Người Việt sinh sống tại Ukraine chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản Moskva mở chiến dịch quân sự nhưng lại bất ngờ trước việc Nga tấn công các thành phố lớn ở Ukraine.
Là người Việt Nam học tập và sinh sống ở Ukraine từ năm 1990, với anh Lê Duy Mạnh – một doanh nhân gốc Việt ở thành phố Odessa, nơi đây trở thành quê hương thứ hai, là nơi anh gắn bó và yêu thương. Chính vì thế, mọi tổn thương của Ukraine chắc chắn cũng khiến anh lo lắng và luôn cầu mong đất nước hoà bình, yên ổn để anh và mọi người yên tâm làm ăn.
Thế nhưng, cuộc tấn công của lực lượng Nga sáng sớm ngày 24/2 đã làm gián đoạn cuộc sống bình yên của gia đình anh cũng như nhiều người ở thành phố Odessa.
"Tối qua cũng chưa có động tĩnh gì. Nhưng tới 5h sáng có tiếng nổ. 30 phút sau đó, một sân bay tập lái ở Odessa bị tấn công bằng tên lửa dẫn đường", anh Lê Duy Mạnh chia sẻ.
Con phố vắng người qua lại ở Odessa. |
Anh Mạnh cho biết, anh và nhiều người khác đã sẵn sàng cho kịch bản Nga tấn công. Thế nhưng không ít người vẫn bất ngờ bởi họ tin chiến sự sẽ chỉ diễn ra cục bộ ở miền Đông thay vì việc Moskva tấn công vào nhiều thành phố lớn của Ukraine như Odessa hay Kharkov.
"Hầu hết đều cho rằng chiến sự sẽ chỉ diễn ra ở miền Đông hoặc Nga sẽ tấn công từ Crimea. Ít ai ngờ Nga sẽ triển khai cánh quân từ Belarus và tấn công vào các thành phố lớn", anh Mạnh nói.
Hôm 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm đáp trả các mối đe dọa đến từ Ukraine.
RT dẫn tuyên bố của lực lượng biên phòng Ukraine cho biết họ bị tấn công từ 3 hướng là phía bắc giáp với Belarus, phái tây nam là quân từ bán đảo Crimea và phía đông giáp Nga. Các chiến dịch tấn công của Nga nhằm vào các khu vực ở biên giới phía đông và phía bắc của Ukraine.
Riêng với Odessa, anh Mạnh cho biết 6 điểm tại thành phố nơi anh sinh sống bị tấn công.
"Khoảng 9h sáng, quân đội Nga nã rocket vào một doanh trại quân đội. Sau đó, trường học viện quân sự Odessa và một kho quân sự bị tấn công", anh cho hay.
Tại Odessa và nhiều thành phố khác ở Nga, cuộc sống của người dân ít nhiều chịu ảnh hưởng sau hàng loạt các cảnh báo chiến tranh từ phương Tây, đặc biệt là 1-2 tuần trở lại đây.
Tình hình nghiêm trọng hơn khi giới chức Ukraine ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 23/2 và mới đây nhất là lệnh thiết quân luật.
"Công việc bị đình trệ. Mọi người gần như ở nhà. Đường sá ít người qua lại hơn vì mọi người muốn tránh cảnh tên bay, đạn lạc. Tuy nhiên, nhịp sống vẫn diễn ra như bình thường. Dòng người tại các cửa hàng đông hơn đôi chút. Các cây xăng cũng đông xe cộ lui tới hơn. Có thể một số người tính tới chuyện rời thành phố trường trường hợp chiến sự căng hơn. Nhưng hiện tại thì chưa ai rời đi cả", anh Mạnh chia sẻ.
Bản thân anh và con trai mua thêm thực phẩm dự trữ cho những ngày tới. Là người sống và gắn bó với Ukraine hơn 30 năm qua, anh Mạnh cho biết anh chưa hề có ý định rời đi. Dù vậy, nếu cuộc chiến hiện tại kéo dài, anh sẽ tính thêm các phương án khác.
Người dân thành phố Odessa đi đổ xăng và mua tích trữ nhiên liệu trong bối cảnh toàn quốc giới nghiêm. Anh Mạnh chưa có ý định rời đi nhưng sẽ tính thêm các phương án khác nếu cuộc chiến kéo dài. |
"Nhưng tôi tin là Nga sẽ không kéo dài cuộc tấn công này. Đây có thể chỉ là đòn đánh phủ đầu, chớp nhoáng của Nga để đưa mọi việc tới bàn đàm phán", anh chia sẻ.
Giống như anh Mạnh, hầu hết những người Việt khác ở thành phố đông nam Ukraine cũng không quá lo ngại về tình hình hiện tại.
Tại Làng Sen - nơi tập trung đông người Việt nhất tại Odessa, một tên lửa rơi xuống cách đó 500 m. Nhưng nhiều người chỉ chạy ra ngoài, quan sát. Họ không tỏ ra sợ hãi hay hoảng loạn.
Về các thông tin mà truyền thông phương Tây đăng tải cho biết một quân đội của Nga đã độ bổ vào Odessa hay xe tăng Nga di chuyển vào các thành phố của Ukraine, anh Mạnh cho rằng đây là điều không thể.
"Nếu tiến vào Odessa thì con đường nhanh nhất là qua Crimea, nhưng cũng phải tới 300 km. Còn bản thân các thành phố lớn không thể trong tình trạng vườn không nhà trống để lực lượng Nga cứ thế mà tiến vào", anh cho hay.
Chiều cùng ngày, theo thói quen anh Mạnh lái xe đi một vòng quanh khu vực nơi anh sinh sống. Đường phố vắng vẻ hẳn so với bình thường. Chỉ có tại các điểm nạp nhiên liệu và bán xăng dầu, xe cộ đông hơn một chút khi người dân xếp hàng dài chờ đổ đầy bình và mua dự trữ.
Sau tiếng nổ vào sáng sớm, trưa và chiều không khí tĩnh lặng hơn, không có thêm bất cứ âm thanh khó nghe nào. Tuy nhiên, mọi người dự đoán sẽ có một cuộc tấn công mới trong chiều hoặc tối nay.
Anh Mạnh nhận định, vài ngày tới sẽ khá khó khăn khi chính phủ Ukraine cắt kết nối đường ống khí đốt với Ukraine – vốn là nguồn cung cấp năng lượng chính cho đất nước. Một điều yên tâm chút là giá cả có vẻ chưa có nhiều tác động. Anh Mạnh vẫn đổ đầy bình xăng với giá cả như trước khi sự kiện xảy ra.
Anh và cùng nhiều người Việt, đặc biệt là nhóm đồng hương tại thành phố Odessa, vẫn giữ liên lạc với nhau, cũng như thường xuyên nhận thông tin từ đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine. Hiện tại, việc anh và mọi người có thể làm là bình tĩnh chờ tình hình, diễn biến sẽ thay đổi trong tương lai.
Trước các thông tin liên quan đến diễn biến tình hình Ukraine hiện tại, hôm 24/2, trả lời VTC News, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cho biết: "Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đang theo dõi sát sao tình hình chiến sự, đồng thời đã liên lạc với cộng đồng người Việt. Bà con cho biết vẫn bình tĩnh, chưa ai có ý định sơ tán".
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch, ông đã gọi điện và nắm tình hình cộng đồng người Việt tại Donetsk. Ông cho biết, tình hình ở khu vực vẫn ổn định, không có xáo trộn. "Mọi người Việt ở Ukraine vẫn giữ bình tĩnh theo dõi diễn biến", Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch thông tin.