Người trốn chui lủi trong xe tải chở lốp sang Anh: "Tôi khiếp sợ rồi, giờ cho tiền tôi cũng không đi"

Sau 8 năm sống cuộc đời chui lủi, lặng câm bên nước Anh phồn hoa, giờ nhắc lại anh T. vẫn rùng mình thốt lên: Khiếp sợ rồi... Giờ cho tiền tôi cũng không đi.

Suốt gần 1 tuần qua, thông tin phát hiện 39 thi thể trong xe container ở Anh có thể là những người nhập cư bất hợp pháp đến từ Việt Nam khiến nhiều hộ dân ở huyện Yên Thành, Nghệ An thấp thỏm, lo lắng. Không khí nặng nề bao trùm khắp các con phố ở làng quê Nghệ An. Đâu đâu, người dân cũng bàn tán về thông tin người Việt nghi gặp nạn ở Anh.

Đến nay, hàng chục gia đình nơi đây làm đơn trình báo về việc mất liên lạc với người thân đang lao động ở nước ngoài, có nhà còn lập bàn thờ con sau khi nhận được thông tin con em họ có thể đã bỏ mạng trong chiếc container đông lạnh ở Anh. 

Chứng kiến những gì đang xảy ra ở các ngôi làng được mệnh danh là "giàu nhất nước", "làng đi Tây", nhiều người đặt ra câu hỏi: "Cuộc sống của những người Việt vượt biên trái phép sang Anh thế nào, có phồn hoa, phố thị như nhiều người nghĩ không, hay chỉ là chốn lao tù ở nơi phố thị xa hoa. Vì sao nhiều gia đình chấp nhận chi số tiền “khủng” hàng trăm, thậm cả tỷ đồng để người thân vượt biên sang Anh làm thuê, phó mặc mạng sống cho những kẻ buôn người?".

"Cho tiền vượt biên sang Anh tôi cũng không đi"

Chia sẻ với phóng viên VTC News về cuộc sống nơi đất khách quê người, anh Nguyễn Văn T. (39 tuổi, quê ở huyện Yên Thành) - người vừa trở về từ nước Anh sau hơn 8 năm lưu lạc phải thốt lên ngay rằng: "Tôi khiếp sợ rồi. Trước đây, cứ nghĩ bên đó dễ kiếm tiền, nhưng không phải thế. Lao động bất hợp pháp luôn bị cảnh sát Anh truy quét nên sống luôn chui lủi, rất cơ cực”.

Anh T. nói bằng giọng chua chát rằng cuộc sống bên đó hoàn toàn không như mọi người nghĩ, người ngoài cuộc thì muốn vào, còn người trong cuộc chỉ muốn chui ra.

 Anh Nguyễn Văn T. vẫn ám ảnh khi kể về cuộc sống chui lủi, cơ cực ở nước Anh phồn hoa.

Được biết, năm 2004, anh T. đi xuất khẩu lao động sang Nga. Gần 7 năm làm ăn khốn khó nhưng thu nhập không được bao nhiêu nên anh nghe theo lời bạn bè tìm đến nước Anh – nơi được dân vượt biên coi là "miền đất hứa".

Năm 2011, được người bạn dắt mối, anh T. rời nước Nga, đi suốt ngày 7 ròng rã mới đến được nước Pháp bằng xe tải.

"Sau đó, chúng tôi đi đến một khu vực heo hút ở gần biên giới Pháp - Anh, chuyển sang một chiếc xe tải chở lốp. Nhóm chúng tôi đi có 13 người, trong đó có 8 người Việt Nam. Trước khi lên xe tải, tài xế phát cho chúng tôi mỗi người một con dao nhỏ bảo khi nào nghe tiếng đập cửa thì lấy dao rạch thùng xe nhảy xuống", anh Nguyễn Văn T. nhớ lại.

Sau khi lên xe tải, nhóm anh T. mỗi người chui vào lỗ hổng của khoanh lốp. Mùi lốp cao su hôi thối khiến anh T. suýt ngạt thở. Anh phải lấy áo bịt mũi suốt nhiều tiếng đồng hồ. Nhiều lúc, đến bản thân anh cũng không dám tin mình sẽ sống sót để đến nơi an toàn. 

Sau gần 4 tiếng vừa run vừa khó thở trên xe tải, bỗng tài xế dừng xe đập cửa ầm ầm. Mọi người nhanh chóng lao ra khỏi những khoanh lốp, rạch bạt thùng xe chạy xuống.

Sau khi nhảy xuống xe. anh T. tìm cách gọi điện thoại cho người quen ra đón rồi được đưa về một nhà hàng của người Trung Quốc ở tỉnh Leics. Tại đây, anh T. bắt đầu cuộc sống mới với công việc hàng ngày là rửa bát, dọn dẹp nhà hàng với mức lương khởi điểm là 15 triệu đồng. Sau hơn 1 năm, lương tăng lên 25 triệu đồng.

Theo chia sẻ của anh T., dù sống gần 8 năm bên Anh, nhưng anh hầu như không biết thế giới bên ngoài ra sao, bởi suốt ngày chỉ lủi thủi trong nhà hàng. Dù sống ở Anh nhưng anh không có một ngày thảnh thơi, không lo nghĩ.

Mỗi khi ra ngoài đi dạo anh phải xin phép chủ nhà hàng và phải đi cùng tốp nhân viên nhà hàng Trung Quốc vì sợ cảnh sát Anh phát hiện là người nhập cư bất hợp pháp.

Những lúc làm xong việc, anh T. chỉ biết trèo lên căn gác nhỏ tầng 2 nghỉ ngơi. Cuộc sống như ngục tù, bao quanh bởi 4 bức tường khiến anh buồn bã, chán nản. Nhưng nghĩ về người thân ở quê nhà, anh lại cố gắng làm tiếp để có tiền gửi về.

Cuộc sống của những người nhập cư bất hợp pháp như anh T. không chỉ buồn tẻ, u ám mà họ luôn sống trong lo lắng, sợ hãi bị cảnh sát nước sở tại bắt giữ. Kèm theo đó là những hiểm nguy luôn rình rập bất cứ lúc nào. Đến Anh rồi nhưng những giây phút kinh hoàng vẫn chưa chấm dứt.

Những lúc cảnh sát Anh ập đến để truy quét những người bất hợp pháp, tôi và những người Trung Quốc bất hợp pháp khác lại vội vàng nhảy lên xe ô tô chở đi nơi khác trốn, sau khi thấy an toàn thì chủ nhà hàng mới chở về”, anh T. nhớ lại những giây phút kinh hoàng.

Dù cuộc sống cơ cực nhưng anh T. vẫn cố làm ở nhà hàng một thời gian để chờ cơ hội mới, mong được đổi đời với công việc lương cao và tự do đi lại hơn. Tuy nhiên, tất cả chỉ là mơ ước, còn thực tế không bao giờ có. Vì cuộc sống khổ cực như bị giam lỏng, lại lo sợ bị bắt vì lao động bất hợp pháp nên anh T. quyết định bỏ chốn “thiên đường ảo” của những người lao động bất hợp pháp trở về quê hương sau gần 8 năm lưu lạc.

Theo chia sẻ của anh T., ở nước Anh, khi nhập cư vào rất khó khăn, kiểm tra rất khắt khe, nhưng những người nhập cư bất hợp pháp như anh muốn về nước thì lại rất dễ, họ cho vé máy bay và một ít tiền để về.

Về đến quê nhà Nghệ An, anh T. mới thấy mình may mắn khi được tự do đi lại, được sống cuộc sống gần vợ con và quan trọng là sống đúng cuộc đời của mình.

Nếu bây giờ cho tôi tiền để vượt biên sang Anh thì tôi cũng không đi, chứ nói gì đến bỏ mấy trăm triệu đồng để đi. Tôi khiếp sợ rồi!", người đàn ông từng lưu lạc gần 8 năm nơi nước Anh phồn hoa nói.

Ám ảnh 3 tiếng đồng hồ trong xe tải đông lạnh

Cũng giống như anh Nguyễn Văn T., anh Phạm Văn H. (36 tuổi, quê ở Yên Thành, Nghệ An) cũng có hành trình "xuất ngoại" gian nan không kém.

Sau một thời gian làm thuê bên Nga, anh H. lại vượt biên sang CH Séc, sau đó sang Đức làm ăn. Ở nước Đức thấy làm ăn khó khăn nên đầu năm 2018 anh H. nghe theo bạn bè vượt biên sang Anh với mong muốn kiếm được công việc có thu nhập cao hơn.

Với chi phí khoảng gần 50 triệu đồng, anh H. được một người môi giới chở đến gặp xe tài xế xe tải ở khu vực gần biên giới Pháp và Anh, sau khi người môi giới nói chuyện với tài xế thì anh H. được trèo vào thùng xe tải đông lạnh chở hoa quả.

"Lúc này, trong thùng xe đã có mấy người. Tài xế xe tải đưa chúng tôi mỗi người một chiếc áo mưa, sau đó trùm vào người cho đỡ lạnh. Ngồi trên xe, chân tay lạnh buốt, hai hàm răng run cầm cập vì vừa lạnh vừa lo sợ bị cảnh sát phát hiện bắt giữ", anh H nhớ lại.

Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ ngồi trên xe tải, anh H. sang đến nước Anh, tài xế dừng xe ở khu vực vắng vẻ rồi bảo mọi người xuống.

"Lúc này mỗi người một nơi, tôi bơ vơ vì không có người quen bên Anh nên đi bộ gần 5km đến một cửa hàng để mua sim điện thoại gọi về cho gia đình. Do nghi ngờ tôi là người nhập cư trái phép nên họ báo cảnh sát bắt tôi. Tuy nhiên, cảnh sát kiểm tra vân tay thì không thấy tôi trong tàng thư, tôi không phải là tội phạm nên họ thả tôi”, anh Phạm Văn H.nhớ lại quãng thời gian kinh hoàng trong cuộc đời.

Sau khi được ra, anh H. xin vào làm tại một nhà hàng do một người Trung Quốc làm chủ. Công việc của anh là đầu bếp, mức lương gần 20 triệu đồng/tháng. Làm tại nhà hàng hơn 1 năm, đến tháng 4/2019, hàng chục cảnh sát ập vào nhà hàng để kiểm tra giấy tờ từng người, truy quét người nhập cư bất hợp pháp. Vì không có giấy tờ, anh H. bị bắt giữ đưa vào trại. Cuộc sống tù túng, bí bách nơi xứ người khiến anh H. không còn hào hứng mà luôn sống trong lo sợ.

Người đàn ông này tâm sự những người nhập cư bất hợp pháp như anh khi bị bắt phải ở trong trại 8 tháng thì sẽ được thả nhưng sau 4 tháng bị nhốt, thấy cuộc sống nơi xứ người quá chán nản, anh H. quyết định lên gặp cảnh sát để xin ra trại về nước để.

"Khi lên đến nơi, cảnh sát bảo 'ai cũng muốn ra trại, anh ở lại làm tiếp sao anh lại muốn về nước là sao?'. Tôi trả lời 'tôi không thích làm người sống bất hợp pháp nữa, vậy mong cảnh sát cho tôi về sớm'", anh H kể.

Sau một vài ngày, cảnh sát Anh làm thủ tục, chở anh H. ra máy bay về nước cùng với số tiền 30 triệu đồng làm lộ phí đi đường.

"Trên chuyến bay mà lòng bỗng hỏi việc gì mình phải sống bất hợp pháp, chui lủi ở nước khác trong khi thu nhập cũng không cao như mọi người tưởng”, anh H. bồi hồi nhớ lại.

Nợ nần khi di cư làm tăng nguy cơ người lao động bị mua bán, cưỡng bức
Bên trong lán trại giữa rừng nước Pháp của người Việt di cư
"Rừng tị nạn" Calais và những người di cư sống vất vưởng, tạm bợ chờ sang Anh
/ vtc.vn