Trước tình trạng một số lượng lớn người dân trở về từ vùng dịch (sau khi các địa phương này nới lỏng giãn cách xã hội), ngày 6/10, Bộ Y tế đã có công văn về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, trong đó nêu rõ người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngày đầu.
Tiềm ẩn nguy cơ lây lan
Những ngày đầu tháng 10, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An xuất hiện tình trạng một số lượng lớn người dân trở về quê ngay sau khi các địa phương trên nới lỏng giãn cách, chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Nhiều địa phương đã lên phương án đón công dân từ vùng dịch trở về.
Tuy nhiên, do tại nhiều địa phương tỷ lệ phủ vaccine phòng dịch chưa cao, việc người dân ồ ạt trở về nếu không kiểm soát tốt sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, các địa phương đều đang lên phương án chặt chẽ để đón người dân trở về vùng dịch an toàn, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm phục hồi kinh tế - xã hội.
Tại tỉnh Cà Mau, từ ngày 1/10 đến sáng 6/10 có gần 20.000 người từ các tâm dịch đổ về quê. Dự kiến tình trạng này tiếp tục gia tăng trong những ngày tới dẫn đến sự quá tải cũng như nguy cơ lây nhiễm chéo SARS-CoV-2 tại các khu cách ly tập trung.
Tỉnh Cà Mau đã thống nhất các biện pháp cách ly y tế tại nhà đối với những người về tỉnh tự phát nếu họ đảm bảo các yêu cầu, điều kiện theo quy định. Thời gian cách ly tại nhà là 28 ngày liên tục.
Theo đó, UBND tỉnh quy định: Những người được phép cách ly y tế tại nhà phải được tiêm 1 hoặc 2 liều vaccine phòng COVID-19 đủ 14 ngày và khi về đến Cà Mau có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2; người đã khỏi bệnh COVID-19 trong thời hạn 6 tháng và khi về đến Cà Mau có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Những người còn lại khi về đến Cà Mau và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR lần 1 thì phải có nhà ở riêng biệt (không sống chung với người dân ở lại địa phương); nhà của người được cách ly y tế phải thuận lợi về giao thông để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát và dịch vụ y tế; trước nhà có gắn biển cảnh báo Nhà có người cách ly y tế và ghi rõ họ tên, số điện thoại người được cách ly y tế, có cán bộ y tế và thành viên Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng hỗ trợ.
Tại tỉnh Sơn La, trong quá trình xét nghiệm đối với những người trở về từ các tỉnh phía Nam trong ngày 5/10, có một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đã được ghi nhận ở xã Hồng Ngài (huyện Bắc Yên). Đó là người làm việc tự do tại tỉnh Bình Dương.
Tỉnh Sơn La đã chỉ đạo việc phân loại, cách ly phòng, chống dịch COVID-19 đối với người đi từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trở về Sơn La.
Các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Gia Lai… cũng có những chỉ đạo cụ thể, rõ ràng việc đón, tiếp nhận công dân của địa phương từ vùng dịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tuy nhiên, do lượng người tự phát trở về lớn nên công tác phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch COVID-19.
Người tiêm đủ liều vaccine tự theo dõi tại nhà
Trước thực tế trên, ngày 6/10, Bộ Y tế đã có công văn về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, trong đó nêu rõ người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngày đầu.
Bộ Y tế đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố khác tổ chức đưa đón, thống nhất phương án xét nghiệm cho người dân đảm bảo chu đáo, an toàn và đảm bảo yêu cầu về công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
UBND các tỉnh, thành phố tiếp nhận người về từ TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chỉ đạo thực hiện việc cách ly và xét nghiệm cho người dân, cụ thể: Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh) cho tất cả những người về từ TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An vào ngày đầu tiên khi tiếp nhận. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức tiếp nhận, quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người thực hiện cách ly, tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn.
Về việc cách ly đối với người về từ TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bộ Y tế cho biết, những người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19):
Tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và luôn thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.
Những người tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ vàng trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp) thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.
Những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và luôn thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương.
Những người đã tiêm vaccine COVID-19 hoặc khỏi bệnh COVID-19 tại nước ngoài, việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
Bộ Y tế nêu rõ: Căn cứ tình hình dịch và điều kiện thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, tạo điều kiện tối đa cho người dân, đồng thời không tạo áp lực, quá tải và có nguy cơ gây lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly tập trung.
PV