Người thúc đẩy Trump cứng rắn với Trung Quốc

Phó cố vấn an ninh quốc gia Pottinger từng làm phóng viên tại Trung Quốc và giờ là tiếng nói hàng đầu thúc giục Trump cứng rắn với nước này. 

Hồi tháng hai, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc đã kiềm chế được Covid-19, phó cố vấn an ninh quốc gia Matthew Pottinger nhận được một số thông tin đáng báo động: nCoV đã lan ra ngoài biên giới Trung Quốc và các quan chức Mỹ cũng cảnh báo về một chiến dịch tung tin sai lệch của Bắc Kinh. 

Pottinger, 46 tuổi, tin rằng Trung Quốc đã che đậy thông tin và thực hiện "chiến tranh tâm lý" để tung hỏa mù về nguồn gốc của virus nhằm tránh bị đổ lỗi. Các quan chức tình báo Mỹ phát hiện những dấu hiệu cho thấy đặc vụ Trung Quốc cố tình loan tin sai, trong khi truyền thông nước này tung ra những thông tin được nhào nặn để thay đổi các sự thật quan trọng.

Pottinger kêu gọi Trump và các quan chức cấp cao gắn cho nCoV một cái "nhãn" để không ai có thể nhầm lẫn về nguồn gốc của nó, bằng cách gọi đây là "virus Vũ Hán".  

Matthew Pottinger (phải) và Trump dự sự kiện bên lề APEC tháng 11/2017. Ảnh: AFP.

 

 

Pottinger đã thành công trong nỗ lực của mình. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng ba thúc giục G7 ký tuyên bố chung, trong đó gọi nCoV là "virus Vũ Hán". Các lãnh đạo G7 từ chối, cho rằng cách gọi này phân biệt chủng tộc. Trong khi đó, Trump cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Pottinger, gọi nCoV là "virus Trung Quốc". 

Đối với Pottinger, những người phản đối cách gọi này đã quên rằng chính truyền thông nhà nước Trung Quốc từng sử dụng thuật ngữ "virus Vũ Hán" trong nhiều tuần, trước khi bất ngờ thúc giục WHO đưa ra tên gọi chính thức cho dịch là Covid-19.  

Pottinger tin rằng Trung Quốc đã xử lý Covid-19 "tồi tệ", khiến cả thế giới phải chịu đựng hậu quả từ "vấn đề quản trị nội bộ của Trung Quốc", một nguồn tin giấu tên cho biết.

Điều này cho thấy một trong những cố vấn hàng đầu về Trung Quốc ở Nhà Trắng có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh như thế nào, xuất phát từ những kinh nghiệm cá nhân của Pottinger khi công tác tại Trung Quốc 20 năm trước.

Tốt nghiệp chuyên ngành nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Massachusetts Amherst, Pottinger thông thạo tiếng Trung và trở thành phóng viên cho Reuters từ năm 1998 đến 2001, sau đó chuyển sang tờ Wall Street Journal cho đến khi giã từ nghiệp báo vào năm 2005. Trong thời gian này, ông có 7 năm tác nghiệp tại Trung Quốc.

Trong một bài viết cho Wall Street Journal năm 2005, ông mô tả bị cảnh sát Trung Quốc quay video giám sát và phải phi tang các bản ghi chép bằng cách tống chúng vào bồn cầu, trước khi bị một "nhóm côn đồ" bao vây khi phỏng vấn các công nhân ở Bắc Kinh về cáo buộc tham nhũng trong chính quyền.

Đầu những năm 2000, Pottinger đưa tin về SARS và vào năm 2004, khi dịch đã được kiềm chế, ông viết một bài báo cho Wall Street Journal về một ổ dịch nhỏ bùng phát trở lại do sự cố tại một phòng thí nghiệm.

Paul Eckert, phóng viên Reuters từng làm việc với Pottinger ở Trung Quốc, cho biết Pottinger là một trong số nhiều phóng viên không thân thiện với chính quyền Trung Quốc, mặc dù có tình cảm với văn hóa và con người ở đây.

Sau khi rời ngành báo năm 2005, Pottinger gia nhập Thủy quân lục chiến Mỹ, làm sĩ quan tình báo ở Iraq và Afghanistan. Tại Afghanistan, Pottinger "lọt vào mắt xanh" của tướng tình báo Michael Flynn. Hai người đã hợp tác soạn báo cáo vào năm 2010, phê bình phương pháp thu thập thông tin quân sự.

Flynn là phụ tá nổi bật của Trump năm 2016 và sau khi Trump đắc cử, ông được chọn làm cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của chính quyền. Flynn đã đưa Pottinger, người khi đó làm việc trong một quỹ phòng hộ ở New York, tham gia đội ngũ của Trump.

Lo ngại của Pottinger về những nỗ lực kiểm soát thông tin của Bắc Kinh đã định hình công việc của ông tại Nhà Trắng. Năm ngoái, ông là một trong số các phụ tá trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) thúc giục Trump đưa tập đoàn viễn thông Huawei vào danh sách đen.

Tại một diễn đàn ở Ấn Độ hồi tháng một, Pottinger giải thích rằng chính phủ Trung Quốc có những khoản trợ cấp không công bằng cho Huawei. Ông cũng cho rằng việc để Huawei tham gia thị trường viễn thông Mỹ sẽ là "cõng rắn cắn gà nhà", gây ra rủi ro bảo mật nghiêm trọng.

Khi Covid-19 mới bùng phát, Pottinger đã xin ý kiến từ anh mình, Paul, nhà virus học tại Đại học Washington. Ông đã chuyển những quan sát ở tuyến đầu chống dịch cho tổ công tác chống Covid-19 của Nhà Trắng do Phó Tổng thống Mike Pence dẫn đầu.  

Pottinger là người đầu tiên đề xuất Trump dừng một số chuyến bay từ Trung Quốc vào cuối tháng một. Vào tháng ba, ông dẫn đầu công tác đánh giá dẫn đến kết quả Bộ Ngoại giao Mỹ giảm cấp thị thực cho nhà báo Trung Quốc với lý do họ làm việc cho các cơ quan tuyên truyền được nhà nước hậu thuẫn, vào thời điểm Bắc Kinh trục xuất phóng viên nước ngoài.

Pottinger cũng ủng hộ quyết định của Trump dừng tài trợ cho WHO. Ông đang giám sát một cuộc đánh giá hành chính nội bộ để vạch ra các phương án tiến hành quyết định này.

Sau hậu trường, Pottinger thúc đẩy các cơ quan tình báo tìm hiểu giả thuyết nCoV vô tình được phát tán từ một phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán chứ không phải chợ bán động vật hoang dã. Giả thuyết này chưa được chứng minh.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Pottinger vẫn còn nhiều hạn chế. Trong nhóm phụ tá của Trump có những cứng rắn với Trung Quốc như Peter Navarro, nhưng cũng có những người mang quan điểm ôn hòa như con rể Jared Kushner, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Các cộng sự cho biết Pottinger nghiêng về những người cứng rắn hơn, nhưng ông thường tránh gây chú ý, tránh bị coi là lấn lướt những người có vai vế hơn ở Cánh Tây. Đặc điểm này đã giúp ông trụ lại ở Nhà Trắng lâu hơn ba cố vấn an ninh quốc gia và vào mùa hè 2019, ông được thăng chức lên cấp phó cho cố vấn hiện nay là Robert C. O\'Brien.

Trong văn phòng của Pottinger có một tấm bảng  lớn liệt kê chi tiết ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc. Một đồng nghiệp cũ tại NSC gọi đây là tấm bảng liệt kê tất cả những cách "Trung Quốc đang \'tấn công\' phương Tây và làm thế nào chúng ta có thể chống trả".

Tuy nhiên, Trump đã làm phức tạp nỗ lực cứng rắn với Bắc Kinh bằng những thông điệp không nhất quán và những lời khen dành cho ông Tập. Trump nhấn mạnh ông đã chống dịch một cách quyết liệt khi cấm người Trung Quốc nhập cảnh từ ngày 31/1, nhưng các chuyên gia cho rằng lệnh cấm này là chưa đủ vì dịch đã âm thần lan rộng ở Mỹ và lệnh cấm không được áp dụng với công dân Mỹ trở về từ Trung Quốc.

Trump tiếp tục hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch trong 6 tuần tiếp theo. Trong khi đó, Pottinger đã mua khẩu trang cho nhân viên NSC và chuyển phòng làm việc từ Cánh Tây sang Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower. Ông cũng tránh tiếp xúc với O\'Brien để đảm bảo nếu một trong hai người nhiễm nCoV thì công việc không bị gián đoạn.  

Vào giữa tháng ba, Trump chuyển từ ca ngợi ông Tập sang đổ lỗi cho Trung Quốc thiếu minh bạch, chỉ trích việc quan chức Trung Quốc thúc đẩy thuyết âm mưu rằng virus do quân đội Mỹ phát tán. Tuy nhiên, ông đã giảm ngôn từ gay gắt sau khi điện đàm với ông Tập vào cuối tháng trước. 

Những người quen biết Pottinger nhận xét ông ý thức rõ ảnh hưởng hạn chế của mình với Trump. "Matt hiểu rằng rằng ông không phải là người \'dẫn đường\' cho Tổng thống nhưng ông sẽ sẵn sàng khi Trump cần ra quyết định", Tim Morrison, cựu quan chức NSC, nói.

"Ông ấy không cố gắng qua mặt các quan chức khác ở Nhà Trắng. Đó không phải là điều mà một lính thủy đánh bộ làm. Ông ấy làm theo mệnh lệnh, đảm bảo rằng nếu một chỉ huy yêu cầu tấn công thì ông ấy sẽ tấn công".

Phương Vũ (Theo Washington Post)

"Chiến dịch" Biển Đông của Trung Quốc lúc đại dịch càng khiến thế giới hiểu họ thêm

Trước việc Trung Quốc hôm 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và ...

Trung Quốc bị tố "bóp nghẹt" dòng Mekong

Nghiên cứu của công ty Mỹ Eyes on Earth cho rằng đập thủy điện Trung Quốc đang giữ phần lớn nước sông Mekong, gây hạn ...

Trung Quốc luôn lợi dụng thời điểm thế giới phức tạp để lấn tới trên Biển Đông

Dư luận quốc tế đã nhiều lần vạch rõ âm mưu của Trung Quốc lợi dụng tình hình thế giới đang phải tập trung đối ...

Chuyên gia chỉ rõ âm mưu của Trung Quốc “khuấy động” Biển Đông giữa Covid-19

Theo các chuyên gia, Trung Quốc muốn thúc đẩy yêu sách phi lý ở Biển Đông lợi dụng bối cảnh các nước phải dồn lực ...

/ vnexpress.net