- Nhiều người trẻ bị đột quỵ do tăng huyết áp mà không biết
- Vì sao người trẻ bị đột quỵ não nhiều lên?
Người trẻ đột quỵ để lại di chứng nặng nề như tàn tật, làm giảm khả năng, chức năng vận động, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Anh Hoàng Nguyên Minh (ngụ quận 12, TP.HCM) là một trong những trường hợp còn trẻ tuổi nhưng đã bị đột quỵ.
Dù mới 29 tuổi, nhưng anh Minh có tiền sử huyết áp cao. Sau khi phát hiện đột quỵ, anh được đưa đến bệnh viện muộn nên qua chẩn đoán bằng hình ảnh, não của đã có di chứng.
“Bị di chứng sau đột quỵ nhưng tôi vẫn có thể đi lại, tuy nhiên sức khỏe giảm đi rất nhiều. Đặc biệt là bàn tay trái không cầm được đồ vật nặng hơn 3kg, bước chân cũng không được đều như trước. Bác sĩ cảnh báo tôi phải giữ gìn sức khỏe không sẽ có nguy cơ đột quỵ lần 2, lần 3 dẫn đến liệt nửa người hoặc có thể liệt toàn thân”, anh Minh cho hay.
Đột quỵ não là một căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao thứ 2 sau tim mạch. (Ảnh minh họa)
Liên tục la hét, không hợp tác với bác sĩ, ném đồ khắp nơi là những biểu hiện của anh Nguyễn Công Thành, 26 tuổi (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM), đang nằm điều trị tại Khoa Nội thần kinh của một bệnh viện trên địa bàn TP.HCM
Bà Loan, mẹ của Nguyễn Công Thành vừa khóc vừa kể: “Sức khỏe con tôi rất tốt, đang làm kỹ sư xây dựng. Tuy nhiên, con tôi mê chơi game, rảnh là chơi. Trước khi đột quỵ, con tôi đã chơi game liên tục 3 ngày đêm không ngủ”.
Bà Loan cho biết thêm, các bác sĩ nói anh Thành bị tắc một nhánh động mạch lớn của não, phải điều trị đặc biệt bằng biện pháp can thiệp nội mạch.
“Hiện con tôi đã qua cơn nguy kịch nhưng bác sĩ nói cháu có dấu hiệu loạn thần vì không chịu được cú sốc này”, bà Loan nói.
Tương tự, bệnh nhân Trần Quốc Sinh, 27 tuổi (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM), đang sinh hoạt bình thường thì đột ngột thấy yếu nửa người bên trái kèm nói đớ, ngọng, được người nhà phát hiện và đưa đi bệnh viện. Trước đó, bệnh nhân này có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não vùng thái dương, trán, đỉnh kèm tăng huyết áp.
Sau gần một tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, tuy nhiên vẫn để lại di chứng nặng nề và phải tham gia vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
Một trường hợp đặc biệt rất trẻ, là em Lê Minh Cao, 17 tuổi, (ngụ Gò Vấp, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng xuất huyết não, phù não nặng, có dùng ma túy đá.
Theo lời kể của người nhà, ngay sau khi hít ma túy đá, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, buồn nôn và đã được đưa đến bệnh viện.
Kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với các loại ma túy tổng hợp, trong đó đặc biệt là melaphatamine, tức là ma túy đá.
Hình ảnh xuất huyết não trên phim chụp cắt lớp (CT) sọ não.
Hay trường hợp em Triệu Minh H., 22 tuổi (ngụ quận 2, TP.HCM) được người nhà đưa vào viện cấp cứu sau 3 ngày đau đầu liên tục trong tình trạng co giật, mất ý thức.
Theo chị Linh, (chị gái H.) chia sẻ, H. thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử và uống thuốc tránh thai hàng ngày liên tục hơn một năm nay. Tuy gia đình đã nhắc nhở rất nhiều lần nhưng H. bỏ ngoài tai.
“Các bác sĩ cũng nói bệnh của H. là do tác dụng phụ của thuốc tránh thai làm tăng khả năng đông máu dẫn đến đột quỵ, H. được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch nội sọ kèm biến chứng xuất huyết não thùy trán”, chị Linh nói.
Theo các chuyên gia y tế, hiện tượng người trẻ bị đột quỵ thời gian gần đây ngày càng tăng, chiếm tỷ lệ cao và di chứng để lại khá nặng nề.
https://vtc.vn/nguoi-tre-bi-dot-quy-ngay-cang-tang-ar761535.html