên dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành rất khó phát hiện, còn với những trẻ lớn hơn 3-5 tuổi thì có những biểu hiện rất rõ rệt.
Dưới đây là 5 cách nhận biết và phòng tránh bé bị giúp việc bạo hành:
1. Không hợp tác với người giúp việc trong nhiều hoạt động hoặc hợp tác với sự chống đối, cưỡng bức.
2. Khóc thét hoặc tự nhiên khóc thét khi ở riêng với người giúp việc: Đang ngủ, đang tắm, đang học bài, đang chơi...
3. Nhắc đến người giúp việc là không thích, lảng đi hoặc tỏ thái độ không vui.
4. Khóc tức tưởi và lao ngay đến khi gặp lại cha mẹ. Trẻ chưa biết nói thì co rúm người lại, sợ sệt nép vào lòng cha mẹ, ánh mắt nhìn xuống hoặc không dám nhìn người giúp việc.
5. Phản kháng lại dữ dội như: Đánh, cào, ném đồ chơi vào người giúp việc...
Ngay khi phát hiện ra một trong năm biểu hiện như trên, cha mẹ cần tiến hành ngay các giải pháp giúp con sớm thoát khỏi trạng thái tâm lý nặng nề đó tránh ảnh hưởng lâu dài.
Người giúp việc hành hạ bé gái một tháng tuổi có thể bị phạt 3 năm tù
Liên quan đến vụ việc em bé hơn 1 tháng tuổi bị giúp việc bóp miệng, đập vào đầu, tung lên cao ở Hà Nam, ... |
Bé 1,5 tháng tuổi ở Hà Nam bị giúp việc đánh, tát vào mặt
Video ghi cảnh một trẻ sơ sinh bị người giúp việc dùng tay tát liên tiếp vào mặt rồi tung lên cao khiến nhiều người ... |
http://www.nguoiduatin.vn/nguy-co-be-1-thang-tuoi-bi-nguoi-giup-viec-bao-hanh-gap-phai-a348319.html