Xây xong căn nhà 700 triệu đồng, một hộ dân ở xã Trà Linh lên núi nhổ 5 kg sâm thanh toán cho nhà thầu.
Những ngày đầu năm, ông Hồ Văn Díu ở thôn 3, xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) bận rộn giám sát nhóm thợ dựng căn nhà gỗ ba gian hai chái rộng gần 100 mét vuông; bốn phía xây bê tông cốt thép.
Ông Hồ Văn Díu giám sát thợ thi công căn nhà gỗ. Ảnh: Đắc Thành.
Ông Díu cho biết nền nhà sẽ lát gạch hoa, trần bằng gỗ; công trình phụ được lắp đặt nóng lạnh, vòi hoa sen... với tổng mức đầu tư ngôi nhà khoảng 700 triệu đồng.
Năm 1997, ông Díu vào làm nhân viên tại Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam. Sau nhiều năm, ông học được cách trồng sâm và tự mình triển khai. Gia đình ông có năm người con trai cùng nhau lên núi ở độ cao hơn 2.000 m dựng nhà ở, trồng hàng nghìn cây sâm dưới tán rừng nguyên sinh.
20 năm sau, nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông lên núi Ngọc Linh, ông Díu xuống núi dựng nhà bên đường. Ban đầu, ông làm căn nhà gỗ cho hai vợ chồng ở hết gần một tỷ đồng vào năm 2018; sau đó dựng thêm ngôi nhà tương tự cho con trai đầu cách nhà ông gần 100 m, trị giá hơn 700 triệu đồng.
"Hai căn nhà đã hoàn thành và đầu năm 2019 tôi làm tiếp căn thứ ba cho con trai thứ", ông Díu nói và cho hay sẽ lần lượt làm cho mỗi người con trai một căn nhà để ra ở riêng. Đất ông đã mua, thuê máy san ủi mặt bằng và chỉ cần gọi thợ đến thi công.
Phương thức làm nhà của ông Díu là hợp đồng bằng miệng với chủ thầu. Gia chủ đưa ra yêu cầu về quy mô ngôi nhà và hai bên thống nhất khi bàn giao công trình sẽ trả bằng sâm Ngọc Linh. Cứ mỗi căn nhà rộng gần 100 mét vuông được xây xong, ông Díu lên núi nhổ 5 kg sâm đưa cho chủ thầu.
"10 củ sâm Ngọc Linh loại một nặng khoảng một kg, giá 120-150 triệu đồng. Ngoài xây nhà, tôi còn đặt cọc mua xe ôtô ở Đà Nẵng với giá hơn một tỷ đồng, đang chờ họ bàn giao xe và trả bằng 10 kg sâm", ông Díu nói.
Ở xã Trà Linh, cũng như gia đình ông Díu, hàng chục hộ khác đã đổi sâm lấy nhà, ôtô trong những năm gần đây.
Bước chân vào nóc Tắk Lang, thôn 3, xã Trà Linh, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy nhà cao tầng mọc san san ở lưng chừng núi, trong đó ông Hồ Văn Hình xây dựng cơ ngơi hoành tráng nhất vùng.
Ông Hình đã đầu tư dãy công trình kéo dài gần 100 m mặt tiền, đầu tiên là khu vực để ôtô, xe máy, máy xay xát gạo, kho, bếp ăn, rồi đến ngôi nhà hai tầng hơn 100 mét vuông và căn nhà cấp bốn được lắp điều hòa các phòng; phía dưới là bờ kè chống sạt lở cao hơn 5 m.
Dãy công trình của ông Hồ Văn Hình. Ảnh: Đắc Thành.
"Tổng mức đầu tư xây nhà của gia đình tôi trên 10 tỷ đồng, trong đó riêng bờ kè là 2,4 tỷ đồng. Tất cả đổi hết một tạ sâm. Chi phí xây dựng ở miền núi đắt đỏ gấp 5 đến 10 lần so với dưới xuôi do vận chuyển vật liệu lên gặp khó khăn", ông Hình nói và thông tin thêm, một bao xi măng bán tại trung tâm xã khoảng 100.000 đồng, cõng lên đến nóc Tắk Lang mất 3 giờ, tiền công 500.000 đồng mỗi bao; cát, sỏi, đá tính theo cân nặng, cứ một kg thì tiền công vận chuyển là 10.000 đồng.
"Sâm trồng trên núi, cần thứ gì gia đình lại lên nhổ loại lâu năm mang xuống đổi. Trước Tết tôi đổi hơn 10 kg sâm lấy chiếc ôtô", ông Hình cho hay.
Ông Hồ Văn Thể, chủ tịch xã Trà Linh cho biết người dân địa phương hiếm khi mua sắm bằng tiền mặt, họ dùng sâm để giao dịch, từ xây nhà cho đến các vật dụng thường ngày.
"Sắp tới đường to mở vào làng thì sẽ có thêm nhiều ôtô và nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên. Mọi người thường gọi nóc Tắk Lang là làng tỷ phú quả không sai", ông Thể nói.
Làng tỷ phú Tắk Lang nằm giữa núi rừng. Ảnh: Đắc Thành.
Theo thống kê của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nam Trà My, tính đến cuối năm 2018, người Xê Đăng ở xã Trà Linh gửi tiết kiệm gần 200 tỷ đồng, trong đó nhiều hộ gửi từ 2 đến trên 5 tỷ đồng.
Sâm Ngọc Linh được người dân Xê Đăng sống ở ngọn núi cao nhất miền Trung dùng để chữa bệnh và bán thương mại. Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với 30.000 hecta, đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Đầu tháng 6/2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia.
Huyện Nam Trà My hiện có 1.300 ha sâm Ngọc Linh và hơn 1.500 hộ dân thuộc bảy xã đang đăng ký trồng thêm 2.500 ha; bảy doanh nghiệp đăng ký trồng gần 300 ha.
Bán 27kg sâm củ, phiên chợ sâm Ngọc Linh thu về gần 2,3 tỷ đồng
Sau 3 ngày họp chợ, phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 18 đã bán ra tổng cộng 27kg sâm củ và thu về số ... |
Bán ra 55kg sâm củ, chợ phiên sâm núi Ngọc Linh thu gần 4,2 tỷ đồng
Phiên chợ sâm núi Ngọc Linh lần thứ 15 đã bán ra tổng cộng 55kg sâm củ và thu về số tiền lên đến gần ... |