Nguồn vốn chính sách giúp người dân, doanh nghiệp vượt khó

Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến đời sống người lao động và người sử dụng lao động. Để kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, Chính phủ và thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực, đặc biệt là từ nguồn vốn chính sách. Nhờ đó, nhiều lao động, doanh nghiệp bước đầu vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Bà Khương Thị Thu Huyền ở thôn Yên (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) cho hay, gia đình làm nghề mộc, 2 năm qua, do dịch Covid-19, việc sản xuất của gia đình bà gặp nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, xưởng sản xuất của bà Huyền có gần 20 lao động nhưng nay chỉ còn khoảng 10 người làm việc. Rất may, gia đình vừa được hỗ trợ vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua thêm máy móc, nguyên vật liệu, giúp gia đình dần phục hồi sản xuất...

Cũng là người được vay vốn chính sách, Giám đốc Công ty TNHH Giày Hồng Phúc Phùng Mạnh Tuyên (phường Biên Giang, quận Hà Đông) vui mừng cho hay, thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội rất thuận lợi, nhanh chóng, với lãi suất 0% đã giúp công ty kịp thời trả lương cho người lao động để bảo đảm cuộc sống; đồng thời giúp hoạt động của công ty không bị ngừng trệ.

Theo Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thất Dương Quốc Mạnh, đến hết tháng 2-2022, tổng dư nợ 9 chương trình vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện là 474,6 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, 77 hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn gần 2,8 tỷ đồng; 230 hộ cận nghèo vay gần 9,3 tỷ đồng; 977 hộ mới thoát nghèo vay hơn 39 tỷ đồng; 7.100 hộ vay giải quyết việc làm là hơn 303 tỷ đồng… Nguồn vốn này tuy không lớn nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với các hộ sản xuất, kinh doanh; giúp nhiều hộ dân trên địa bàn vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Thông tin về nguồn vốn chính sách Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, năm 2021, UBND thành phố Hà Nội và UBND cấp huyện đã chuyển 1.247 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn vay; trong đó, dành riêng 500 tỷ đồng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong năm 2021, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội kịp thời thực hiện Quyết định số 1990/QĐ-TTg ngày 26-11-2021 về việc giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng số tiền là 22,8 tỷ đồng, cho 963.835 lượt vay trong những tháng cuối năm 2021.

Để tiếp tục hỗ trợ các chủ thể, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết khẳng định, năm 2022, Chi nhánh phối hợp cùng các sở, ngành tham mưu UBND thành phố phân bổ nguồn vốn ngân sách 900 tỷ đồng đã giao bổ sung ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, các đối tượng chính sách và người lao động, cơ sở sản xuất, kinh doanh… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng với đó, Chi nhánh phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND thành phố ban hành Quy chế cho vay cơ sở sản xuất, kinh doanh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác xã, hộ kinh doanh; tiếp tục triển khai chính sách cho vay đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất...

Nguồn vốn chính sách giúp người dân, doanh nghiệp vượt khó
Loạt doanh nghiệp nguy cơ rời sàn vì lỗ triền miên Loạt doanh nghiệp nguy cơ rời sàn vì lỗ triền miên
Quảng Ngãi: Xôn xao nghi vấn gạo giả hỗ trợ người nghèo Quảng Ngãi: Xôn xao nghi vấn gạo giả hỗ trợ người nghèo
/ www.hanoimoi.com.vn