Người Việt tăng ca, làm nhiều mà năng suất thấp vì lề mề

Công nhân hiện nay thực sự có như cầu tăng ca để tăng thu nhập, vì nếu cứ làm 8 tiếng/ngày thì thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống.

Lao động chân tay không có lựa chọn, làm ít thu nhập cao

Bàn về việc tăng giờ làm trong dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, anh Nguyễn Văn Sang (SN 1988), công nhân công ty TNHH Stellapharm tại KCN VSIP 1, thị xã Thuận An, Bình Dương cho hay, hiện nay anh đang làm việc theo ca 8 tiếng với thu nhập khoảng 6 triệu/tháng, có tháng tăng ca thì thu nhập gần 10 triệu.

Theo anh Sang, công nhân hiện nay thực sự có như cầu tăng ca để tăng thu nhập, vì nếu cứ làm 8 tiếng/ngày thì không đủ để trang trải cuộc sống, trong khi còn phải nuôi con cái, tiền thuê trọ, chi phí sinh hoạt khác,…

Không tăng giờ làm, công nhân không đủ thu nhập để trang trải cuộc sống. Ảnh: Minh Tâm

“Ai mà không muốn làm ít thời gian để nghỉ ngơi, nhưng lại không có tiền, vì cuộc sống nên những người công nhân như chúng tôi phải cố gắng làm thêm giờ, chấp nhận xa gia đình con cái để làm việc” - anh Sang chia sẻ.

Đồng quan điểm, anh Hồ Văn Hiền (SN 1993, công nhân công ty gỗ tại Bình Dương) cho biết, trước đây khi chuẩn bị vào làm việc anh hỏi trước công ty có tăng ca không, nếu có anh vào mới làm vì biết nếu 8 tiếng/ngày thì thu nhập rất thấp.

Anh Hiền cho biết, 5 năm nay ngày nào anh cũng tăng ca thêm 2-3 tiếng/ngày. Đặc thù công việc khá nặng nhọc, nhưng anh chấp nhận làm để tăng thu nhập. Nếu luật lao động mới tăng giờ làm thì anh cũng đồng thuận, vì những người lao động chân tay không có nhiều lựa chọn những công việc làm ít thời gian mà có thu nhập cao.

Góp ý về dự thảo này, ông Huỳnh Văn Chữ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần bao bì và khoáng sản số 1 (trụ sở tại khu chế xuất Bình Chuẩn, Bình Dương) cho hay, bản thân các doanh nghiệp khi sử dụng lao động đều muốn họ tăng cường sản xuất để đảm bảo nguồn hàng. Tuy vậy, cũng phải quan tâm đến sức khỏe của người lao động, không thể bắt buộc công nhân làm quá sức, quá giờ.

Ông Chữ cho rằng, qua nhiều năm phụ trách về mảng lao động việc làm nhận thấy nhu cầu làm thêm của công nhân là có thật. Rất nhiều công nhân khi đến làm việc câu hỏi trước tiên là công ty có cho tăng ca không, nếu không họ rút hồ sơ đi xin việc chỗ khác.

Từ nhu cầu đó, ông Chữ đưa ra đề xuất, các doanh nghiệp nên cân đối thời gian làm việc cho công nhân. Cụ thể, có thể cho công nhân làm thêm giờ theo từng giai đoạn, từng thời điểm trong năm để họ có thêm thu nhập. Khoảng thời gian còn lại người lao động có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức lao động để tiếp tục sản xuất.

“Tôi nghĩ không thể không cho công nhân làm thêm giờ vì đó là nhu cầu thực tế của họ, nhưng các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét, nghiên cứu làm sao để hài hòa quyền lợi cho người lao động” - ông Chữ nói.

Giảm giờ làm là xu hướng tất yếu

Trong khi nhiều công nhân muốn tăng giờ làm để tăng thu nhập thì nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ việc giảm giờ làm để tái tạo sức lao động.

Công nhân cũng muốn giảm giờ làm, nhưng thu nhập không đủ sống nên buộc phải tăng ca. Ảnh: Minh Tâm

Ông Củ Phát Nghiệp Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Pouyen Việt Nam nêu quan điểm, công ty đang sử dụng 62.000 lao động, đa số là lao động phổ thông, do đó, việc tăng và giảm giờ làm sẽ có nhiều ảnh hưởng tới sản xuất.

Tuy nhiên, ảnh hưởng là rất tích cực nếu giảm giờ làm theo góp ý của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm và Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân.

Ông Nghiệp cho rằng, hiện công ty đang thực hiện 48 giờ/tuần nhưng sẽ ủng hộ xu hướng giảm còn 44 và tiến tới là 40 trong năm 2030.

Giảm giờ làm có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động. Về phía doanh nghiệp, tiết giảm được chi phí, theo đó sẽ dùng đầu tư cải tiến công nghệ để theo kịp tiến độ.

Về người lao động, giảm giờ làm sẽ giúp họ có thời gian nghỉ nghơi, du lịch vừa bảo đảm sức khỏe, vừa có thời gian chăm sóc đến hạnh phúc gia đình và bản thân. Với những người cầu tiến, họ còn có thời gian học hành để tích lũy thêm kiến thức.

Giảm giờ làm giúp công nhân tái tạo sức lao động, từ đó kéo theo năng suất tăng vì có sức khỏe, đầu óc minh mẫn khi không bị áp lực tăng ca bào mòn.

Anh Huỳnh Văn Trọng, công nhân của Pouyen cũng bày tỏ quan điểm, giảm giờ làm giúp công nhân có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình. Lại thêm, có thời gian vui chơi, mua sắm góp phần kích cầu tiêu dùng cho xã hội. 

Tăng năng suất là tác phong làm việc

Theo nguyên Trưởng phòng nghiên cứu khoa học viện công nhân và công đoàn Đặng Quang Hợp, hiện một bộ phận không nhỏ muốn làm thêm vì thu nhập thấp, điều đó cho thấy họ cũng không muốn tăng giờ làm mà do yếu tố thu nhập buộc họ muốn vậy.

"Quan điểm của tôi giữ nguyên giờ làm. Nếu có ý định tăng giờ làm thêm thì phải bớt giờ chính thức từ 48 xuống 44", lời ông Hợp.

Theo ông Hợp, tính tích cực của giảm giờ làm, người lao động được nghỉ ngơi, có điều kiện chăm sóc gia đình, bản thân họ. Giảm giờ làm buộc người sử dụng lao động đổi mới công nghệ, quản lý, quản trị tốt hơn.

“Giảm giờ làm năng suất tăng chứ không giảm, ví dụ trước đây anh cần 7 giờ hoàn thành 10 con dao,  giả sử giảm xuống dưới 7 giờ anh vẫn tìm mọi cách để hoàn thành 10 con dao đó. Nói vậy để thấy, giảm giờ làm là xu hướng và không thể cưỡng lại”, ông Hợp khẳng định.

Với kinh nghiệm từng làm việc cho các công ty của Đài Loan, Nhật, anh Bùi Văn Quang, cán bộ cấp cao của Công ty Tanaka Nhật Bản tại Đồng Nai nhận thấy, giảm giờ làm là xu hướng tất yếu và có lợi cho 2 bên.

Người Nhật, có xu hướng và tác phong làm việc rất công nghiệp, ngược lại người Việt Nam dù làm nhiều nhưng năng suất thấp là do tác phong lề mề, mang nặng tư tưởng “câu giờ”.

“Giảm giờ làm không ảnh hưởng đến năng suất làm việc, mà năng suất được quyết định theo tác phong và thái độ làm việc của người lao động”, anh Quang chỉ rõ.

E ngại việc tăng thêm 3 ngày nghỉ
Năng suất lao động tư nhân "bét" bảng: Sự thật buồn hơn
Vì sao năng suất doanh nghiệp tư nhân mãi lẹt đẹt?

 

/ vietnamnet.vn